Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ của Trung Quốc lao đao bên 'bờ vực'
Các xí nghiệp sản xuất và xuất nhỏ tại Trung Quốc rơi vào thế 'tiến thoái lưỡng nan' do nhu cầu giảm và khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Kris Lin, chủ một doanh nghiệp sản xuất thiết bị chiếu sáng tại Trung Quốc vừa có được đơn hàng đầu tiên từ khách hàng truyền thống cho năm nay, nhưng Lin phải đối mặt với một quyết định “đầy đau khổ” nếu nhận đơn hàng thì phải chấp nhận thua lỗ, hoặc nếu không nhận thì phải nói với công nhân của mình “đừng quay lại nhà máy” sau dịp nghỉ Tết.
"Tôi có thể mất khách hàng này mãi mãi và điều đó khiến sinh kế của nhiều người bị ảnh hưởng. Nếu chúng tôi trì hoãn việc nối lại sản xuất, mọi người có thể bắt đầu nghi ngờ hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Nếu tin đồn lan truyền, nó sẽ ảnh hưởng đến quyết định của các nhà cung cấp của chúng tôi", Lin chia sẻ về khó khăn của mình.
Số lượng đơn hàng giảm kéo dài đang đe dọa các nhà xuất khẩu nhỏ của Trung Quốc, lạm phát và khó khăn kinh tế ở các thị trường xuất khẩu khiến nhu cầu giảm, cuộc cạnh tranh về giá giữa các nhà sản xuất còn làm tình trạng thêm trầm trọng đó là đơn hàng đã thấp lại có đơn giá ở mức “thua lỗ”.
Đơn giá đặt hàng đã đã giảm trong 15 tháng liên tiếp, làm giảm tỷ suất lợi nhuận đến mức sản lượng công nghiệp và việc làm hiện đang gặp rủi ro, đồng thời làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế của Trung Quốc đang đối mặt, bao gồm khủng hoảng tài sản và khủng hoảng nợ.
Theo thống kê của Bộ Thương mại, nước này có tới 180 triệu lao động đang làm việc trong các lĩnh vực liên quan tới xuất khẩu.
Lợi nhuận tại các công ty công nghiệp của Trung Quốc giảm 2,3% trong năm 2023, thêm vào mức giảm 4% từ dịch Covid-19. Một cuộc khảo sát chính thức cho thấy, đến tháng 1/2024, hoạt động sản xuất giảm tháng thứ tư liên tiếp, trong khi số đơn đặt hàng xuất khẩu giảm tháng thứ 10 liên tiếp.
Với trường hợp cụ thể của Lin, đơn hàng có giá trị 1,5 triệu USD mà doanh nghiệp của ông nhận được giảm giá 25% so với cùng kỳ và thấp hơn 10% chi phí sản xuất.
Nhiều chủ xí nghiệp phải lựa chọn hoặc cắt giảm nhân lực ngay trước dịp lễ, hoặc chấp nhận thua lỗ. Nếu chần chừ quá lâu, họ có thể mất niềm tin của khách hàng và các nhà cung ứng.
Các nhà phân tích cho rằng cần kích thích tiêu dùng trong nước như một giải pháp thay thế cho xuất khẩu để sản xuất được vận hành bình thường.
Vòng luẩn quẩn
Xu hướng tập trung nguồn tài chính vào sản xuất gây lo ngại về năng suất dư thừa, ngay cả với lĩnh vực mới bùng nổ như xe điện. Theo ông Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc đại lục tại Ngân hàng ANZ, việc tìm lối ra cho sản xuất nên được ưu tiên hơn mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.
“Các công ty giảm giá sản phẩm, rồi giảm lương nhân viên, rồi người tiêu dùng không có tiền mua sản phẩm… Tất cả tạo thành một vòng luẩn quẩn,” ông nói.
Để khắc phục các khó khăn nội tại, Trung Quốc đã tung ra nhiều gói kích thích lớn, các ngân hàng qua đó đã mời chào các nhà máy các gói vay ưu đãi với lãi suất thấp. Câu chuyện nằm ở chỗ, nhiều doanh nghiệp nhỏ không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn này, hoặc không sẵn lòng vay vì không đủ sức cạnh tranh về giá sản phẩm với các doanh nghiệp lớn.
Trung Quốc từng trải qua nỗi lo tương tự vào năm 2015 do lĩnh vực công nghiệp chế tạo thừa năng lực sản xuất. Khi đó, các nhà chức trách đã thu hẹp quy mô sản xuất để giảm nguồn cung và đẩy nhanh xây dựng để thúc đẩy nhu cầu.
“Lần này, dư thừa xảy ra ở khu vực tư nhân,” chuyên gia kinh tế Nie Wen tại Công ty Hwabao Trust cho hay. Số lượng việc làm không hề nhỏ trong khu vực này là vấn đề nhạy cảm đối với các nhà hoạch định chính sách xứ tỷ dân.
“Rất khó để thu hẹp nguồn cung. Do đó, cần phải nỗ lực nhiều hơn vào việc thúc đẩy cầu trong năm nay,” ông bổ sung.