Nhiều đổi mới lĩnh vực giáo dục khi chính quyền địa phương 2 cấp vận hành
Việc tổ chức thực hiện cấp bằng tốt nghiệp hay chuyển trường rồi chọn sách giáo khoa, xét tốt nghiệp cho học sinh,... có những thay đổi về thẩm quyền quyết định từ khi chính quyền địa phương 2 cấp vận hành.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành loạt thông tư quy định về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực giáo dục.
Theo đó, nhiều công việc trước đây thuộc thẩm quyền của Phòng GD-ĐT được thay thế bằng UBND cấp xã thực hiện.
Các thông tư hướng dẫn cũng bỏ, thay thế các cụm từ “Phòng GD-ĐT”, “UBND cấp huyện” bằng cụm từ “UBND cấp xã”; thay thế cụm từ “Trưởng Phòng GD-ĐT” bằng “Chủ tịch UBND cấp xã”.
Việc cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ hệ thống giáo dục quốc dân do UBND cấp xã thực hiện
Một số nội dung đáng chú ý như ở Thông tư số 13/2025/TT-BGDĐT quy định về quản lý văn bằng, chứng chỉ.
Theo đó, từ ngày 1/7/2025, thẩm quyền quản lý việc sử dụng phôi văn bằng, chứng chỉ và chịu trách nhiệm về việc cấp văn bằng, chứng chỉ quy định tại khoản 3 Điều 3 Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, THPT, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân (ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT của Bộ trưởng GD-ĐT) do UBND cấp xã thực hiện.
Đối với văn bằng, chứng chỉ do Phòng GD-ĐT cấp trước ngày 1/7/2025, thì việc cấp lại; cấp bản sao từ sổ gốc; chỉnh sửa nội dung ghi trên văn bằng, chứng chỉ; thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ do Sở GD-ĐT thực hiện.
Sở GD-ĐT lựa chọn, phê duyệt cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng ban hành mới Thông tư 12/2025/TT-BGDĐT quy định về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương hai cấp đối với lĩnh vực nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
Theo đó, thẩm quyền đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; lựa chọn và phê duyệt danh sách cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán sẽ do Sở GD-ĐT thực hiện.
Thẩm quyền lựa chọn, phê duyệt giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán do Sở GD-ĐT thực hiện.
Thẩm quyền tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi sẽ do UBND cấp xã thực hiện.

Lĩnh vực giáo dục sẽ có nhiều sự thay đổi khi nước ta vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh minh họa: Thanh Hùng
Việc chuyển trường THCS thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp xã
Bộ GD-ĐT cũng ban hành Thông tư 10/2025/TT-BGDĐT quy định về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương hai cấp đối với giáo dục phổ thông.
Theo đó, việc chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các trường THCS thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã.
Cụ thể, thẩm quyền cấp giấy giới thiệu chuyển trường đối với cấp THCS (tại điểm f khoản 1 Điều 5 Quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các trường THCS và THPT ban hành kèm theo Quyết định 51/2002/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng GD-ĐT) do Chủ tịch UBND cấp xã nơi đi thực hiện.
Thẩm quyền tiếp nhận, giới thiệu về trường nơi cư trú, kiểm tra hồ sơ do UBND cấp xã của trường nơi đến thực hiện.
Thẩm quyền xem xét, quyết định trường hợp ngoại lệ về thời gian chuyển trường đối với cấp THCS do Chủ tịch UBND cấp xã nơi đến thực hiện.
Việc tổ chức thực hiện quy định về quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS cũng có điều chỉnh.
Cụ thể, thẩm quyền xét công nhận tốt nghiệp THCS quy định tại Điều 12 Quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS ban hành kèm theo Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT của Bộ trưởng GD-ĐT sẽ do UBND cấp xã thực hiện.
Thẩm quyền thành lập Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp, quyết định công nhận tốt nghiệp, công bố danh sách học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS, tổ chức cấp phát bằng tốt nghiệp cho học sinh do Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện.
Việc tổ chức thực hiện quy định về lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông cũng có sự điều chỉnh.
Cụ thể, Thông tư 10/2025/TT-BGDĐT thay thế cụm từ “thẩm định hồ sơ” bằng cụm từ “rà soát hồ sơ” tại Điều 8, khoản 1 Điều 15 Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT của Bộ trưởng GD-ĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. Cùng đó, thẩm quyền rà soát hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục cấp tiểu học và THCS quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 27 do UBND cấp xã thực hiện.
Nhóm thông tư mới được ban hành này có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 1/7/2025.