Nhiều đổi mới trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi
Năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi học sinh giỏi cấp thành phố theo Chương trình GDPT 2018.
Tạo công bằng cho thí sinh
Sở GD&ĐT Hà Nội có nhiều đổi mới trong hình thức tổ chức tuyển chọn đội tuyển. Lần đầu tiên, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức 2 kỳ thi độc lập: Kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi dự thi cấp quốc gia năm học 2024 - 2025 và Kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố các môn văn hóa lớp 12 cấp THPT năm học 2024 - 2025.
Mục đích của kỳ thi nhằm động viên, khuyến khích người dạy và học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi; góp phần thúc đẩy cải tiến, nâng cao chất lượng dạy học, công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục.
Đồng thời phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho thành phố và đất nước, công bằng trong đánh giá; khuyến khích, thúc đẩy thi đua dạy tốt, học tốt trong cơ sở giáo dục; tạo điều kiện cho các trường nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn.
Không riêng Hà Nội, nhiều địa phương tổ chức hai đợt thi học sinh giỏi như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Nam và mới đây là TPHCM. Thông thường, đợt 1 được gọi là kỳ thi học sinh giỏi THPT chuyên, tổ chức vào đầu năm học để kết hợp chọn đội tuyển quốc gia.
Trong khi đó, kỳ thi thứ hai nhằm phát hiện, công nhận năng lực những em giỏi so với mặt bằng chung, cũng như khuyến khích phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi toàn thành phố. Ở cả hai kỳ thi, học sinh tham gia được xét giải, không ảnh hưởng về quyền lợi.
Ủng hộ việc tách 2 kỳ thi học sinh giỏi, thầy Dương Hai Bảy Mươi - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) cho rằng: Mọi năm, phần lớn giải kỳ thi học sinh giỏi thành phố thuộc về học sinh các trường chuyên. Trong khi đó, học sinh khối đại trà vất vả đề chạy theo chương trình học của khối chuyên.
Tách hai kỳ thi học sinh giỏi là cần thiết để tạo công bằng cho các thí sinh. Bày tỏ quan điểm, thầy Vũ Đình Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) viện dẫn: Nếu cùng thi một đợt, các giải cao đều thuộc về trường chuyên thì các trường khác không mặn mà với việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Cơ hội nào cho trường ngoại thành?
Năm nay, toàn thành phố có hơn 2.200 học sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển dự thi cấp quốc gia ở 13 môn học, trong đó môn Ngữ văn có số lượng học sinh đăng ký dự thi nhiều nhất với 320 em, môn Tiếng Anh có 296 em. Kết quả, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tuyển chọn được 260 học sinh xuất sắc nhất vào 13 đội tuyển.
Trong số 260 học sinh lọt vào đội tuyển thành phố dự thi quốc gia, học sinh các trường THPT chuyên và THPT có lớp chuyên chiếm đa số. Phần còn lại một số ít học sinh các trường đại trà và trường tư thục chất lượng cao. Đáng chú ý, các trường ngoại thành gần như vắng bóng trong danh sách đội tuyển thành phố năm nay.
Thầy Nghiêm Hồng Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Phùng Khắc Khoan (huyện Thạch Thất) bày tỏ, việc đổi mới kỳ thi sẽ khép lại cánh cửa vào đội tuyển quốc gia của học sinh các trường ngoại thành. Bởi chương trình học và đề thi của khối chuyên khác biệt so với chương trình đại trà mà học sinh ngoại thành không thể bắt kịp.
Cùng quan điểm, thầy Nguyễn Duy Bỉnh - Hiệu trưởng Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì) cho biết: Năm học trước, lần đầu tiên nhà trường có học sinh đoạt giải thành phố và được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia. Tuy nhiên năm nay với đổi mới của kỳ thi, học sinh các trường đại trà khu vực ngoại thành sẽ có ít cơ hội để lọt vào đội tuyển thành phố dự thi quốc gia.
Là học sinh duy nhất của trường không chuyên khu vực ngoại thành góp mặt trong danh sách đội tuyển, Trần Quang Hùng - học sinh lớp 12A8, Trường THPT Ngô Quyền (huyện Ba Vì) cho rằng. đề thi năm nay có nhiều thay đổi theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực học sinh. Đặt mục tiêu có giải quốc gia, em phải phấn đấu, nỗ lực nhiều trong quá trình ôn luyện.
Bên cạnh sự vắng bóng của học sinh các trường ngoại thành, lần đầu tiên Trường THCS&THPT Newton - trường ngoài công lập góp mặt tới 5 học sinh trong đội tuyển, trong đó có 4 học sinh trong đội tuyển Toán và 1 em trong đội tuyển Vật lý.
Cô Hoàng Thị Mận - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Newton chia sẻ: Lần đầu tiên có học sinh tham gia dự thi và 5 học sinh lọt đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia là dấu mốc đáng nhớ; đồng thời tạo ấn tượng tốt đẹp với toàn ngành Giáo dục Thủ đô khi một trường tư thục có nhiều học sinh xuất sắc.
Đại diện Trường THCS&THPT Newton cho rằng, Sở GD&ĐT đã có nhiều đổi mới trong cách thức thi chọn đội tuyển; tạo cơ hội cho những học sinh xuất sắc nhất tại các trường THPT trên địa bàn thành phố được tham gia tranh tài. Nhà trường vẫn duy trì, chú trọng công tác bồi dưỡng để học sinh có cơ hội tiếp tục tỏa sáng.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi năm nay, sở đã chỉ đạo tổ chức học tập, huấn luyện tập trung đội tuyển nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của đội tuyển; bồi dưỡng, bổ sung và nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát huy tinh thần sáng tạo, tự học, tự rèn luyện nhằm mục tiêu phát huy năng lực, bồi dưỡng nhân tài cho Thủ đô và đất nước.