Nhiều đổi thay trong thói quen tiêu dùng
Cận Tết bao giờ cũng là thời điểm thị trường sôi động nhất trong năm. Tuy vậy, dịch Covid -19 xuất hiện và kéo dài trong suốt 2 năm vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới túi tiền lẫn thói quen sinh hoạt thường ngày. Cũng bởi vậy, hành vi tiêu dùng, mua sắm của người dân, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán năm nay đã và đang có không ít thay đổi.
Để đảm bảo nguồn hàng hóa cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, từ cuối tháng 11/2021, Sở Công Thương đã ban hành văn bản về việc cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (SXKD), các siêu thị, trung tâm thương mại xây dựng và triển khai kế hoạch bình ổn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Với sự chuẩn bị khá sớm, đến nay, tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống đã tràn ngập các loại hàng hóa phục vụ Tết. Đây cũng là thời điểm các chương trình, hoạt động kích cầu mua sắm được triển khai rầm rộ với hàng nghìn mặt hàng được giảm giá sâu.
Dù thị trường Tết đang nhộn nhịp, nguồn cung đảm bảo, hàng hóa dồi dào, đa dạng, song do ảnh hưởng của dịch Covid -19, tâm lý của người tiêu dùng cũng có những thay đổi nhất định.
So với thời điểm trước khi có dịch, sức mua của người dân tại các siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống đã giảm đáng kể. Nếu trước kia, người dân sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm mới, hàng gia dụng, thời trang, thì giờ đây, thứ mà người tiêu dùng quan tâm hơn cả và tập trung mua sắm lại là các mặt hàng thiết yếu, hàng thực phẩm.
Chị Phan Thị Hà, xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi có thói quen đến chợ hoặc siêu thị mua sắm Tết. Không chỉ là để tham khảo giá cả, lựa mua những đồ ăn, thức uống cho Tết mà còn là dịp đưa mấy đứa nhỏ đi cảm nhận không khí nhộn nhịp những ngày cuối năm, chọn quần áo, giày dép mới.
Thế nhưng, năm nay, một phần do dịch Covid -19 đang diễn biến phức tạp, một phần do phải thắt chặt chi tiêu nên gia đình tôi đành từ bỏ thói quen này. Hạn chế đi chợ, siêu thị và chỉ sắm những đồ thực cần thiết, phù hợp với điều kiện gia đình”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hải Linh (Vĩnh Tường) cho biết: “Năm nay, do dịch bệnh, nên thu nhập của gia đình trong năm cũng bị ảnh hưởng nhiều. Do đó, để chuẩn bị cho cái Tết sắp tới, tôi chỉ tập trung mua những thứ thực sự cần thiết, các mặt hàng thực phẩm và đồ tiêu dùng thiết yếu như dầu ăn, mắm nuối...”.
Cùng với việc thắt chặt chi tiêu, ưu tiên cho các mặt hàng thiết thực, sau 2 năm “sống chung” với dịch Covid -19, phương thức mua hàng cũng có nhiều thay đổi. Thay vì mua sắm trực tiếp theo phương thức truyền thống, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đã chuyển hướng sang hình thức mua sắm online, nhằm hạn chế đi lại, tiếp xúc đông người.
Trái với hình ảnh không mấy tấp nập tại các siêu thị, cửa hàng; không khí trên các sàn thương mại điện tử, website bán hàng của các đơn vị thời điểm này lại khá nhộn nhịp với hàng loạt các chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng voucher, miễn phí giao hàng.
Với hình thức mua sắm này, dù ngồi ở nhà, người tiêu dùng vẫn có thể lựa chọn được các sản phẩm ưng ý. Hàng hóa sau đặt mua sẽ được gửi đến tận địa chỉ mà không tốn thời gian di chuyển.
Là dâu trưởng, nên việc lo liệu mua sắm chuẩn bị cho Tết luôn là một phần công việc không thể thiếu của chị Lê Thúy Nga, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên trong những ngày cuối năm.
Vẫn những mặt hàng quen thuộc từ thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, đồ uống đến những thứ nhỏ nhặt như mì chính, mắm, muối, nhưng thay vì ra các siêu thị, chợ gần nhà như mọi năm, chị Nga đã tìm đến các kênh mua sắm trực tuyến.
Phần lớn các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết được đều được chị đặt mua qua ứng dụng mua sắm online của siêu thị GO!. Ngoài ra, chị cũng lên trên sàn TMĐT Postmart của Bưu điện Việt Nam, hay Vỏ sò của Viettel Post để tìm mua các các loại đặc sản Tết như miến dong, gạo tám thơm, măng khô, nấm hương và một số sản phẩm được chứng nhận OCOP đảm bảo về chất lượng cũng như ATVSTP.
Chị Nga nói: “Hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên mua sắm online đã trở thành thói quen của tôi và các thành viên trong gia đình. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, gần Tết, các shipper thường quá tải nên tôi đã chủ động đặt hàng từ sớm”.
Không chỉ riêng chị Nga, với sự tiện lợi nhanh chóng, đồng thời góp phần hạn chế sự lây lan dịch bệnh, giờ đây mua sắm online đã trở thành xu hướng tiêu dùng mới, ngày càng nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng.
Tuy vậy, việc mua hàng online cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định, đặc biệt là trong thời điểm cận Tết nguyên đán, nhiều đối lượng có thể lợi dụng nhu cầu mua sắm tăng cao để trộn hàng, bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không giống quảng cáo; đẩy bán hàng tồn kho cận hàng sử dụng.
Do đó, người tiêu dùng nên lựa chọn mua sắm từ những địa chỉ uy tín, không nên ham rẻ. Và đặc biệt cần tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, điều kiện và điều khoản bảo hành, phương thức giao nhận sản phẩm và trả lại hàng, hoàn tiền trước khi quyết định mua để tránh những trường hợp không mong muốn có thể xảy ra.