Nhiều đơn hàng, doanh nghiệp da giày vẫn 'không vui'

Chuẩn bị bước vào mùa cao điểm sản xuất phục vụ lễ hội, đơn hàng khá dồi dào, tuy nhiên doanh nghiệp da giày không vui bởi thiếu lao động, chi phí tăng.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành da giày của Việt Nam đạt 17,67 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu giày dép đạt 14,93 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu túi xách, ví, vali, mũ, ô dù đạt 2,74 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ.

Bà Phan Thị Thanh Xuân- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, mức tăng trưởng xuất khẩu 10% đạt được của ngành trong 8 tháng là khá khả quan. Năm 2024, nhiều khả năng ngành sẽ về đích với 27 tỷ USD. Tuy mức tăng trưởng vẫn còn chưa đạt như thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19 nhưng đáng mừng khi đang dần hồi phục.

Đơn hàng hiện đang hồi phục trở lại nhưng doanh nghiệp da giày trong nước lại đang gặp trở ngại lớn về vấn đề thiếu lao động”, bà Xuân nói. Bà cũng đồng thời cho biết, đây là thách thức lớn, bởi lẽ những ngành sử dụng nhiều lao động như da giày, dệt may nhân lực được coi là tài sản lớn nhất.

Nhiều đơn hàng, doanh nghiệp da giày vẫn “không vui”. Ảnh: Vân Anh

Nhiều đơn hàng, doanh nghiệp da giày vẫn “không vui”. Ảnh: Vân Anh

Thiếu lao động, doanh nghiệp rất khó tối đa hóa được năng lực sản xuất. Cộng hưởng với đó là hạn chế trong cung ứng nguyên phụ liệu, Việt Nam hiện chưa phải là thị trường có lợi thế về nguồn nguyên phụ liệu để tiết giảm chi phí. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng cao, nhất là chi phí nhân công – chi phí này chiếm 25% giá thành sản phẩm. Theo bà Xuân, nếu chi phí này tiếp tục tăng, doanh nghiệp gần như mất lãi, chưa kể khiến sức cạnh tranh của sản phẩm da giày Việt trên thị trường bị suy giảm.

Để khắc phục hạn chế tăng chi phí, đổi mới công nghệ sản xuất, quản lý là yếu tố then chốt nhưng điều kiện này lại liên quan đến nguồn lực và không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để thực hiện.

Về đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của thị trường nhập khẩu, lãnh đạo Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam thông tin, doanh nghiệp trong ngành đang từng bước đáp ứng, bởi lẽ sẽ liên quan nhiều đến công nghệ. Ví dụ, sử dụng nguồn năng lượng sạch, thay thế lò hơi đốt bằng củi hay than bằng lò điện, gas. Việc thay đổi này đều đòi hỏi nguồn lực để thực hiện và doanh nghiệp có định hướng chuyển đổi dần. “Nếu không thực hiện doanh nghiệp sẽ không có đơn hàng và tự bị đào thải. Thực tế đã có doanh nghiệp bị đào thải, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa”, bà Xuân nhấn mạnh.

Trước khó khăn về thiếu lao động, doanh nghiệp da giày trong nước đã nỗ lực tìm cách giữ chân người lao động bằng chế độ phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, vẫn cần những chính sách của Nhà nước để hỗ trợ hơn nữa cho người lao động. Thế nhưng, theo bà Xuân, chính sách đó cũng cần phải nghiên cứu hài hòa, phù hợp với cả người lao động và người sử dụng lao động.

Về thách thức thiếu nguyên phụ liệu, theo đề xuất mà của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cần thành lập trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu có quy mô lớn tại Việt Nam sẽ giúp ngành dệt may, da giày bước đầu gỡ được nút thắt về nguồn cung, thúc đẩy hoạt động đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam, phục vụ xuất khẩu và nội địa.

Trung tâm trên được thành lập cũng là dịp để doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội chuyển đổi phương thức sản xuất sang phân khúc có giá trị cao hơn như FOB (chủ động mua nguyên vật liệu, sản xuất và giao hàng); ODM (chủ động từ khâu thiết kế).

Trung tâm cũng là nơi giới thiệu, quảng bá sản phẩm; kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng nguyên liệu để đáp ứng được các yêu cầu phục vụ cho hàng sản xuất xuất khẩu; giúp rút ngắn thời gian cho các nhà máy tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu. Quan trọng nhất, trung tâm sẽ là lực đẩy tốt để phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước.

Để hình thành được trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu, cần nghiên cứu, học hỏi mô hình của các nước, chọn lọc áp dụng phù hợp với thực tế của Việt Nam. Tuy nhiên, có thể có 2 điểm mấu chốt để tránh thất bại là quy mô trung tâm phải đủ lớn và đặt tại vị trí thuận lợi về đường giao thông.

Doanh nghiệp có thể đầu tư nhưng nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước, các bộ, ban, ngành cho đến địa phương để cùng tham gia và xây dựng phương án khả thi, cùng đó là cơ chế hỗ trợ vận hành thuận lợi thì cũng khó thành công”, bà Xuân cho hay.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhieu-don-hang-doanh-nghiep-da-giay-van-khong-vui-345451.html