Nhiều đơn hàng, doanh nghiệp tăng tốc tuyển dụng

Dù còn nhiều thách thức nhưng thị trường lao động trong cả nước đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Theo dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng 51,57 triệu người lao động có việc làm, tăng 127.000 người so với quý II. Đây sẽ là yếu tố tích cực để thị trường lao động bứt phá trong quý IV.

Doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng nguồn nhân lực. Ảnh: L.H.

Doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng nguồn nhân lực. Ảnh: L.H.

Sôi động tuyển dụng quý IV

Với việc gia tăng các đơn hàng, các doanh nghiệp (DN) gia tăng tuyển dụng lao động, tạo điều kiện để thị trường lao động phục hồi. Bên cạnh hình thức tuyển dụng trực tiếp, các sàn giao dịch việc làm cũng tăng cường kết nối trực tuyến cung cầu lao động.

Ghi nhận tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phía Bắc mới đây cho thấy, do thiếu nguồn tuyển nên có tới 106 DN tuyển dụng với 26.149 chỉ tiêu.

Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực điện tử có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Cụ thể, Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải tuyển 5.600 công nhân với mức lương 9 – 12 triệu đồng/tháng; Công ty TNHH New Wing tuyển 5.500 công nhân, mức lương 9 – 12 triệu đồng/tháng; Công ty TNHH Luxshare-ITC Việt Nam tuyển 3.500 công nhân, lương 9 – 12 triệu đồng/tháng; Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam tuyển 3.200 công nhân, mức lương 8 - 12 triệu đồng/tháng...

Nhiều DN may mặc cũng đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn công nhân may để kịp tiến độ trả đơn hàng cho khách hàng. Công ty CP May Vin – PT Daehan Global tuyển 2.000 công nhân may; Công ty TNHH Daekwang Vina tuyển 1.000 công nhân may; Công ty TNHH Nam & Co London tuyển 500 công nhân may; Công ty cổ phần Đầu tư & Thương mại TNG – chi nhánh may Việt Thái tuyển 500 công nhân may công nghiệp, mức lương từ 7 – 15 triệu đồng/tháng...

“Đơn vị đủ đơn hàng cho cả năm 2024. Trong những tháng cuối năm, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng thêm nhiều lao động để đẩy mạnh sản xuất chính vì vậy, cùng với tuyển dụng trực tiếp DN tăng cường tuyển dụng tại các sàn giao dịch việc làm do các địa phương tổ chức” - ông Vũ Văn Đường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May và Thương mại quốc tế INDICO cho biết.

Tương tự, thị trường lao động tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như ghi nhận khởi sắc.

Tại Đồng Nai, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai thông tin, những tháng cuối năm các DN trên địa bàn cần tuyển khoảng 40.000 lao động khi nhu cầu tuyển dụng của DN ngày càng gia tăng.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương nhận định, quý III và những tháng cuối năm 2024, thị trường lao động tại tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực, trong đó nhu cầu tuyển dụng nhiều ở các lĩnh vực điện tử, dịch vụ, công nghiệp cơ khí, may mặc, giáo dục. Đáng ghi nhận một số DN thông báo tuyển lao động bổ sung với các chế độ đãi ngộ hấp dẫn như sắp xếp chỗ ở ký túc xá, thưởng lương tháng thứ 13 và thưởng thêm sau Tết Nguyên đán. Các vị trí tuyển dụng công nhân có tay nghề và lao động phổ thông chiếm phần lớn nhu cầu.

Vì sao nhiều DN khó tuyển lao động?

Thị trường lao động trong cả nước đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực rõ nét, song một số chuyên gia, nhà quản lý cũng nhận định vẫn còn tình trạng người lao động chưa tìm được việc làm phù hợp. Trong khi đó, có không ít DN có nhu cầu lại chưa tuyển đủ số lượng và chất lượng lao động như mong muốn.

Đại diện phòng nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc, cho biết, những tháng cuối năm, tình hình kinh doanh có nhiều khởi sắc, trong đó, công ty sẽ có thêm nhiều đơn hàng dài hạn, đòi hỏi tăng năng suất lao động để kịp đáp ứng lượng đơn hàng tăng cao. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, nhà máy vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự có tay nghề. Hiện, đơn vị vẫn còn thiếu khoảng 100 người. Công ty phải chấp nhận tuyển công nhân lớn tuổi, đào tạo lại từ đầu cho những công nhân làm trái ngành, không có tay nghề.

Đề cập đến thực trạng khó tuyển dụng lao động, trong văn bản trả lời cử tri mới đây của Bộ LĐTBXH cũng cho biết, trong thời gian qua, nhiều DN đã gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, nhất là lao động có chuyên môn kỹ thuật đã qua đào tạo nghề các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Nguyên nhân chủ yếu do nguồn “cung” lao động qua đào tạo chưa đáp ứng đủ so với “cầu” của thị trường lao động.

Cụ thể là số lượng đầu vào GDNN hạn chế: số lượng người học trình độ trung cấp, cao đẳng hàng năm từ 400.000 – 500.000 người so với gần 1.000.000 học sinh tốt nghiệp THPT và khoảng 1.200.000 học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm; số học sinh tốt nghiệp THPT còn lại vào học đại học hoặc tham gia ngay vào thị trường lao động mà không qua đào tạo; vào học THPT đối với học sinh tốt nghiệp THCS.

Một nguyên nhân nữa được Bộ LĐTBXH đưa ra là DN sẵn sàng tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo với nhiều chính sách đãi ngộ tốt làm cho nguồn tuyển sinh các trình độ trong GDNN bị hạn chế. Việc liên thông giữa các trình độ đào tạo hiện nay khá thuận lợi dẫn đến số người học tốt nghiệp ra trường tham gia ngay vào thị trường lao động giảm.

Bộ LĐTBXH cho rằng, công tác phân luồng, định hướng người học vào GDNN không chỉ là trách nhiệm của hệ thống GDNN mà còn là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị, xã hội nhằm góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người học đối với việc học nghề và lập nghiệp.

Để khắc phục thực trạng trên, về giải pháp trước mắt, Bộ LĐTBXH cho biết, nhằm giúp nhiều DN tuyển dụng được nhân sự và người lao động tìm được việc làm phù hợp, trong tháng 9, Bộ LĐTBXH tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động; đồng thời, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng kết nối cung - cầu lao động, chú trọng tạo việc làm mới và đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Về giải pháp lâu dài tăng cường phối hợp với hệ thống giáo dục đào tạo và các cơ sở giáo dục phổ thông làm tốt công tác phân luồng, định hướng người học vào GDNN nhằm tăng số lượng đầu vào, cải thiện số lượng và chất lượng đầu ra, đáp ứng được yêu cầu của DN.

Theo ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH), nhìn tổng thể, thị trường lao động từ đầu năm đến nay ổn định. Tuy nhiên, theo từng vùng vẫn còn những vấn đề bất cập, nơi thừa nơi thiếu lao động. Chính vì vậy, Cục có chỉ đạo trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh kết nối tổ chức các phiên giao dịch trực tuyến. Về dài hạn, đơn vị đang phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) tích hợp thông tin lao động vào trường thông tin cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Có được nguồn dữ liệu này sẽ nắm thông tin về cung lao động và từ đó sẽ có kết nối dài hạn hơn.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhieu-don-hang-doanh-nghiep-tang-toc-tuyen-dung-10289689.html