Nhiều đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải nhận thêm vốn giải ngân

Theo kế hoạch, năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân hơn 39,7 nghìn tỷ đồng (hơn 35,9 nghìn tỷ đồng kế hoạch năm 2020 và hơn 3,7 nghìn tỷ đồng kế hoạch kéo dài từ năm 2019 chuyển sang).

Hết tháng 7/2020, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân khoảng 16.587 tỷ đồng, đạt 41,7% kế hoạch giải ngân cả năm, cao hơn so với kết quả giải ngân bình quân chung của cả nước. Ảnh minh họa/TTXVN

Hết tháng 7/2020, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân khoảng 16.587 tỷ đồng, đạt 41,7% kế hoạch giải ngân cả năm, cao hơn so với kết quả giải ngân bình quân chung của cả nước. Ảnh minh họa/TTXVN

Hết tháng 7/2020, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân khoảng 16.587 tỷ đồng, đạt 41,7% kế hoạch giải ngân cả năm, cao hơn so với kết quả giải ngân bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, các đơn vị của Bộ vẫn đang bám sát và thực hiện quyết liệt các giải pháp để đảm bảo kết quả giải ngân mà Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra trong năm 2020.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), theo kế hoạch, năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân hơn 39,7 nghìn tỷ đồng (hơn 35,9 nghìn tỷ đồng kế hoạch năm 2020 và hơn 3,7 nghìn tỷ đồng kế hoạch kéo dài từ năm 2019 chuyển sang).
Tính đến hết tháng 7/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân được khoảng 16.587 tỷ đồng, đạt 41,7% kế hoạch cả năm; trong đó, vốn trong nước giải ngân được 14.475 tỷ đồng, đạt 48,5%; vốn nước ngoài giải ngân được 2.112 tỷ đồng kế hoạch 2020, đạt 34,4%.
Ông Nguyễn Danh Huy đánh giá, con số này khá cao so với kết quả giải ngân bình quân chung của cả nước. Số giải ngân bình quân chung của cả nước 6 tháng đầu năm chỉ là 28,9%. Với kết quả giải ngân vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải lần đầu tiên được đánh giá nằm trong nhóm các bộ, ngành có kết quả giải ngân 6 tháng tốt nhất.
Tuy nhiên, ông Huy cũng cho rằng, mặc dù đã nỗ lực trong giải ngân vốn theo kế hoạch nhưng kết quả vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.
Nguyên nhân là do chưa xử lý hết các vướng mắc trong quá trình quyết toán, thanh toán cuối cùng, thủ tục sử dụng vốn dư, cơ cấu lại khoản vay (cảng Lạch Huyện, luồng sông Hậu, dự án kết nối Mekong và đặc biệt là dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông).
Cùng đó, việc giải phóng mặt bằng còn khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là đối với di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, xây dựng tái định cư của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam; vướng mặt bằng thi công tại dự án tuyến tránh Tân An, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Ngãi, Quốc lộ 40B, Quốc lộ 27 đoạn tránh Liên Khương, tuyến tránh Kon Tum...
Về kế hoạch giải ngân thời gian tới, ông Nguyễn Danh Huy cho biết, trong các tháng cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp tục giải ngân hơn 23 nghìn tỷ đồng.
“Nhìn chung, việc hoàn thành 100% kế hoạch vốn trong nước là khả thi với việc chuyển đổi 3 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công, khởi công 2 dự án đầu tư công khẩn cấp tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, khởi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách còn có nhu cầu bổ sung vốn để thực hiện.
Tuy nhiên, việc hoàn thành toàn bộ kế hoạch vốn nước ngoài có thể khó khăn nếu không xử lý được những vướng mắc của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông”, ông Huy đánh giá.
Cùng với đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ông Huy kiến nghị một loạt các giải pháp quyết liệt; trong đó có việc điều chuyển ngay kế hoạch của các dự án dự kiến tới tháng 11 - 12/2020 mới giải ngân cho các dự án có nhu cầu bổ sung kế hoạch ngay trong tháng 7/2020.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ ưu tiên cho việc giải phóng mặt bằng, ứng hợp đồng của các dự án đã đủ thủ tục, đặc biệt là các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam và các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách.

Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông là một trong những dự án gây khó khăn trong công tác giải ngân vốn của Bộ Giao thông Vận tải. Ảnh: TTXVN

Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông là một trong những dự án gây khó khăn trong công tác giải ngân vốn của Bộ Giao thông Vận tải. Ảnh: TTXVN

Đối với các dự án có vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, không thể xử lý dứt điểm, như tuyến tránh Tân An, Quốc lộ 40B, tuyến tránh Tp. Kon Tum, đường kết nối đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 12B đi Quốc lộ 1 (Hòa Bình), ông Nguyễn Danh Huy đề xuất Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các Ban quản lý dự án làm việc chính thức với các địa phương, xác định phạm vi dừng dự án để bàn giao lại cho địa phương (cắm biển dừng không thể thực hiện do vướng giải phóng mặt bằng), điều chuyển vốn cho các dự án khác để đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch Bộ được giao.
Ông Huy cũng đề nghị lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải xem xét không tiếp tục giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho các chủ đầu tư nhiều lần bị nhắc nhở do chậm trễ trong xử lý thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhưng không có chuyển biến như Sở Giao thông Vận tải Kon, Sở Giao thông Vận tải Hòa Bình.
Có thể nói kết quả giải ngân nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào sự quyết tâm của các Ban quản lý thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Vì thế mà nhiều lần Bộ trưởng Nguyễn Văn Thế nhấn mạnh, nếu Ban quản lý dự án nào không đạt được kế hoạch giải ngân đề ra thì người đứng đầu đơn vị đó sẽ bị xử lý, thậm chí bị điều chuyển công tác.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Cao Việt Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch (Ban Quản lý dự án 2) cho biết, năm 2020, Ban Quản lý dự án 2 được Bộ Giao thông Vận tải giao kế hoạch giải ngân là 1.700 tỷ đồng, đến thời điểm này, đơn vị đã giải ngân được khoảng 1.000 tỷ đồng (đạt gần 60% kế hoạch đề ra). Hiện Ban còn đăng ký thêm kế hoạch giải ngân cho cao tốc Bắc – Nam đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn là 300 tỷ đồng.
Ông Cao Việt Hùng chia sẻ thêm, năm 2020, Ban Quản lý dự án 2 không có dự án triển khai trên công trường, các dự án mới đang trong giải đoạn chuẩn bị. Hiện chỉ có cao tốc Bắc Nam là đang thực hiện giải phóng mặt bằng. Đơn vị đang phối hợp với địa phương để đẩy nhanh giải ngân vốn cho giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc Nam.
Còn ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, năm 2020, đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải giao giải ngân 3.600 tỷ đồng. Đến thời điểm này ban đã giải ngân được khoảng gần 2.000 tỷ đồng đạt 60% kế hoạch đề ra.
Vừa qua, Ban cũng đăng ký với Bộ Giao thông Vận tải giải ngân thêm khoảng 400 tỷ đồng cho việc giải phóng mặt bằng hai dự án cao tốc Bắc – Nam (đoạn Cam Lộ - La Sơn; Nha Trang – Cam Lâm) và giải ngân xây lắp cho các dự án mà đơn vị đang thực hiện.
"Chắc chắn đơn vị sẽ đảm bảo giải ngân vốn theo đúng kế hoạch Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu, thậm chí là vượt chỉ tiêu vì số vốn đăng ký giải ngân thêm", ông Hoàng khẳng định.
Còn ông Phùng Tuấn Sơn,Trưởng phòng Kế hoạch (Ban Quản lý dự án Thăng Long) chia sẻ, năm 2020, đơn vị được giao giải ngân số tiền là 4.677 tỷ đồng, đến hết tháng 7/2020, Ban đã giải ngân được 2.424 tỷ đồng, đạt trên 52% kế hoạch. Vừa qua, Ban cũng đăng ký giải ngân thêm 400 tỷ đồng phục vụ cho giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc Nam.
Phát biểu tại buổi họp về giải ngân vốn cho các dự án giao thông diễn ra gần đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá, mặc dù Bộ Giao thông Vận tải lọt top bộ, ngành giải ngân cao, tuy nhiên công việc phía trước còn rất lớn.
“Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục làm việc với lãnh đạo các địa phương, làm rõ tiến độ, chất lượng từng dự án. Dự án nào chậm là điều chỉnh vốn. Riêng với các đơn vị trực thuộc Bộ, ngay từ tháng 7, sẽ thực hiện ngay việc tăng vốn cho các dự án giải ngân tốt. Dự án nào chậm, dứt khoát điều chỉnh vốn. Mục tiêu nhất quán đặt ra là hoàn thành giải ngân 100% vốn Nhà nước đúng theo kế hoạch”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Chỉ thị số 06/CT – BGTVT đẩy mạnh thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020 góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải hối hợp với các cơ quan tham mưu của Bộ, bám sát các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án để đảm bảo điều kiện giao chi tiết toàn bộ kế hoạch năm 2020.
Mục tiêu được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra là đến hết tháng 8/2020 phải giải ngân toàn bộ số vốn kéo dài các năm 2018, 2019 sang năm 2020; đến hết tháng 9/2020 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch năm 2020 đã giao; đến hết tháng 11/2020 giải ngân tối thiểu 85% kế hoạch năm 2020 đã giao; trước thời hạn giải ngân theo quy định của Luật đầu tư công giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 (bao gồm các nguồn vốn các năm trước chuyển sang).
“Bộ sẽ lấy kết quả giải ngân kế hoạch đăng ký đầu năm làm một trong những tiêu chí chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2020 của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan năm 2020”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định./.

Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhieu-don-vi-cua-bo-giao-thong-van-tai-nhan-them-von-giai-ngan/164832.html