Nhiều 'Dòng chảy' khí đốt, xuất khẩu năng lượng của Nga sang châu Âu có tăng?
Đó là nhận định chuyên gia Vyacheslav Mishunn - Trưởng nhóm nghiên cứu giá cả của Bộ Năng lượng LB Nga trên trang báo điện tử 'Oil and Capital' ngày 13/01/2020.
Ngày 08/01/2019, hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay cùng khánh thành dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” - tuyến đường ống mới cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng các nước Nam Âu. Đây là dự án đường ống thứ 4 của Nga xuất khẩu khí đốt sang các nước châu Âu.
Nga đã đưa vào vận hành bốn tuyến đường ống vận chuyển khí sang Châu Âu gồm có: “Dòng chảy phương Bắc 1”, “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, “Yamal - châu Âu”, đường ống dẫn khí đốt qua lãnh thổ Ucraina. Dự án đường ống thứ 5 “Dòng chảy phương Bắc -2” đã có thể khánh thành kịp trong năm 2019 nếu không có lệnh trừng phạt mới của Mỹ.
Nếu “Dòng chảy phương Bắc -2” kịp đi vào hoạt động trong năm 2019 thì tổng công suất thiết kế vận chuyển khí đốt của Nga tại 5 “dòng chảy” sang châu Âu sẽ vượt ngưỡng 300 tỷ m3 mỗi năm. Tuy nhiên, cùng nhìn lại kết quả năm 2018 và 2019 vừa qua, xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đạt 200,8 tỷ m3 năm 2018 và giảm xuống mức 198 tỷ m3 năm 2019 và dường như xu hướng giảm sẽ tiếp tục vào năm 2020. Trong đó, khối lượng xuất khẩu khí đốt giảm 3 lần theo hướng quá cảnh Ucraina vào châu Âu, xuống còn 91 triệu m3/ngày. Vận chuyển khí đốt qua đường ống “Yamal - châu Âu giảm 20%. Các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đưa ra dự báo, khả năng xuất khẩu khí đốt bằng đường ống của Nga sang châu Âu sẽ giảm gần 50% vào năm 2030 và thị phần khí đốt tại thị trường châu Âu của Nga sẽ giảm từ 36,79% (2018) xuống còn 19%.
Theo IEA, xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu bằng đường ống được dự báo sụt giảm bắt nguồn từ những nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, nhu cầu khí đốt của châu Âu đang giảm dần. Theo IEA, tổng nhu cầu khí đốt của EU có thể giảm 10% vào năm 2030. Tại EU, những chính sách mới của EU về chuyển đổi công nghệ mới trong các lĩnh vực giao thông, tiêu dùng khiến vai trò của các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng tăng.
Thứ hai, thị trường LNG đang phát triển mạnh và sự cạnh tranh thị trường ngày càng gia tăng. Khả năng các cảng tiếp nhận, xử lý LNG sẽ sớm thay thế một số đường ống dẫn khí ở châu Âu. Giới chuyên gia dầu khí đánh giá, thị phần năng lượng của LNG có thể đạt tới 50%. Khi đó, các nhà cung cấp LNG của Nga sẽ phải tích cực cạnh tranh giành thị phần trước những đối thủ từ Mỹ, Na Uy, Trung Đông.
Thứ ba, nguồn cung khí đốt cho châu Âu sẽ ngày càng đa dạng hơn khi một số dự án vận chuyển khí đốt bằng đường ống của EU như TANAP, EastMed sẽ cạnh tranh trực tiếp với các “dòng chảy” từ Nga.
Với những nguyên nhân trên, xuất khẩu khí đốt bằng đường ống trong tương lai của Nga sang châu Âu đang đối mặt với triển vọng không mấy lạc quan và nguy cơ mất thị phần ngày càng rõ rệt. Bên cạnh đó, nhiều nguồn cung tác động tiêu cực đến giá khí đốt. Năm 2019, giá khí đốt của Nga sang châu Âu đã giảm 32%, khiến doanh thu của Nga từ việc bán khí đốt cho thị trường này giảm mạnh.