Nhiều đóng góp quan trọng từ thực tiễn để sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư

Có những ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức ngày 28/11 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Luật Doanh nghiệp 2014 sau 4 năm đi vào thực thi đã bộc lộ những điểm hạn chế. Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều nội dung của Luật không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng về thời gian, chi phí cho việc tuân thủ. Một số nội dung của Luật không còn tương thích với nhiều luật mới được ban hành, cần phải bổ sung để thích ứng với bối cảnh kinh doanh mới.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phân tích: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã làm thay đổi nhiều cách thức kinh doanh. Nhiều mô hình kinh doanh, phương pháp kinh doanh mới, như kinh tế chia sẻ... đã xuất hiện, cần khuôn khổ pháp lý mới để quản lý. Để thu hút đầu tư, các nước trong khu vực (Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc…) cũng điều chỉnh luật, Việt Nam cũng trong dòng chảy này.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh:VGP.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh:VGP.

Thứ trưởng khẳng định dự thảo luật sửa đổi tiếp tục tinh thần luật doanh nghiệp (DN) về quyền tự do kinh doanh như: Đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí kinh doanh cho DN, nâng cao quản trị DN. Cần triển khai các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân của Đảng, Chính phủ, chủ động hội nhập và tiếp cận thực tiễn, thông lệ quốc tế tốt nhất.Đại diện phía Quốc hội, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay: Khi thảo luận về luật DN, có 3 nhóm ý kiến về hộ kinh doanh. Theo đó, nhóm thứ nhất đồng tình đưa hộ kinh doanh vào luật DN. Nhóm thứ hai cho rằng cần đánh giá kỹ lưỡng về tác động, vì đây là Luật DN nên cân nhắc việc đưa hộ kinh doanh vào luật này, cần ban hành một nghị định hoặc Luật riêng về hộ kinh doanh. Còn nhóm thứ ba cho rằng nếu có quy định về hộ kinh doanh thì phải xem lại tên gọi của luật.Thảo luận tại Hội thảo, ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Hộ kinh doanh không phải là nội dung mới hoàn toàn của Luật DN. Chương về hộ kinh doanh trong dự thảo luật là “luật hóa”, hoàn thiện các quy định đã có về hộ kinh doanh đang được quy định tại Điều 212 Luật DN và Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Do đó, bổ sung thêm quy định về hộ kinh doanh không cần thiết phải thay đổi tên Luật DN. Về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh, nên quyền và nghĩa vụ cần phải được điều chỉnh bởi Luật, chứ không thể quy định bằng Nghị định. “Về lâu dài thì cũng có thể xem xét xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh nhưng trước mắt nên được điều chỉnh trong Luật DN”, ông Phan Đức Hiếu phân tích.Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ủng hộ việc đưa hộ kinh doanh vào Luật DN để đến khi mọi điều kiện về hộ kinh doanh chín muồi sẽ ban hành luật riêng về hộ kinh doanh. “Việc đưa hộ kinh doanh vào Luật DN không có tác động xấu nào với các hộ. Khi được đưa vào Luật DN, các hộ sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) mà hiện nay các hộ này chưa được hưởng vì không nằm trong luật”, ông Đậu Anh Tuấn nói. Đại diện VCCI cho rằng, việc bổ sung quy định về hộ không phát sinh tác động tiêu cực đến hoạt động của hộ kinh doanh hiện nay và không làm phát sinh thủ tục hành chính. Các hộ kinh doanh đang hoạt động không phải đăng ký lại hoặc không phải đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được cấp. Ngược lại, các quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật sẽ bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của chính hộ kinh doanh và bên có liên quan; thúc đẩy hộ kinh doanh phát huy hết tiềm năng và đóng góp tích cực hơn vào nền kinh tế; đồng thời, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng hơn cho hộ kinh doanh và DN.Về nội dung liên quan đến con dấu của DN cũng có 2 nhóm ý kiến góp ý khác nhau. Theo đó, nhóm ý kiến đồng tình với quy định con dấu trong dự thảo Luật, cần trao quyền cho DN tự quyết định xem có hay không việc sử dụng con dấu; bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu là giảm chi phí cho DN, cần sử dụng chữ ký điện tử thay cho con dấu.Ngược lại, nhóm ý kiến thứ hai đề nghị duy trì quy định con dấu như hiện hành để phù hợp với đặc điểm tình hình của nước ta; không nên bỏ dấu vì đây là phương tiện để giao dịch, đề nghị cân nhắc tránh phát sinh bất tiện và ràng buộc pháp lý cho DN.Theo ông Trần Thanh Chương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái, việc chủ động sửa đổi Luật để phù hợp với kinh tế thị trường là cần thiết nhưng DN phải có con dấu để thể hiện pháp nhân.Cơ quan soạn thảo lưu ý là sửa đổi này không phải là bãi bỏ hoàn toàn việc sử dụng dấu của DN mà chỉ khẳng định quyền tự quyết của DN trong việc có hoặc không có con dấu, quyết định sử dụng con dấu hay sử dụng phương tiện điện tử khác thay thế.Các ý kiến tại hội thảo cho rằng bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu không chỉ có ý nghĩa trong việc cắt giảm chi phí không cần thiết, mà còn giúp DN ý thức rõ ràng hơn trong việc sử dụng con dấu, gia tăng độ an toàn trong giao dịch kinh doanh.Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng xuất phát từ thực tiễn. Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục lấy ý kến các cơ quan, đơn vị để luật sửa đổi bám sát thực tiễn đi vào cuộc sống, bảo đảm thúc đẩy môi trường cạnh tranh, tạo thuận lợi cho các DN cũng như thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng hiệu quả.

Ngọc Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/nhieu-dong-gop-quan-trong-tu-thuc-tien-de-sua-luat-doanh-nghiep-luat-dau-tu/381289.vgp