Nhiều dòng họ ở Thái Nguyên truyền cảm hứng hiếu học cho học sinh
Những năm qua, nhiều dòng họ ở Thái Nguyên đã truyền cảm hứng hiếu học cho con em thông qua truyền thống gia đình, dòng họ cũng như các việc làm thiết thực khuyến học khuyến tài.
Dòng họ hiếu học
Dòng họ Lý ở xã Bình Sơn, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên hiện có 28 hộ gia đình với 109 nhân khẩu. Năm học vừa qua dòng họ Lý có 35 em đang đi học phổ thông thì có tới 33 em đạt học lực khá, giỏi.
Đến nay, dòng họ có 23 cử nhân đại học, 3 thạc sĩ, 32 Đảng viên. Nhiều người giữ chức vụ cao trong các cơ quan, doanh nghiệp… góp phần tô thắm truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dòng họ Lý.
Để làm được điều này, nhiều năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài luôn được dòng họ quan tâm duy trì. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thực hiện mục tiêu phát triển xã hội học tập do các cấp hội khuyến học phát động, dòng họ đã tích cực tham gia cuộc vận động xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” có chất lượng.
Ông Lý Văn Thành, xóm Bá Vân 4, xã Bình Sơn (thành phố Sông Công), đại diện Ban Khuyến học dòng họ Lý, là nhà giáo đã về hưu. Trong tâm niệm, ông luôn muốn giáo dục con cháu tiếp tục học tập, cống hiến để đóng góp sức mình cho quê hương.
Ông Thành chia sẻ, ngoài định hướng để các con, cháu cố gắng học tập, Ban Khuyến học của dòng họ còn đóng góp quỹ chung, dùng để khen thưởng động viên, khích lệ các cháu.
Hàng năm, mỗi gia đình ủng hộ vào Quỹ Khuyến học 500 nghìn đồng, gia đình nào có điều kiện thì ủng hộ thêm. Theo thông lệ, dịp chuẩn bị bước vào năm học mới, dòng họ sẽ tổ chức trao thưởng cho các cháu có thành tích cao trong học tập.
Mức khen là 1 triệu đồng/người cho các cháu đỗ đại học; các cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi được thưởng 300 nghìn đồng/người, học sinh tiên tiến được thưởng 100 nghìn đồng/người.
Đặc biệt, đối với những cháu là sinh viên đại học, tổng điểm trung bình năm đạt loại xuất sắc hay giỏi, khá cũng sẽ được phần thưởng tương ứng từ 300 - 400 nghìn đồng. Từ năm 2010 đến nay, Quỹ Khuyến học của dòng học đã thưởng cho các cháu học giỏi gần 100 triệu đồng...
Lan tỏa tinh thần hiếu học
Dòng họ Lý ở Sông Công, Thái Nguyên chỉ là một trong nhiều dòng họ hiếu học ở Thái Nguyên. Tính đến nay, hội khuyến học các cấp trong tỉnh có hơn 382 nghìn hội viên, đạt trên 29% dân số. Toàn tỉnh có 9 hội khuyến học cấp huyện; 177 hội khuyến học cấp xã; 2.799 ban khuyến học và 693 chi hội khuyến học.
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, trong năm 2023, các cấp hội đã vận động tiền mặt và hiện vật, với tổng trị giá trên 68,5 tỷ đồng, để trao học bổng cho 278 nghìn học sinh. Thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, các cấp hội phối hợp làm tốt công tác khuyến học, quan tâm chăm sóc học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó bằng nhiều hình thức, như: Vận động hỗ trợ học bổng, sách giáo khoa, vở, bút; tặng đồng phục, xe đạp và dụng cụ học tập...
Bên cạnh đó, việc triển khai 5 mô hình học tập (gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và mô hình công dân học tập) theo chỉ đạo của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cũng được các cấp hội khuyến học trong tỉnh thực hiện nghiêm túc.
Phong trào xây dựng các mô hình học tập được lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Hoạt động của các mô hình đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân ở các khu dân cư.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 336.250 gia đình học tập; 1.258 dòng họ học tập; 2.239 cộng đồng học tập.
Trong công tác hội, hội khuyến học các cấp đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động khuyến học, việc đánh giá mô hình Công dân học tập trên hệ thống phần mềm bước đầu đạt hiệu quả tích cực.
Bên cạnh đó, Hội Khuyến học tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số”. Phong trào nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của việc tự học, học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ chuyển đổi số đối với mỗi cá nhân, gia đình.
Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, góp phần thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, thời gian tới, Hội Khuyến học tỉnh tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đơn vị học tập; đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài. Đồng thời củng cố và phát triển các tổ chức hội khuyến học ở cộng đồng dân cư, trong các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, trường học, tạo nên phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời sôi nổi, rộng khắp.
Hội đặt mục tiêu phấn đấu mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên trở thành một đơn vị học tập, công dân học tập và gia đình học tập, làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong cộng đồng.