Nhiều động lực mới tạo kỳ vọng cho kinh tế Đà Nẵng phát triển bứt phá

Với các cơ chế chính sách đặc thù cùng nhiều dự án động lực, trọng điểm đang triển khai sẽ mở ra triển vọng phát triển kinh tế khởi sắc, bứt phá cho Đà Nẵng từ năm 2025.

Đà Nẵng áp dụng chính sách đặc thù để phát triển nhân lực ngành vi mạch bán dẫn và Al.Trong ảnh: Đoàn công tác thành phố Đà Nẵng do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng dẫn đầu thăm và làm việc với tập đoàn công nghệ toàn cầu Intel (Hoa Kỳ).

Đà Nẵng áp dụng chính sách đặc thù để phát triển nhân lực ngành vi mạch bán dẫn và Al.Trong ảnh: Đoàn công tác thành phố Đà Nẵng do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng dẫn đầu thăm và làm việc với tập đoàn công nghệ toàn cầu Intel (Hoa Kỳ).

Nỗ lực cải cách hành chính, tăng cường đầu tư hạ tầng, xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, cạnh tranh đã giúp Đà Nẵng thu hút gần 70 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và hơn 213 triệu USD vốn FDI trong năm 2024. Vốn đầu tư đổ vào các dự án, tạo động lực quan trọng để Đà Nẵng tăng trưởng GRDP ấn tượng hơn 7,51%, quy mô kinh tế đạt hơn 151 ngàn tỷ đồng, mở rộng 17 ngàn tỷ đồng. Hiện nay, thành phố đã và đang triển khai hàng loạt dự án hạ tầng giao thông, công nghiệp, công nghệ trọng điểm như đường vành đai phía Tây, cao tốc Hòa Liên-Túy Loan, mở rộng quốc lộ 14B, đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, nâng cấp cảng Tiên Sa, mở rộng sân bay Đà Nẵng, xây mới cảng Liên Chiểu, hoàn thiện Khu công viên phần mềm số 2, Khu công nghệ cao, CCN Cẩm Lệ... Các dự án hạ tầng cơ sở này sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng phát triển từ năm 2025. Trong đó, nổi lên là các lĩnh vực kinh tế mới, giá trị cao như công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, logistics…

Ông Nguyễn Anh Kha- Giám đốc Cty công nghệ AKP tại Đà Nẵng chia sẻ, thành phố đang tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao nên có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn và hỗ trợ nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và Al. Thành phố đã ban hành nhiều chính sách cụ thể hóa từ cơ chế chính sách đặc thù của Trung ương để hỗ trợ hạ tầng, kinh phí cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, Al, đồng thời ban hành cả chính sách hỗ trợ sinh viên học ngành vi mạch bán dẫn, AI để tạo nguồn nhân lực chất lượng phát triển lĩnh vực này. Thành phố cũng đầu tư hoàn thiện Khu công viên phần mềm số 2 tổng kinh phí 1.400 tỷ đồng, dành hạ tầng, không gian cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, thiết kế vi mạch bán dẫn, Al. Ngành công nghệ thông tin, kinh tế số của Đà Nẵng đã được đầu tư, phát triển mạnh trong thời gian qua, thu hút nhiều nhà đầu tư công nghệ lớn, doanh thu năm 2024 hơn 18 ngàn tỷ đồng, đóng góp quan trọng cho kinh tế thành phố. Với nhiều lợi thế, cùng chiến lược đầu tư, phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, Al phù hợp, đây là lĩnh vực kinh tế mới được kỳ vọng đóng góp quan trọng, tạo tăng trưởng, bứt phá cho kinh tế thành phố trong năm 2025 và những năm tới.

Đà Nẵng áp dụng chính sách đặc thù để phát triển nhân lực ngành vi mạch bán dẫn và Al.

Đà Nẵng áp dụng chính sách đặc thù để phát triển nhân lực ngành vi mạch bán dẫn và Al.

Việc được thí điểm xây dựng Khu thương mại tự do cũng mở ra triển vọng phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển thương mại, logistics đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế thành phố trong thời gian tới. Theo UBND TP Đà Nẵng, Khu TMTD có tổng diện tích tự nhiên là 2.348,3 ha, gồm các khu chức năng sản xuất, logistics, thương mại - dịch vụ và loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật, được bố trí tại 10 vị trí không liền kề gắn kết với Cảng biển Liên Chiểu và Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Khu TMTD đóng vai trò quan trọng, là động lực tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới cho thành phố Đà Nẵng. Đến năm 2030, Khu TMTD có triển vọng trở thành khu vực hấp dẫn, có sức cạnh tranh tốp đầu trong khu vực Đông Nam Á; là nơi thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách vượt trội nhằm mục tiêu thu hút đầu tư các hoạt động logistics, sản xuất, thương mại, tài chính, du lịch và dịch vụ chất lượng cao, nơi hội tụ và thúc đẩy các ngành kinh tế mũi nhọn như đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin và dịch vụ hiện đại. Theo dự báo, tới năm 2030 Khu TMTD Đà Nẵng có thể đóng góp 8-9% vào GRDP thành phố, đồng thời thu hút 41.000 lao động và chuyên gia trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.

Bên cạnh các động lực tăng trưởng mới, tạo bứt phá như vi mạch bán dẫn, Al, Khu thương mại tự do thì lĩnh vực du lịch, dịch vụ chất lượng cao cũng được kỳ vọng tạo đột phá từ năm 2025. Hiện trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng, dịch vụ, du lịch vẫn là bệ đỡ, chiếm tỷ trọng cao. Năm 2024 các cơ sở lưu trú phục vụ gần 10,9 triệu lượt du khách (tăng 32,8%) với doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành hơn 31 ngàn tỷ đồng (tăng hơn 22%). Năm 2025 thành phố đặt mục tiêu cao hơn, đón 12 triệu lượt khách. Để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ tập trung các nguồn lực để triển khai 3 khâu đột phá gồm đột phá về sản phẩm du lịch; đột phá về xúc tiến mở rộng thị trường, đường bay, kích cầu du lịch và đột phá về chất lượng dịch vụ và chất lượng nguồn nhân lực phục du lịch. Ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, năm 2025, thành phố sẽ có nhiều sản phẩm du lịch mới như khai trương Bảo tàng Đà Nẵng cơ sở 42 Bạch Đằng, các tuyến du lịch đường thủy, các tuyến phố đi bộ, du lịch về đêm; các sự kiện, lễ hội như lễ hội Pháo hoa quốc tế, Liên hoan phim châu Á, Lễ hội Đà Nẵng Food Tour 2025, Lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng 2025, Đại hội du lịch Golf châu Á 2025; các dự án như Khu công viên chuyên đề, văn hóa, vui chơi giải trí kết hợp thương mại dịch vụ phía Đông Nam Đài tưởng niệm, dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân, dự án Dòng sông ánh sáng… Những sản phẩm du lịch đặc sắc, mới mẻ sẽ tạo hấp dẫn, lôi cuốn du khách đến trải nghiệm, đóng góp tăng trưởng bứt phá cho kinh tế thành phố.

Thực hiện tốt các sự kiện, lễ hội quốc tế để thu hút du khách tới với Đà Nẵng.

Thực hiện tốt các sự kiện, lễ hội quốc tế để thu hút du khách tới với Đà Nẵng.

Khu TMTD gắn với cảng Liên Chiểu đang được dựng là động lực mới giúp kinh tế Đà Nẵng phát triển bứt phá.

Khu TMTD gắn với cảng Liên Chiểu đang được dựng là động lực mới giúp kinh tế Đà Nẵng phát triển bứt phá.

Đà Nẵng kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ thông tin, sản xuất thông minh, và các ngành liên quan đến nghiên cứu và phát triển (R&D), du lịch, dịch vụ chất lượng cao. Tuy nhiên, để hiện thực hóa những kỳ vọng này, Đà Nẵng sẽ cần tiếp tục duy trì sự đổi mới, nâng cao chất lượng hạ tầng và môi trường đầu tư, cũng như phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế hiện đại.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nhieu-dong-luc-moi-tao-ky-vong-cho-kinh-te-da-nang-phat-trien-but-pha-post306819.html