Cầu nối cho hàng Việt đến Trung Đông và châu Phi
Sau hơn một năm đàm phán, Việt Nam và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã ký kết thành công Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (Hiệp định CEPA). Đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam ký với một nước Arab, là sự kiện mang tính dấu mốc lịch sử, mở ra con đường lớn cho hàng Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông-châu Phi. Tuy nhiên, để tận dụng tốt ưu thế từ hiệp định này thì từ doanh nghiệp tới cơ quan quản lý cần chú ý những yếu tố đặc thù.
Xóa bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 99% kim ngạch xuất khẩu
UAE là đất nước có vị trí chiến lược nằm ở cửa ngõ giao thương giữa 3 châu lục Á-Âu-Phi và là một trong những trung tâm thương mại-tài chính của thế giới. Do vậy, UAE là cửa ngõ thương mại quan trọng tại Trung Đông, có tiềm năng kết nối với nhiều quốc gia trong khu vực; thông qua UAE, các sản phẩm của Việt Nam sẽ thuận lợi tiếp cận những thị trường lớn trong khu vực như: Saudi Arabia, Qatar và Kuwait cũng như một số nước ở Bắc Phi và Tây Á.
Với việc ký kết Hiệp định CEPA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đây là đòn bẩy quan trọng cho Việt Nam trong việc tận dụng cơ hội thương mại và đầu tư tại khu vực Trung Đông-khu vực có nhiều nền kinh tế rất năng động, có quy mô kinh tế lớn nhưng lại chưa được doanh nghiệp Việt Nam để ý trong giai đoạn trước đây.
Hiện UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, giai đoạn 2018-2023, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước bình quân đạt khoảng 5 tỷ USD/năm. Về cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị lớn (từ 3 đến 4 tỷ USD/năm). Về cơ cấu hàng hóa, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang UAE gồm: Điện thoại di động, máy vi tính và linh kiện, sản phẩm điện, điện tử gia dụng, hạt tiêu, thủy sản, giày dép, hàng dệt may, sản phẩm ngũ cốc, sản phẩm nhựa, đồ gỗ nội thất... Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ UAE gồm: Chất dẻo nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng (LPG), chế phẩm từ dầu mỏ, nguyên liệu thức ăn gia súc, kim loại thường, hóa chất...
Với các nội dung đàm phán toàn diện, Hiệp định CEPA hứa hẹn mang lại lợi ích cân bằng cho cả hai nước, phù hợp với mong muốn tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam và UAE. Hiệp định CEPA được ký kết với các nội dung gồm thương mại hàng hóa, dịch vụ-đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động-thực vật, hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ, pháp lý-thể chế. Trong đó, đáng chú ý là hai bên đã thống nhất đưa ra cam kết mạnh mẽ về tự do hóa thương mại với việc UAE cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE, trong khi Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình cho 98,5% kim ngạch xuất khẩu của UAE sang Việt Nam. Hiệp định cũng bao gồm nhiều quy định tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, phù hợp với các xu hướng chuyển đổi số và phát triển xanh hiện nay.
Phân tích của Bộ Công Thương cho thấy, những ngành hàng của Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định CEPA đầu tiên phải kể đến là ngành hàng nông sản, bởi đây là khu vực có nhu cầu lớn về nông sản chất lượng cao, đặc biệt là sản phẩm sạch và hữu cơ cũng như có chứng chỉ Halal. Tiếp đó là ngành hàng tiêu dùng, bao gồm dệt may, da giày, điện tử, thủy sản, ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ... Đây là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và việc cắt giảm thuế quan từ CEPA sẽ giúp các sản phẩm này cạnh tranh tốt hơn về giá cả cũng như mở rộng thị phần tại UAE, một thị trường có nhu cầu cao về hàng tiêu dùng chất lượng.
Tìm hiểu rõ tập quán kinh doanh
Đường lớn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang UAE nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung đã rộng hơn rất nhiều. Dù vậy, các sản phẩm đến từ Việt Nam vẫn còn chưa phổ biến với đa số người tiêu dùng UAE. Cụ thể, để tận dụng tối đa những cơ hội mà CEPA mang lại đòi hỏi doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các cam kết của hiệp định cũng như nắm rõ tập quán kinh doanh của thị trường UAE nói riêng, Trung Đông nói chung. Trong đó, với các nước Arab thì yêu cầu về chứng chỉ Halal rất quan trọng. Thêm vào đó, thời gian làm việc của UAE là từ chủ nhật đến thứ năm, nghỉ thứ sáu và thứ bảy; người UAE thích gặp mặt trực tiếp hơn là gọi điện thoại hoặc gửi thư điện tử. Do đó, doanh nghiệp cần có chiến lược đầu tư bài bản để xây dựng thương hiệu và tiếp thị sản phẩm tại thị trường tiềm năng này.
Hiện thực hóa các cam kết trong CEPA, Bộ Công Thương dự kiến sẽ xây dựng chi tiết kế hoạch thực thi Hiệp định CEPA, tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chủ yếu. Trước hết, bộ sẽ tăng cường phổ biến về nội dung và tác động dự kiến của hiệp định cho các đối tượng có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như những công việc cần triển khai để tận dụng hiệu quả các cơ hội mà hiệp định mang lại. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chú trọng công tác xây dựng pháp luật, thể chế. Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành theo đúng lộ trình đã cam kết trong Hiệp định CEPA, trong đó bao gồm nghị định của Chính phủ về ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của CEPA để áp dụng cho UAE, thông tư về quy tắc xuất xứ trong CEPA.
Đặc biệt, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, một nội dung quan trọng trong kế hoạch thực thi CEPA là kết nối để các doanh nghiệp UAE đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, năng lượng, logistics... Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành tập trung triển khai đồng bộ những công việc như xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trong quá trình tìm kiếm, thâm nhập thị trường xuất khẩu mới trong khu vực và đáp ứng các yêu cầu tại nước nhập khẩu, trong đó có chứng chỉ Halal.