Nhiều động lực tăng trưởng khởi sắc, kinh tế phục hồi tích cực

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội những tháng qua của nước ta vẫn duy trì xu hướng tích cực; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Các điểm sáng xuất hiện trong bức tranh kinh tế của nước ta 5 tháng đầu năm tạo tiền đề cho tăng trưởng những tháng còn lại của năm nay. Phóng viên TBTCVN có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) xung quanh vấn đề này.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồ họa: Phương Anh

PV: Thưa ông, chúng ta đã đi qua gần nửa chặng đường của năm 2024, số liệu kinh tế - xã hội công bố những tháng đầu năm cho thấy kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng. Ông có thể cho biết một số đánh giá về tình hình kinh tế vừa qua?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Nhiều điểm sáng đã xuất hiện trong bức tranh kinh tế của nước ta, tạo tiền đề cho tăng trưởng những tháng còn lại của năm nay. Thương mại giữ được vai trò là trụ cột kinh tế; sản xuất công nghiệp đã phục hồi và có tính ổn định; vốn đầu tư nước ngoài giải ngân cao hơn cùng kỳ; tiêu dùng nội địa tăng trở lại...

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực cũng cần nhìn nhận nền kinh tế còn yếu tố rủi ro. Lạm phát đang tiến tới mức cận trên, trong khi vẫn còn 7 tháng nữa mới hết năm 2024. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, việc lương cơ bản cũng như lương tối thiểu vùng tăng 6% từ 1/7/2024 vừa góp phần làm tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, vừa có thể tạo lạm phát kỳ vọng do tâm lý tăng giá bán theo tăng lương.

Tỷ giá USD/VND vẫn căng thẳng từ đầu năm 2024, chỉ số giá USD bình quân 5 tháng đầu năm 2024 tăng 5,24%. Mặc dù tiêu dùng luôn được coi là động lực tăng trưởng của Việt Nam, trước đại dịch Covid-19 tiêu dùng đóng góp 7,1% vào tăng trưởng nhưng trong suốt năm 2023 - quý I/2024 tiêu dùng giảm rất nhanh, chỉ còn 4,9%. Tín dụng có dấu hiệu đông cứng khi tăng trưởng tín dụng quý I/2024 thấp nhất trong 10 năm qua dù lãi suất cho vay đã hạ rất thấp. Nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp chưa tăng mạnh do hiệu suất kinh doanh giảm, doanh nghiệp cắt giảm các khoản vay.

PV: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đề ra trong năm 2024, các giải pháp hỗ trợ nào cần được tiếp tục phát huy, thưa ông?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ như tăng cường giải ngân đầu tư công đảm bảo đúng tiến độ; tập trung ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp. Đảm bảo hài hòa, hiệu quả trong mục tiêu tăng trưởng tín dụng hỗ trợ sản xuất - kinh doanh. Nâng cao mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy các yếu tố tạo giá trị gia tăng thực của nền kinh tế số.

PV: Một điều đáng mừng là vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn duy trì vị thế điểm sáng của nền kinh tế, vậy chúng ta cần làm gì để tiếp tục giữ chân “đại bàng”?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Thu hút FDI trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt kết quả tích cực với tổng vốn đầu tư trên 11 tỷ USD và vốn giải ngân 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua, cũng là bước phát triển tích cực so với quý đầu năm 2023.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 78,9% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 781 triệu USD; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 336,2 triệu USD. Điều đó cho thấy, sự phục hồi ngày càng ổn định từ những ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam.

Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường năng lực cạnh tranh và có giải pháp phù hợp để ứng phó với các thách thức tiềm ẩn, đảm bảo thu hút FDI hiệu quả và bền vững trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chú ý tới các thách thức và rủi ro tiềm ẩn gồm: bất ổn kinh tế toàn cầu khiến tình hình phục hồi kinh tế chậm; xung đột Nga - Ukraine kéo dài dẫn tới tiến trình phục hồi của thế giới bị đình trệ; tác động của thuế tối thiểu toàn cầu; cạnh tranh thu hút FDI các quốc gia lân cận…

PV: Với kết quả mức tăng trưởng đầu năm như vậy, ông nhận định như thế nào về kinh tế nửa cuối năm 2024 và khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam cuối năm 2024 kỳ vọng sẽ có thêm những kết quả tích cực, tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong trung, dài hạn. Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, AMRO đều dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 tăng so với năm 2023, đạt khoảng 5,5% - 6%.

Kinh tế Việt Nam đã có khởi sắc trong 5 tháng đầu năm, động lực tăng trưởng chính là sản xuất và xuất khẩu có tín hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, xu thế chưa thực sự bền vững và còn nhiều rủi ro bất định phía trước. Do đó, tôi nhận định tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 ở mức mục tiêu là 6%.

PV: Xin cảm ơn ông!

Số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng cao gấp 1,7 lần

Số liệu thống kê cho thấy, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp gia nhập thị trường, quay trở lại hoạt động trong tháng 5/2024 đạt 20.000 doanh nghiệp, cao gấp 1,7 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,6% so với cùng kỳ.

Tính chung cả 5 tháng, xu hướng cho thấy số lượng doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường nhiều hơn so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Các chuyên gia cho rằng, con số trên khẳng định tình hình sản xuất kinh doanh đang tốt hơn và các nhà đầu tư tin tưởng hơn vào việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh nên họ sẵn sàng quay trở lại hoạt động, cũng như mong muốn thành lập những doanh nghiệp mới để tham gia vào sản xuất kinh doanh.

Hồng Quyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhieu-dong-luc-tang-truong-khoi-sac-kinh-te-phuc-hoi-tich-cuc-153253.html