Nhiều dự án bất động sản bỏ hoang: Cần chế tài xử phạt nặng với chủ đầu tư
Dù có quy định về thời gian thu hồi nhưng tình trạng dự án nhà xây xong rồi bỏ đó hay đất vàng quây kín bỏ hoang ngày càng nhiều. Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) tạo mặt bằng giá mới ở khắp nơi, nhiều người dân không có nhà ở, thì việc các dự án bỏ hoang gây lãng phí lớn cho xã hội. 'Góc khuất' này, theo Bộ Xây dựng, đã đến lúc cần vào cuộc xử lý.
Cụm chung cư tại Khu đô thị Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) xuống cấp trong khi nhiều người dân không có nhà ở
Những dự án đóng băng
Năm 2018, lần đầu tiên Hà Nội quyết định mạnh tay xử các dự án bỏ hoang khi rà soát 383 dự án. Đầu tháng 3/2021, sau khi rà soát, nhìn vào kết quả chỉ có 29 dự án bị thu hồi tại các huyện Thạch Thất (10 dự án), Mê Linh (5 dự án), Long Biên (1 dự án)… Nhiều người không khỏi ngạc nhiên, bởi con số thu hồi quá ít.
Một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội từng đưa ra nhiều lý do không dễ thu hồi dự án. Ông cho rằng, việc xem xét kiến nghị chấm dứt hoạt động dự án còn nhiều hạn chế, nhất là với những dự án đã thực hiện một số thủ tục ban đầu, đã bỏ kinh phí đầu tư giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, một số dự án có hồ sơ pháp lý nhưng thực tế tình hình triển khai phức tạp, hoặc vẫn đang trong giai đoạn thanh tra, điều tra nên cần có thêm thời gian kết luận từ cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, có những dự án, chủ đầu tư xây dựng dở dang, cầm tiền của khách hàng bỏ trốn…
Sau danh sách dự án thu hồi được công bố, được biết, nhiều chủ đầu tư “thở phào” nhẹ nhõm thoát “án tử”. Cụ thể, dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cao cấp nằm trên ô đất rộng hơn 12.000m2, thuộc khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) được UBND TP Hà Nội giao đất cho Công ty CP Tập đoàn đầu tư Long Giang vào ngày 8/11/2011. Dự án này chậm tiến độ tới 66 tháng, tức hơn 5 năm. Năm 2019, dự án này đã được Hà Nội gia hạn 24 tháng (theo quyết định số 4260/QĐ-UBND ngày 9/8/2019). Đến nay, thời gian gia hạn cũng sắp hết nhưng dự án vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”, cỏ mọc um tùm.
Hay như dự án Tổ hợp gara cao tầng, thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn và căn hộ nằm tại ô đất B12 Nam Trung Yên ở phường Trung Hòa (Cầu Giấy) của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sao Phương Bắc được giao đất từ năm 2010. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, 10 năm trôi qua, dự án này vẫn chưa được triển khai. Hiện tại, dự án được quây tôn kín, bên trong để nhiều ô tô, sân bóng đá mi ni.
Cần cải tạo
Ngay giữa Thủ đô thời điểm này có nhiều tòa nhà tái định cư với hàng nghìn căn hộ bỏ hoang xuống cấp theo thời gian. Trong khi đó, những căn hộ này là mơ ước của người thu nhập thấp ở Hà Nội đang ở trọ tại những khu tồi tàn hoặc chưa có nhà ở. Chỉ cách hồ Hoàn Kiếm 5km, 6 tòa nhà trong khu đô thị Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) được triển khai từ năm 2001-2006 nhưng đến nay để hoang, xuống cấp nhiều hạng mục. Quanh khu vực vườn hoa, sân chơi... cỏ mọc um tùm, các cánh cửa ra vào tòa nhà vẫn trong tình trạng khóa chặt. Tại tầng 1 của một tòa nhà đang được sử dụng làm văn phòng của Ban Quản lý khu đô thị Sài Đồng.
Ngoài ra, còn nhiều tòa chung cư dành cho tái định cư đã được xây dựng gần xong rồi bỏ dở qua nhiều năm. Dự án nhà ở tái định cư N01 - D17 nằm trên phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu); 2 tòa tái định cư Trần Phú nằm trên đường Khuyến Lương, phường Trần Phú (quận Hoàng Mai)… là ví dụ điển hình. Hầu hết các công trình này đều xuống cấp, rêu mốc, nứt nẻ, xỉn màu vì mưa nắng… mà chưa có người vào ở, vô cùng lãng phí.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích: Để xảy ra tình trạng bỏ hoang dự án có nhiều nguyên nhân nhưng đầu tiên phải nhắc đến việc lựa chọn nhà đầu tư không bảo đảm yêu cầu. Nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính nhưng cố “lách” vào để có đất, sau đó không triển khai dự án mà chuyển nhượng lại. Để ngăn chặn tình trạng này, theo ông Võ, phải có chế tài xử phạt nặng hơn với chủ đầu tư.
Ông Phạm Hữu Tiến, Phó trưởng Phòng Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Sở Xây dựng Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân là những tòa nhà đó chưa nghiệm thu xong theo quy định của Luật Xây dựng nên chưa đưa vào sử dụng. Nhiều khối nhà tái định cư chất lượng kém, xây dựng quá dập khuôn, máy móc, không tham vấn cộng đồng dân cư; nhà xây lên do không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người dân nên không ai chịu đến ở. Nhiều hộ dân không đồng ý tái định cư bằng căn hộ, mà họ đòi tái định cư bằng đất để tối đa lợi ích. Nhiều khu nhà tái định cư khá xa trung tâm, đi lại khó khăn, thậm chí nơi ở mới không đáp ứng được điều kiện về xã hội như gần trường lớp cho con cái học hành.
Theo Luật Đất đai, nếu dự án qua quá một năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt sẽ bị thu hồi. Thế nhưng, hàng chục năm nay, nhiều dự án vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” bất chấp các quy định. Tháng 4/2021, ngay khi vừa nhậm chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Thanh Nghị đã tổ chức hội nghị kiểm điểm, đánh giá công tác chỉ đạo điều hành quý I và triển khai thực hiện công tác quý II/2021 trong các lĩnh vực của ngành.
Trong hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, sẽ ưu tiên đặc biệt đến việc tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại có giá phù hợp, đáp ứng nhu cầu và khả năng chi trả của nhóm đối tượng thu nhập thấp, những người dân có nhu cầu thực và đang không có nhà để ở, phải đi thuê, ở trọ...