Nhiều dự án, tiểu dự án thành phần chậm hoặc chưa triển khai

Ngày 4/5, Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh do Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hồ Hồng Nam dẫn đầu đã giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là chương trình) tại Sở LĐTB&XH - cơ quan Thường trực của chương trình. Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Phan Đại Thắng và các phòng, ban, đơn vị có liên quan làm việc với đoàn.

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hồ Hồng Nam phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: THÚY HẰNG

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hồ Hồng Nam phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: THÚY HẰNG

Mục tiêu của chương trình là hướng đến giải quyết những vấn đề cấp thiết, bức bách trong đời sống, đặc biệt là của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Qua hơn 2 năm thực hiện chương trình, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 0,7-1%/hằng năm theo Quyết định 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ và vượt chỉ tiêu so với Kế hoạch 101/KH-UBND ngày 26/4/2023 của UBND tỉnh thực hiện chương trình năm 2023). Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 8.481 hộ, chiếm tỉ lệ 3,22% (trong đó, hộ nghèo không có khả năng lao động là 3.548 hộ; hộ nghèo là người dân tộc thiểu số 3.628 hộ).

Bên cạnh những kết quả đạt được, Sở LĐTB&XH cho biết việc triển khai chương trình vẫn đang cho thấy nhiều khó khăn khiến cho nhiều dự án, tiểu dự án thành phần chậm hoặc chưa triển khai, như Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Tiểu dự án 1 - Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; Tiểu dự án 2 - Dự án 3 về cải thiện dinh dưỡng; Tiểu dự án 1 - Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp... Nguồn vốn sự nghiệp, tổng ngân sách trung ương phân bổ 3 năm cho tỉnh là 74,631 tỉ đồng, nhưng đến thời điểm báo cáo mới giải ngân được hơn 14,3 tỉ đồng (đạt 19,16%). Nguồn vốn đầu tư, tổng ngân sách trung ương phân bổ hơn 3,8 tỉ đồng, vẫn chưa giải ngân.

Sự chậm trễ này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, mà theo lý giải của Sở LĐTB&XH là do có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật nên các địa phương còn chậm trễ trong công tác tham mưu; lúng túng trong triển khai thực hiện.

Để đẩy nhanh tiến độ ở giai đoạn “chạy nước rút”, Sở LĐTB&XH cho biết sẽ tiếp tục tăng cường vai trò chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan đơn vị, nhất là người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện chương trình, coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, lấy kết quả giảm nghèo là chỉ tiêu để đánh giá thi đua tập thể và cá nhân hàng năm. Chú trọng các biện pháp tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân, từ đó chủ động, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế. Tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội. Quan tâm đào tạo nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức cho người nghèo; tăng cường tập huấn, hướng dẫn việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nghèo. Thực hiện tốt các chính sách đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, lao động ở vùng tái định cư, vùng ít đất sản xuất; nâng cao chất lượng dạy nghề gắn với tạo việc làm...

Theo Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hồ Hồng Nam, trên cơ sở kết quả giám sát trực tiếp tại 3 địa phương là Sơn Hòa, Tây Hòa, TX Đông Hòa và Sở LĐTB&XH, cũng như xem xét báo cáo bằng văn bản đối với UBND các huyện, thị, thành phố còn lại về việc thực hiện chương trình, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ có báo cáo và những kiến nghị sau giám sát để gửi cấp thẩm quyền theo quy định. Đồng thời theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tiếp thu, xử lý và giải quyết các kiến nghị sau giám sát.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/316009/nhieu-du-an-tieu-du-an-thanh-phan-cham-hoac-chua-trien-khai.html