Nhiều dư địa để dòng vốn FDI tiếp tục 'chảy' vào Logistics năm 2022
Tại Đông Nam Á, năng lực của ngành logistics Việt Nam chỉ đứng sau Singapore và Thái Lan. Điều này cũng dễ hiểu khi gần đây nhiều nhà đầu tư nước ngoài tới tìm hiểu và 'rót' vốn đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam.
Mới đây, GLP chính thức công bố việc thành lập GLP Vietnam Development Partners I (GLP VDP I) với tổng giá trị đầu tư 1,1 tỷ USD. Quỹ nhận được cam kết từ một nhóm nhà đầu tư đa dạng đến từ các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư quốc gia và các công ty bảo hiểm đến từ châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông.
Ông Craig A. Duffy, Giám đốc điều hành Bộ phận Quản lý Quỹ cho biết: "Dòng tiền đầu tư đến từ các tập đoàn chuyên nghiệp vào phân khúc logistics tại châu Á - Thái Bình Dương là rất mạnh mẽ và đặc biệt tại Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam được xem là một trong những thị trường hấp dẫn nhất nhờ vào dân số năng động, nền kinh tế đang ngày càng phát triển và sự gia tăng tiêu dùng nội địa của tầng lớp trung lưu".
Trong khi đó, Tập đoàn WHA Corporation PCL (Thái Lan) công bố kế hoạch về nguồn thu mới bằng cách đầu tư 50 tỷ baht (1,51 tỷ USD) trong 5 năm tới. Trong đó, bên cạnh việc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số, một phần khoản đầu tư này sẽ được dùng để mở rộng tại Việt Nam. Cụ thể, WHA có kế hoạch mở rộng 352 ha một khu công nghiệp ở tỉnh Nghệ An vào quý đầu tiên của năm 2022. Tập đoàn kỳ vọng doanh số ở Thái Lan và Việt Nam sẽ tăng 46% trong năm nay.
Theo Báo cáo “Đánh giá cạnh tranh của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD): Ngành logistics tại Việt Nam", ngành logistics của Việt Nam đạt tốc độ phát triển bình quân 12-14%/năm, đóng góp vào GDP từ 4-5% và bình quân 10 nước ASEAN, ngành logistics đóng góp vào GDP trung bình 5% ở các nước thành viên ASEAN, thu nhận 5% việc làm trong ASEAN, tỉ lệ thuê ngoài khoảng 60-70%, chi phí logistic tương đương 16,8% GDP.
Đánh giá về vị trí của ngành logistics Việt Nam trên bản đồ thế giới, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cho biết, Chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam được WB xếp thứ 39/160 nước vào năm 2018, tăng 25 bậc so với 2016, thứ 3 trong các nước ASEAN và đứng đầu trong các thị trường mới nổi.
Theo báo cáo sơ bộ của 45/63 tỉnh, thành phố, cả nước có tổng số 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Các trung tâm logistics hạng I, hạng II, các trung tâm logistics chuyên dụng theo quy hoạch tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến 2020, định hướng đến năm 2030 đang được các tỉnh, thành phố tập trung triển khai, kêu gọi đầu tư xây dựng (Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đắk Nông, Tây Ninh, Sóc Trăng, TPHCM, Cần Thơ).
GS.TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên cứu kinh tế và phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, Khu công nghiệp logistics cần được xây dựng tại các trung tâm kinh tế, các điểm kết nối các loại phương tiện vận tải mà địa phương, vùng đang sở hữu, như đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng biển, đường hàng không… và phải được quy hoạch với tầm nhìn dài hạn, xây dựng với quy mô, như các khu công nghiệp hiện nay để thu hút các tập đoàn logistics của khu vực, thế giới, các doanh nghiệp logistics trong nước vào đầu tư, kinh doanh.
Theo Hiệp hội Logistics Việt Nam, năm 2022 mở ra nhiều triển vọng cho ngành dịch vụ logistics phát triển dựa trên các yếu tố: kinh tế thế giới và Việt Nam có sự phục hồi. Nghị quyết 128/NQ-CP về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; Việt Nam đang hội nhập rất sâu rộng với nền kinh tế thế giới, tận dụng 15 FTA đang thực hiện, nhất là CPTTP, EVFTA và RCEP, thúc đẩy sự tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức cao cùng với dòng vốn đầu tư FDI khôi phục ngoạn mục; Việt Nam là một trong các nước có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á. Qua đó tạo điều kiện cho e-logistics phát triển…