Nhiều đứa trẻ học xuyên hè chạy đua vào lớp 10

Theo TS. Lê Đông Phương, cha mẹ cần đồng hành, tạo sự cân bằng giữa học tập và vui chơi, tránh gây áp lực tâm lý với trẻ.

Năm học 2024-2025, học sinh lớp 9 sẽ bước vào giai đoạn quan trọng của quá trình triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Nhiều phụ huynh đánh giá, các con sẽ tham gia kỳ thi vượt cấp khó hơn nhiều so với các năm khác. Đặc biệt, ở các thành phố lớn, tỉ lệ cạnh tranh vào trường công lập là cực kỳ cao. Vì vậy, nhiều bậc cha mẹ cho rằng, cho con đi học thêm, ôn thi ngay từ hè chính là đang giảm bớt áp lực thi cử cho con.

Chuẩn bị đua vào lớp 10

Chị Lương Thùy Ngân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) - phụ huynh có con sinh năm 2010 lo lắng rằng, năm sau là năm đầu tiên các con sử dụng bộ sách giáo khoa mới và thi theo chương trình mới, vì năm cuối các con có ít thời gian, khối lượng kiến thức nhiều, lại không biết ôn dạng bài như thế nào nên chị cho con bắt đầu ôn tập từ hè để chắc kiến thức nền tảng trước.

“Bước vào năm học, lịch học của con chắc chắn rất nhiều vì vừa bị ép lịch ở trường vừa học ở ngoài, con cần có thời gian để thẩm thấu kiến thức bằng cách tự học và làm bài tập về nhà. Do đó, tôi đã bắt đầu cho con học thêm từ hè, 1 tuần 02 buổi Toán, 01 buổi Văn và 01 buổi Anh, thời gian còn lại con tự ôn, làm bài tập, tự tìm tài liệu luyện thêm là hợp lý. Năm nay dạng đề mới chưa biết có thi tổ hợp hay không, nên trước mắt con cần tập trung các môn chính, xác định thi công lập thì Toán, Văn, Anh phải thật chắc”, chị Ngân chia sẻ.

Thi tuyển sinh vào 10 gây áp lực kinh khủng cho học trò và phụ huynh nhiều năm qua tại Hà Nội.

Thi tuyển sinh vào 10 gây áp lực kinh khủng cho học trò và phụ huynh nhiều năm qua tại Hà Nội.

Có cùng quan điểm với vị phụ huynh trên, chị Trương Hà Linh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, vì chương trình thay đổi đột ngột nên nhiều giáo viên còn chưa biết chắc về các dạng đề, do đó các cô cũng liên kết với trung tâm bên ngoài để tổ chức dạy thêm, phụ huynh nào muốn tham gia môn học nào thì đăng ký với cô giáo môn học đó.

“Sau khi cho con nghỉ xả hơi trong 1 tháng hè, tôi bắt đầu lên dây cót trở lại và cho con đăng ký tham gia các lớp học thêm Toán, Văn, Anh ở trung tâm. Các lớp học này đã bắt đầu khai giảng từ đầu tháng 07 và sẽ học xuyên hè. Với mục tiêu đỗ vào lớp 10 trường công lập top đầu con mong muốn thì cũng phải 8,5 trở lên cho 1 môn. Do vậy, tôi cũng khuyến khích và tạo động lực cho con rằng: Nhiệm vụ của con bây giờ là bắt đầu ôn luyện ngay, nếu kỳ thi sắp tới con đỗ cấp 3 thì con tha hồ có cả tháng hè sau đó nghỉ ngơi”, Chị Linh nói.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh khác cho rằng, ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới mà các em phải cày cuốc từ lớp 6, lớp 7 học thêm, học xuyên hè để ôn thi vào lớp 10 thì vô cùng mệt mỏi. Họ cho rằng: “Nếu con học được và có ý thức học mà nhà có điều kiện thì cho con đi ôn luyện từ lớp 8, lớp 9. còn không thì tùy vào năng lực của con mà chọn trường vừa phải với năng lực của con. Bố mẹ đừng tạo áp lực cho con và chính bản thân mình”.

“Không có gì phải lo lắng tạo áp lực cho con, đỗ thì học, còn nếu con không đỗ thì cũng vui vẻ cho con học trường dân lập vì vẫn còn nhiều trường tốt, các con vẫn có thể thi đại học hoặc học nghề. Con đường thành công đâu cứ phải có mỗi việc đỗ công lập, nhà mình cũng có con sinh năm 2010 vẫn thả lỏng cho con và đợi hết tháng hè đã rồi mới tính, quan trọng tôn trọng con thích học gì thôi!”, chị Nguyễn Thu Trang nêu quan điểm.

Đánh giá năng lực học sinh cần đề thi phù hợp

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, TS. Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, để đánh giá mức độ nắm bắt kiến thức phổ thông và khả năng vận dụng kiến thức hiệu quả, cần xây dựng những đề thi phù hợp, tránh đề thi quá khó, xa rời thực tế, tập trung vào đánh giá năng lực vận dụng kiến thức.

TS. Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Ảnh: NVCC).

TS. Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, vẫn cần có những câu hỏi phân loại học sinh theo năng lực để có phương pháp đào tạo phù hợp. Bởi vì mỗi em có bối cảnh văn hóa, lịch sử, điều kiện kinh tế xã hội, địa lý tự nhiên khác nhau. Do đó, việc xây dựng đề thi phù hợp cho kỳ thi vào lớp 10 là một thách thức lớn đối với những người làm công tác kiểm tra, đánh giá.

TS. Lê Đông Phương đánh giá, việc ra đề cho các kỳ thi hiện nay tại các địa phương đã có những cố gắng, tuy nhiên kỹ thuật xây dựng về đề thi chưa đồng đều, vẫn còn những hạt sạn trong việc ra đề như sơ xuất đánh máy, sai lệch về mặt kiến thức. Do đó, các nhà làm giáo dục cần chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung đề thi trước khi triển khai chương trình GDPT mới, tránh tình trạng "chạy theo" chương trình, xây dựng đề thi dựa trên kiến thức học sau.

Thay vì tập trung vào số lượng, hãy tập trung vào chất lượng

Theo TS. Lê Đông Phương, học hè không xấu nếu học sinh biết sử dụng thời gian kỳ nghỉ hè đúng cách, thay vì tập trung vào số lượng, hãy tập trung vào chất lượng cho từng buổi học. Đặc biệt, không nên cố nhồi nhét nhiều kiến thức cao siêu bởi điều này chỉ khiến các em quên kiến thức đã học và không thể tiếp thu kiến thức mới. Thay vào đó, hãy tập trung học chắc những kiến thức nền tảng trước, hiểu bản chất vấn đề và rèn luyện tư duy logic.

Áp lực thi cử có thể ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Do đó, cha mẹ cần đồng hành cùng con, tạo sự cân bằng giữa học tập và vui chơi, dành thời gian giải trí để giúp con thư giãn tinh thần, mở mang đầu óc, chủ động học tập và trau dồi kiến thức bên ngoài cuộc sống để đạt kết quả tốt trong kỳ thi.

TS. Lê Đông Phương đưa ra lời khuyên đối với những thí sinh năm sau sẽ tham gia kỳ thi vào lớp 10 THPT. Thứ nhất, học sinh phải nắm chắc kiến thức nền tảng. Đây là chìa khóa để học sinh có thể vận dụng kiến thức vào các bài thi. Thay vì chạy theo những đề thi "tủ" hay định hướng từ các trung tâm dạy thêm, hãy tập trung củng cố kiến thức đã học trên lớp.

Thứ hai, ngoài sách giáo khoa, các em nên mở rộng kiến thức bên ngoài cuộc sống. Đặc biệt là môn Văn, đề thi thường xuất hiện ngữ liệu liên quan đến thực tế xã hội. Do đó, học sinh nên dành thời gian tự học, tìm hiểu thêm về các vấn đề xã hội để không bị bỡ ngỡ trước đề thi. Với các môn Toán, Khoa học, việc nắm chắc kiến thức nền tảng và các dạng bài toán cơ bản sẽ giúp học sinh tự tin giải quyết các bài thi, dù có độ khó cao.

Bên cạnh đó, đề thi không chỉ đánh giá kiến thức mà còn đánh giá khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế. Các đề thi có thể khó, nhưng vẫn tập trung vào kiến thức cơ bản. Do vậy, học sinh cần rèn luyện kỹ năng tự học và tìm hiểu thêm về cuộc sống thông qua các bài tập vận dụng, giải thích hiện tượng,..

Thứ ba, các em nên rèn luyện kỹ năng đối phó với căng thẳng. Khi gặp bài thi khó, nhiều học sinh thường vội vàng lao vào giải, dẫn đến việc dễ mắc sai sót. Bí quyết để vượt qua bài thi khó nằm ở sự bình tĩnh và quản lý thời gian hợp lý.

Khi nhận được đề, trước tiên các em nên đọc kỹ đề bài để nắm rõ yêu cầu và cấu trúc bài thi. Sau đó, chia nhỏ thời gian làm bài cho từng phần, dành thời gian cho những câu dễ trước, sau đó quay lại giải những câu khó hơn. Tránh dành quá nhiều thời gian cho một câu hỏi mà hãy chuyển sang câu tiếp theo nếu không thể giải được. Việc luyện tập các kỹ năng này sẽ giúp học sinh đảm bảo hoàn thành tất cả các phần thi và đạt kết quả tốt nhất.

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/nhieu-dua-tre-hoc-xuyen-he-chay-dua-vao-lop-10-d4800.html