Nhiều e ngại với khả năng cất cánh của Vietravel Airlines

Cho dù Thủ tướng đã đồng ý để Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho hãng hàng không mới Vietravel Airlines nhưng Bộ Tài chính vẫn bày tỏ sự thận trọng về dòng tiền phục vụ cho hãng bay này, nếu được cấp phép.

 Các hãng hàng không Việt Nam hiện chỉ khai thác từ 35-50% năng lực đội bay vì dịch bệnh. Do đó, thị trường hàng không đang ngập trong thua lỗ, điều này kéo theo khó khăn cho các hãng mới. Ảnh minh họa: TTXVN

Các hãng hàng không Việt Nam hiện chỉ khai thác từ 35-50% năng lực đội bay vì dịch bệnh. Do đó, thị trường hàng không đang ngập trong thua lỗ, điều này kéo theo khó khăn cho các hãng mới. Ảnh minh họa: TTXVN

Bộ GTVT đang đi những bước cuối cùng để quyết định có cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines như chỉ đạo của Thủ tướng hay không, sau khi Bộ Tài chính đã tỏ rõ quan điểm e ngại về năng lực tài chính của Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Du lịch và tiếp thị GTVT (Vietravel).

Trong một văn bản được Bộ Tài chính tham mưu cho Thủ tướng trước đó, Bộ Tài chính có dẫn Báo cáo tài chính quí 3-2019 và Báo cáo tài chính quí 2-2020 của Vietravel, được niêm yết trên sàn UPCOM cho thấy, để có được nguồn vốn thành lập Vietravel Airlines theo như yêu cầu về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Vietravel (sở hữu 100% vốn hãng bay) đã phát hành trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi trị giá 700 tỉ đồng có thời hạn 2 năm (đến hạn thanh toán gốc lãi vào tháng 9-2021).

Số vốn đầu tư hãng bay được phong tỏa trong tài khoản của Ngân hàng VP Bank như quy định. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp vừa không được sử dụng số tiền này, vừa gần đến hạn thanh toán, trong khi tình hình tài chính có những con số đáng chú ý: Đến 30-6-2020, tổng nợ phải trả của Công ty mẹ là 1.578 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn hơn 862 tỉ đồng và số còn lại là nợ dài hạn. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, dài hạn là 942 tỉ đồng (hơn 60% tổng nợ phải trả).

Những con số nêu trên dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Vietravel hiện lên tới 10,8 lần, cao hơn gấp 3 hệ số nợ phải trả/vốn chủ của các doanh nghiệp có tình hình tài chính bình thương. Hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn 0,82 lần, tức là khả năng trả nợ đến hạn rất thấp. Lợi nhuận trước thuế âm (-) 65 tỉ đồng.

Bộ Tài chính phân tích: nguồn vốn tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ chủ yếu đến từ vốn vay thương mại, sẽ còn bị ảnh hưởng kéo dài vì dịch bệnh do ngành nghề kinh doanh chủ lực của công ty mẹ là du lịch, lữ hành. Dự báo sẽ gặp khó đến năm 2021 nên kéo theo việc công ty mẹ khó khăn trong việc thanh toán nợ đến hạn, nhất là khoản trái phiếu 700 tỉ đồng đáo hạn vào tháng 9 sang năm. Nếu được cấp phép, những năm đầu khai thác, từ 2021, hãng sẽ lỗ kế hoạch. Như vậy, lỗ chồng lỗ và hãng sẽ gặp khó về nguồn vốn lưu động cho hãng bay.

Vietravel Airlines và Bộ GTVT tiếp tục phải giải trình về khả năng tài chính của hãng, để doanh nghiệp có vốn tối thiểu theo quy định đảm bảo khả năng hoạt động thường xuyên và dòng tiền thông suốt.

Lan Nhi

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/310001/nhieu-e-ngai-voi-kha-nang-cat-canh-cua-vietravel-airlines.html