Nhiều giá trị lịch sử, văn hóa ở cụm di tích huyện miền núi Hà Tĩnh
Gắn liền với cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của vua Hàm Nghi, cụm di tích thành Sơn Phòng, đền Công Đồng, đền Trầm Lâm (xã Phú Gia, Hương Khê, Hà Tĩnh) chứa đựng nhiều giá trị quý báu về lịch sử, văn hóa, tâm linh.
Theo sử sách, ngày 4/7/1885, Kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết tập hợp binh sĩ phò giá vua Hàm Nghi xuất bôn ra Tân Sở, tỉnh Quảng Trị, thảo hịch Cần Vương lần thứ nhất kêu gọi Nhân dân đứng lên chống thực dân Pháp. Tuy nhiên, thành Tân Sở vị trí không thuận tiện trong việc phòng thủ nên vua Hàm Nghi và đoàn tùy tùng đã vượt đèo Quy Hợp về thành Sơn Phòng, thuộc xã Phú Gia (Hương Khê) để đứng chân.
Thành Sơn Phòng là một thành nhỏ nằm ở tả ngạn sông Tiêm, gần chân núi Trường Sơn. Đây là vị trí rất thuận lợi trong quân sự, có thể xuôi về tỉnh lỵ Hà Tĩnh, có đường tắt qua tỉnh Nghệ An, lại có đường xuyên rừng đi vào Quảng Bình, sang Lào...
Tại thành Sơn Phòng, vua Hàm Nghi đã ban bố hịch Cần Vương lần thứ hai, kêu gọi Nhân dân chiến đấu chống giặc Pháp cứu nước.
Sau khi hịch Cần Vương được ban, một phong trào đấu tranh yêu nước chống giặc ngoại xâm của Nhân dân ta từ Bắc chí Nam đã diễn ra rầm rộ. Đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Hương Khê do cụ Phan Đình Phùng và Cao Thắng lãnh đạo, chỉ huy trong hơn 10 năm (1885-1895) đã được sử sách ghi nhận.
Hiện trạng của thành Sơn Phòng còn tương đối nguyên vẹn với hào thành, thành. Các cửa thành đông, tây, nam, bắc...
Trước khi vua Hàm Nghi về đóng quân tại xã Phú Gia thì đền Công Đồng đã có từ thời Lê. Đây là ngôi đền thờ các danh nhân có công trong việc bảo vệ biên cương phía tây của Tổ quốc thời Lê.
Trong đó có “Đô Đô thống chế hùng thắng đại tướng quân” - vị tướng trấn ải biên cương, đánh giặc giữ yên biên thùy thời hậu Lê và vị thần thứ hai là “Đức bẩm linh thông Tổng quản Ngọc Khê hồ”, người họ Dương. Hiện nay, đền còn lưu giữ được 37 đạo sắc phong của các triều Lê - Nguyễn.
Đền Trầm Lâm thờ “Đức Thánh mẫu Trầm Lâm kiêm lục quốc Thanh y anh linh diệu ngọc linh ứng thiên thần”, đã được các triều vua Lê - Nguyễn phong “Thượng, Thượng, Thượng đẳng tối linh thần”.
Theo truyền ngôn của dân làng Phú Gia, vào đêm 20/9 năm Ất Dậu (1885), vua Hàm Nghi vừa chợp mắt liền được nữ thần Thanh Y báo mộng ý là chỉ quân Pháp đang đưa quân chuẩn bị bao vây, cần phải định liệu ngay.
Tỉnh dậy, vua Hàm Nghi truyền thiết triều, giao cho đại thần Tôn Thất Thuyết và các triều thần làm lễ tạ ơn ở miếu Trầm Lâm.
5 ngày sau, vua Hàm Nghi đã ban sắc phong cho các vị thần thờ ở miếu Trầm Lâm và đền Công Đồng, kèm theo những phẩm vật quý giá để đáp lại công phò vua giúp nước của người dân địa phương.
Cụm di tích còn lưu giữ được nhiều hiện vật rất có giá trị. Đây là những hiện vật lịch sử vô giá như: vi bố (màn bằng gấm có gắn 35 lục lạc bằng đồng, dùng cho vua), áo mũ triều thần 8 bộ, cờ lộng tàn quạt 20 chiếc, voi 3 con, kiếm chuôi bằng gỗ chạm hình phượng sơn son...
Trong số các hiện vật trên có 2 con voi bằng vàng và 1 con bằng đồng. Tượng voi bằng đồng được đúc theo tư thế đang lồng, vòi dài uốn cong quặp vào dưới tai phải, tai to áp sát vào cổ, ngà cụt. Trong khi đó, 2 tượng voi bằng vàng tạc theo tư thế đứng yên, vòi buông thẳng...
Đặc biệt, tại xã Phú Gia và cụm di tích “Thành Sơn Phòng, đền Công Đồng, đền Trầm Lâm”, vào ngày 7 tháng Giêng âm lịch (không định kỳ), người dân địa phương tổ chức lễ hội rước sắc phong thần và các cổ vật quý hiếm của Vua Hàm Nghi hết sức trọng thể, uy nghi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Trần Quốc Bảo cho biết, cụm di tích lịch sử “Thành Sơn Phòng, đền Công Đồng, đền Trầm Lâm” được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2001. Huyện Hương Khê đang đề nghị các cấp tỉnh, Trung ương cho triển khai lập hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với cụm di tích này.