Nhiều giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững các núi lửa và hang động núi lửa

Tiếp tục chương trình Hội nghị ISV20, ngày 23/11, tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã diễn ra chuỗi các sự kiện: Hội thảo phiên thứ 2 Hội nghị ISV20; Hội nghị tổng kết công tác hoạt động năm 2022 và đề ra phương hướng năm 2023 của Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất Việt Nam; Nhóm các công viên địa chất toàn cầu có hang động núi lửa trong Mạng lưới Công viên địa chất châu Á-Thái Bình Dương họp triển khai ý tưởng thành lập nhóm công viên địa chất toàn cầu có hang động núi lửa do tỉnh Đắk Nông đề xuất.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đang mở ra nhiều cơ hội mới, góp phần đưa kinh tế địa phương phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đang mở ra nhiều cơ hội mới, góp phần đưa kinh tế địa phương phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.

Với chủ đề “Bảo tồn và phát triển bền vững các núi lửa và hang động núi lửa”, Hội nghị ISV20 đã tiến hành Hội thảo phiên thứ 2 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội nghị đã nghe 10 tham luận được trình bày bằng tiếng Anh tập trung vào các nội dung, việc con người sử dụng hang động, sinh học, quá trình hình thành núi lửa, địa chất, quản lý và bảo vệ hang động.

Cụ thể, sự đa dạng sinh học về hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, Việt Nam; phát triển bền vững ở Hang động Laauoleola, Savai’i, Samoa; ý nghĩa và giá trị di sản nổi bật của hang động núi lửa với du lịch và sự phát triển bền vững ở công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; các hang động núi lửa ở Auckland, New Zealand; khảo cổ học Ewamian tại Vườn quốc gia núi lửa Undara, miền bắc Australia.

Phần 2, những cải tiến sáng tạo-tài liệu và biện pháp bảo vệ; các dự án bảo tồn tại công viên địa chất toàn cầu UNESCO Mudeungsan của Hàn Quốc; tưởng niệm nhà nghiên cứu về núi lửa vĩ đại - ông Hiroshi Tachihara (Hiệp hội Vulcano-Speleological Npo, Nhật Bản); các hoạt động về núi lửa của Biyangdo trên đảo Jeju và việc sử dụng nó như một công viên địa chất; một tương lai bền vững cho dòng dung nham ở Thung lũng Harman; dung nham ở đảo Jeju và phương pháp quản lý…

Trong năm 2022, Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất Việt Nam cùng với các công viên địa chất thành viên tham dự các hoạt động và sự kiện do Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO và mạng lưới công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát động, tổ chức để tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các công viên địa chất toàn cầu. Mạng lưới công viên địa chất Việt Nam đã và đang làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của các loại hình danh hiệu, di sản UNESCO. Công tác phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận di sản, bảo tồn và quản lý di sản; báo cáo định kỳ, tái thẩm định khu di sản theo quy định UNESCO được chú trọng. Tiểu ban tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý di sản thế giới tại Việt Nam, đặc biệt, phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị ISV20 và Hội thảo “15 phát triển công viên địa chất ở Việt Nam”.

Giai đoạn tới, Tiểu ban tiếp tục quan tâm, hướng dẫn các địa phương trong quản lý, bảo tồn các điểm di sản trong vùng công viên địa chất theo tiêu chí của UNESCO. Phương án thu phí tham quan được xây dựng, để có nguồn tài chính hỗ trợ các hoạt động bảo tồn di sản địa chất, bảo vệ môi trường, tăng cường sinh kế cho người dân trong vùng công viên địa chất. Tiểu ban hỗ trợ Đề án “Khoanh vùng và đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong vùng công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”; phối hợp nhóm chuyên gia tư vấn khảo sát, lựa chọn điểm và vận hành tuyến du lịch thứ 4 trong vùng công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông...

Trên cơ sở đề xuất ý tưởng của tỉnh Đắk Nông, nhóm các công viên địa chất toàn cầu có hang động núi lửa trong Mạng lưới công viên địa chất châu Á-Thái Bình Dương đã tổ chức họp trực tuyến gồm: công viên địa chất toàn cầu Aso Nhật Bản, công viên địa chất toàn cầu Rinjani-Lombos Indonesia; công viên địa chất toàn cầu đảo Jeju Hàn Quốc và công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông triển khai ý tưởng thành lập nhóm công viên địa chất toàn cầu có hang động núi lửa.

Trong mạng lưới công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương chỉ có khoảng 7/66 công viên địa chất sở hữu di sản địa chất hang động núi lửa, trong đó có công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Tại cuộc họp, các thành viên đã thảo luận, đề xuất nhiều ý kiến hữu ích xoay quanh việc thành lập nhóm, với mục đích chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn và khai thác các giá trị của hang động núi lửa một cách bền vững. Trên cơ sở đó, các thành viên sẽ ký biên bản ghi nhớ đa phương, tiến đến chính thức trình Ban điều hành mạng lưới công viên địa chất toàn cầu trong thời gian tới...

CHẤN HƯNG - KHẢI HOÀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhieu-giai-phap-bao-ton-va-phat-trien-ben-vung-cac-nui-lua-va-hang-dong-nui-lua-post726460.html