Nhiều giải pháp 'chắp cánh' cho du lịch Tây Ninh
Tại Hội nghị quảng bá xúc tiến du lịch 'Hương sắc Tây Ninh 2023', trong khuôn khổ Ngày Tây Ninh tại Hà Nội, do UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức, ngày 7/10/2023, nhiều giải pháp, đề xuất được đưa ra nhằm 'chắp cánh' cho du lịch Tây Ninh.
Nhiều tiềm năng phát triển du lịch MICE
Điểm nhấn đặc biệt trong chương trình Hội nghị quảng bá xúc tiến du lịch “Hương sắc Tây Ninh 2023”, trong khuôn khổ Ngày Tây Ninh tại Hà Nội, do UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức là tọa đàm “Để yêu Tây Ninh”.
Tọa đàm có sự điều phối của nhà báo Xuân Tú và tham dự của các diễn giả: ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội; ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Vietravel Chi nhánh Hà Nội; ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch CLB MICE Việt Nam (VMC) và nhiếp ảnh gia quốc tế chuyên về du lịch, KOL Khánh Phan.
Điểm qua những tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh Tây Ninh, nhà báo Xuân Tú cho biết, Tây Ninh là địa phương có nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển du lịch, không chỉ là loại hình du lịch tâm linh với các điểm đến nổi tiếng linh thiêng như núi Bà Đen hay Tòa Thánh Cao Đài, mà còn sở hữu nhiều lớp địa tầng văn hoáhấp dẫn cùng nhiều danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử, văn hóa hấp dẫn ít nơi nào có được.
Tuy nhiên, hiện đa số khách đến với Tây Ninh ở khu vực Nam bộ. Vì vậy, việc thu hút nguồn khách du lịch đa dạng đến từ các điểm đến khác như miền Trung, miền Bắc, đặc biệt là du khách từ thủ đô Hà Nội là vấn đề trọng tâm của Tây Ninh.
Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội nhận định, du lịch Tây Ninh nói riêng, vùng Đông Nam Bộ nói chung rất thu hút du khách từ Hà Nội và khu vực miền Bắc. Bởi, bên cạnh điểm đến nổi tiếng núi Bà Đen, Tây Ninh còn có Tòa Thánh Tây Ninh của đạo Cao Đài đầy mới lạ. Ẩm thực Tây Ninh cũng rất đặc sắc. Hơn nữa, Tây Ninh rất thuận tiện di chuyển từ TP.HCM, những như kết nối tour, tuyến với các tỉnh, thành khác ở Đông Nam Bộ. Khí hậu ấm áp quanh năm của Tây Ninh cũng là điểm cộng với du khách miền Bắc, nhất là vào mùa đông.
Với thị trường quốc tế, Tây Ninh nằm sát Campuchia, ông Bảy cho rằng: “Không có lý do gì không thể khai thác được thị trường du khách nước này qua đường bộ. Với dòng khách Ấn Độ, họ có văn hóa tâm linh rất đậm nét, gần với xu hướng đến với Núi Bà. Nếu chúng ta phát triển tốt cơ sở hạ tầng, các món ăn lại tương đồng với khẩu vị khách Ấn Độ, hệ thống nhà hàng khách sạn phù hợp thì lượng khách qua trạm trung chuyển Hà Nội hoặc TP.HCM để đến Tây Ninh sẽ tăng”.
Mặc dù Tây Ninh có lợi thế về vị trí địa lý để kết nối với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, cũng như với Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài; TP.HCM lại là trung tâm du lịch MICE, tuy nhiên, ông Đức Anh, Chủ tịch CLB MICE Việt Nam đánh giá, Tây Ninh chưa phát triển về du lịch sự kiện (MICE). Về cơ sở vật chất, các đoàn MICE thường có số lượng đông, sử dụng dịch vụ cao cấp, đa dạng sản phẩm trong một chuyến đi; trong khi Tây Ninh hiện mới có 1 khách sạn Melia Vinpearl đạt 5 sao và ballroom đáp ứng tối đa 350 khách, còn lại là các trung tâm tổ chức sự kiện, tiệc cưới.
Tuy nhiên, Chủ tịch CLB MICE Việt Nam cho rằng: “Tây Ninh vẫn có cơ hội phát triển du lịch MICE vì vị trí địa lý gần TP.HCM và Bình Dương. Đây là 2 thị trường du lịch MICE rất lớn. Khách Campuchia cũng có nhu cầu tổ chức sự kiện và có thể chọn điểm đến Tây Ninh”.
Mặt khác, du lịch MICE rất đa dạng sản phẩm, trong đó có cả những hoạt động sự kiện lễ hội. Với khoảng 40 lễ hội, gồm cả những lễ hội lớn, là cốt lõi để Tây Ninh hình thành và phát triển du lịch MICE. Nếu lịch sự kiện được công bố sớm và rõ ràng, các công ty tổ chức sự kiện có thể dựa vào đó để mang khách đến Tây Ninh.
"Thời gian gần đây, lượng khách đến Tây Ninh tăng trưởng rất tốt. Điều đó cho thấy đây là điểm đến được du khách chấp nhận và nhớ tới. Khi đã có nhu cầu rồi thì các doanh nghiệp xây dựng và bán sản phẩm là đương nhiên. Vì thế, chúng tôi đề xuất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tạo kênh thông tin giữa CLB và Sở, từ đó chuyển tải thông tin một cách sâu nhất, rõ ràng nhất đến các thành viên CLB và phục vụ du khách. CLB sẵn sàng đồng hành cùng du lịch Tây Ninh vừa khảo sát, nghiên cứu thị trường, tuyên truyền, quảng bá, cũng như kêu gọi hội viên bán các sản phẩm của du lịch Tây Ninh", ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội
Bên cạnh đó, có thể tổ chức các tour trekking xuyên rừng, hội họp trong rừng ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, hay đua thuyền tại sông Vàm Cỏ Đông cũng có thể đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch MICE tại Tây Ninh.
“Hiện các địa phương chưa quan tâm đến công tác xây dựng sản phẩm mẫu hoặc thuê chuyên gia tư vấn xây dựng sản phẩm MICE mẫu. Nếu Tây Ninh chú trọng công tác này, thì hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nơi khác”, ông Đức Anh nhấn mạnh.
Chủ tịch CLB MICE Việt Nam cho rằng, trước mắt, MICE Tây Ninh nên thí điểm làm trước thị trường nội địa, tập trung thị trường TP.HCM, Bình Dương… Ngoài ra, khách du lịch MICE ngày càng quan tâm đến chăm sóc sức khỏe với những kỳ nghỉ thể thao. Do đó, những gói tour MICE kết hợp trekking rùng, đạp xe, cắm trại trong rừng khoảng 2 ngày 1 đêm có thể triển khai sớm.
Trong khi đó, nhiếp ảnh gia quốc tế, KOL du lịch Khánh Phan cho biết, những năm gần đây, Tây Ninh là điểm sáng của giới nhiếp ảnh gia, nhất là đến Milky way trên đỉnh núi Bà Đen để chụp bình minh. Trong năm vừa rồi, núi Bà Đen xuất hiện hiện tượng mây đĩa bay đã rất viral trên mạng xã hội. Tuy nhiên, thời gian mở cửa cáp treo là 5 giờ 30, nên có thể sẽ lỡ mất khoảnh khắc đẹp nhất của bình minh trên núi Bà Đen.
Do đó, trên đỉnh núi cần có khu nghỉ dưỡng để du khách ngắm bình minh, check-in trên không gian vô cực của núi Bà Đen. Đây chắc chắn sẽ là trải nghiệm rất hấp dẫn.
Ngoài ra, khu vực hồ Dầu Tiếng có thể khai thác vùng trồng hoa màu cho các hoạt động camping, xây những resort nhỏ để du khách trải nghiệm ngủ qua đêm, buổi sáng check-in với background là không gian vô cực của hồ.
Tây Ninh đã chọn được nhà đầu tư chiến lược Sun Group, quyết không chia nhỏ, băm nát tiềm năng
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, ngành du lịch Tây Ninh và Hà Nội đã hợp tác phát triển du lịch đa phương và song phương từ năm 2016. Thời gian tới, hai địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nội dung cũ đang triển khai và tăng cường hoạt động trao đổi trong quản lý nhà nước, tạo môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp tham gia khai thác tour, tuyến giữa Hà Nội và Tây Ninh, cũng như tổ chức các sự kiện xúc tiến giữa hai địa phương.
“Chúng tôi sẽ cùng đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá 2 chiều và tham dự các sự kiện xúc tiến chung, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các sản phẩm. Dự kiến, trong tháng 12/2023, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tổ chức đoàn fam để các doanh nghiệp du lịch Hà Nội, du lịch Tây Bắc khảo sát và phát triển sản phẩm tại Tây Ninh nhằm đón mùa lễ hội tháng Giêng năm 2024”, ông Hiếu cho biết.
Chia sẻ những kế hoạch, chiến lược của Sun Group trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển du lịch Tây Ninh, bà Trần Nguyện, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sun World cho biết, nhân dịp sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội, Sun World Ba Den Mountain đang có chương trình đặc biệt dành cho du khách Hà Nội trong tháng 10 này. Đó là combo đi cáp treo tuyến đỉnh và tuyến chùa chỉ còn 200.000 đồng/người, thay vì 600.000 đồng như bình thường.
“Đây là lời chào ngay lập tức để Tây Ninh gửi đến Hà Nội, hy vọng du khách thủ đô sẽ tiếp tục đến với Tây Ninh”, bà Nguyện nhấn mạnh.
Cùng với đó, để đóng góp cho sự phát triển của du lịch Tây Ninh, bà Nguyện cho biết: “Ngoài những công trình hiện tại, những cảnh quan liên tục thay đổi theo tháng để du khách trở lại là thấy mới, trong tháng Giêng năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục ra mắt Tượng Phật Di Lặc cao 36 m, bên trong có phòng họp sức chứa hơn 1.000 người và cây cầu May.
Tượng Phật Di Lặc tượng trưng cho sự an nhiên, những điều tốt đẹp và hướng về hồ Dầu Tiếng, còn sau lưng là thác nước nhân tạo có thể sẽ trở thành thác nước nhân tạo lớn nhất thế giới. Ngoài ra, chúng tôi sẽ trồng khu vườn bồ đề với diện tích 11 ha và các sản phẩm về đêm để phục vụ du khách khi đến với Núi Bà Đen”.
Kết luận Tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh này xác định kết nối các điểm liên hoàn đúng với phương châm “Chất lượng - Đẳng cấp - Khác biệt” để ngành du lịch Tây Ninh phát triển hiệu quả, bền vững.
“Cách đây 5 năm, chúng tôi đã chọn được nhà đầu tư chiến lược Sun Group. Tiềm năng cộng với cơ hội từ nhân lực, vật lực và làm du lịch bằng tâm huyết thì bao giờ cũng phát triển bền vững, gắn liền với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Chúng tôi xác định, không chọn được anh tài thì cứ để tiềm năng đó, quyết không chia nhỏ, băm nát tiềm năng”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, hiện núi Bà Tây Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung phát triển khu du lịch quốc gia với 6 phân khu chức năng, ở đó có tất cả loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp.
Hiện nay, Tòa thánh Tây Ninh với lối kiến trúc độc đáo và núi Bà Đen có thể kết nối đưa khách đến ngay. Sắp tới, Tây Ninh triển khai sớm để có khu nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Bà Đen, mang yếu tố tâm linh và sức khỏe và nhiều trải nghiệm hấp dẫn khác để phục vụ du khách cả ban ngày và ban đêm.
“Tỉnh Tây Ninh sẽ triển khai nhiều hoạt động khác để góp sức giúp ngành kinh tế xanh Việt Nam bay xa, bay cao và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, đóng góp 10% vào GDP của cả nước”, ông Ngọc khẳng định.
"Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cam kết đồng hành cùng với Tây Ninh - một ngôi sao sáng đang lên trên bản đồ du lịch Việt Nam. Trong giai đoạn này, Tây Ninh có thể nói là vô địch trong hút khách nội địa và chúng tôi mong rằng, Tây Ninh tiếp tục vươn ra thế giới. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng Tây Ninh tham gia các hội chợ, triển lãm cũng như chương trình roadshow ở nước ngoài, để Tây Ninh xứng tầm là một điểm đến mang tầm quốc tế. Có thể thấy, du lịch tâm linh tại Tây Ninh có một tiềm năng rất lớn, đặc biệt là đối với thị trường Ấn Độ mới nổi của Việt Nam. Tin rằng sớm thôi, Tây Ninh sẽ tỏa sáng mạnh mẽ”, ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhieu-giai-phap-chap-canh-cho-du-lich-tay-ninh-d200381.html