Nhiều giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tích cực triển khai và đạt được những kết quả tích cực trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách để thực hiện lộ trình khắc phục 'thẻ vàng' do Ủy ban Châu Âu (EU) áp dụng đối với thủy sản Việt Nam. Mặc dù vậy, lĩnh vực này vẫn đang gặp không ít khó khăn. Trước thực tế đó, nhiều giải pháp đã được các ngành chức năng và các địa phương xác định để từng bước đưa hoạt động khai thác thủy sản đi vào nền nếp, đáp ứng tốt các quy định hiện hành.

 Ngư dân bán sản phẩm ở Cảng cá Cửa Tùng. Ảnh: HN

Ngư dân bán sản phẩm ở Cảng cá Cửa Tùng. Ảnh: HN

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khó khăn cơ bản trong chống khai thác hải sản IUU trên địa bàn hiện nay là ý thức chấp hành pháp luật của không ít ngư dân còn hạn chế; tỉnh có 2 cảng cá là Cửa Tùng, Cửa Việt được Bộ NN&PTNT chỉ định thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, tuy nhiên có không ít tàu, nhất là tàu có chiều dài từ 6 đến dưới 12 m đi khai thác không xuất phát tại cảng, khi về không cập cảng để bán sản phẩm nên việc nộp báo khai thác thủy sản không thực hiện được. Tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) đối với tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m rất chậm, toàn tỉnh có 363 tàu cá loại này nhưng đến giữa tháng 4/2020 mới chỉ có 115 tàu được lắp đặt trong khi Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định từ ngày 1/4/2020 tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m không lắp thiết bị GSHT không được phép ra khơi.

Trong quá trình khai thác có tàu không mở thiết bị GSHT, không duy trì thiết bị hoạt động 24/24 giờ làm gián đoạn quá trình theo dõi, xử lý của cơ quan chức năng. Việc ghi, nộp nhật ký và báo cáo khai thác hải sản chưa được các chủ tàu, thuyền trưởng thực hiện nghiêm túc. Phương tiện, kinh phí phục vụ công tác ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác IUU trên biển của lực lượng chức năng còn rất lạc hậu và hạn chế với tàu kiểm ngư công suất nhỏ 390 CV đã sử dụng trên 20 năm trong khi tàu cá của ngư dân thường mới, trang bị hiện đại hơn cùng với đó là kinh phí không đủ để thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên biển. Khối lượng công việc thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn luật, thực hiện chống khai thác hải sản IUU nhiều, có tính chuyên môn cao trong khi số lượng cán bộ và kinh phí còn hạn chế đã làm hạn chế tiến độ, hiệu quả công việc…

Để khắc phục những khó khăn này, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Huân, đơn vị tập trung thực hiện, đồng thời đề nghị chính quyền các địa phương phối hợp thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền các quy định pháp luật về hoạt động khai thác thủy sản, tập trung vào Luật Thủy sản 2017, các quy định ghi nhật ký khai thác thủy sản, báo cáo vùng biển khai thác, cấm sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản, nghiêm cấm khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tăng cường công tác phổ biến, tập huấn các quy định về chống khai thác hải sản IUU trong ngư dân, các tổ tự quản tàu thuyền, tại các cảng cá và các cơ sở thu mua, chế biến thủy sản. Thông tin, hướng dẫn các chủ tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên phải xuất phát đi đánh bắt và cập bến bốc dỡ, bán sản phẩm tại Cảng cá Cửa Việt, Cửa Tùng. Trước khi cập bến phải thông báo cho đơn vị quản lý cảng cá ít nhất 60 phút để bố trí địa điểm, cử cán bộ giám sát sản lượng và thực hiện các công tác quản lý khác. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các quy định về đăng ký, đăng kiểm, các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tàu cá, hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Xây dựng các tiêu chí đối với tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác hải sản IUU và tiến hành lập danh sách, tổ chức theo dõi, giám sát đặc biệt để ngăn ngừa các chủ tàu cá và các nghề khai thác thường xuyên vi phạm. Tiếp tục tổ chức ký cam kết không vi phạm khai thác trên các vùng biển nước ngoài đối với các chủ tàu cá…

“Trong chống khai thác hải sản IUU thì việc lắp đặt thiết bị GSHT cho tàu cá là giải pháp rất quan trọng, đồng thời đây cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc và là lợi ích thiết thực của chủ tàu. Vì vậy, ngành nông nghiệp và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động với nội dung và hình thức phù hợp để ngư dân nhận thức rõ việc lắp đặt thiết bị này là cần thiết và bắt buộc trong thời điểm hiện nay. Thông tin thường xuyên và đầy đủ quy định xử lý của pháp luật đối với các vi phạm trong lĩnh vực này. Phối hợp với các đơn vị cung ứng thiết bị GSHT để quảng bá, giới thiệu rộng rãi tính năng, cách thức sử dụng, chế độ bảo trì, bảo hành và giá cả của thiết bị GSHT, đồng thời có các chính sách kích cầu, hỗ trợ tốt hơn cho ngư dân mua và lắp đặt thiết bị GSHT”, ông Nguyễn Văn Huân thông tin thêm.

Để chống khai thác hải sản bất hợp pháp hiệu quả, Sở NN&PTNT cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai nhiều giải pháp. Trong đó chú trọng tiến hành kiểm tra, xử phạt các vi phạm, đặc biệt là xử lý nghiêm, đúng quy định đối với các tàu không lắp đặt thiết bị GSHT hoặc lắp đặt nhưng không mở thiết bị, không duy trì hoạt động 24/24 giờ; không đánh dấu tàu cá; không nộp nhật ký khi thác thủy sản theo quy định. Tăng cường kiểm soát, xử lý tàu cá khai thác bất hợp pháp trên biển, xử lý tranh chấp nghề cá và sẵn sàng các phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và các trường hợp khẩn cấp phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo.

Huy Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=148282