Nhiều giải pháp để chấm dứt việc thiếu xăng dầu cục bộ
Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các bộ, ngành tăng sản lượng sản xuất và nhập khẩu xăng dầu thêm 20% sản lượng bình quân hằng năm.
Từ đầu năm đến nay, một số cửa hàng xăng dầu ở TP.HCM và TP Hà Nội có biểu hiện bán cầm chừng, chỉ bán 30.000-50.000 đồng tiền xăng cho mỗi xe máy, có cửa hàng treo biển “hết xăng, còn dầu” hoặc kéo rào ngưng bán.
Mệt vì chờ mua 30.000 đồng xăng
Tuần qua, một số cây xăng ở TP.HCM lại tiếp tục giới hạn số tiền bán xăng cho người mua, gây mệt mỏi cho người tiêu dùng.
Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Lâm Vinh, cho biết đổ các cây xăng dầu nhỏ lẻ bên ngoài thì bị hạn chế là không được đổ đầy bình. Thậm chí, xe tải mà cho đổ có 50 lít hay 100 lít thì chạy chưa hết cuốc xe đã cạn nhiên liệu. Công ty không dám nhận đơn hàng vận chuyển ở các tỉnh xa vì không biết khi đến nơi có đủ xăng để quay xe về.
Còn ở một số cây xăng chỉ bán 30.000 đồng cũng gây mệt mỏi cho người dân vì đứng chờ cả 30 phút mới đổ được, mà chạy hết xăng là dẫn bộ luôn.
“Nhân viên bảo là hết xăng nhưng kinh doanh mà hết xăng thì sao mà kinh doanh, nên người dân chúng tôi mệt mỏi” - một người dân TP.HCM nói.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu cho biết thời gian qua chiết khấu xăng dầu chỉ 0-200 đồng/lít, chưa kể các đầu mối “rót” hàng nhỏ giọt hoặc đúng sản lượng nên cửa hàng chỉ bán cầm chừng.
Theo các DN, với mức hoa hồng rất thấp như hiện nay càng bán càng lỗ, có cửa hàng lỗ hàng trăm triệu đồng mỗi tháng mà cứ kéo dài làm DN khó khăn vô cùng, gồng không nổi.
Nhiều chi phí chưa được tính
Trước đó, ngày 28-10, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng vấn đề xăng dầu “thiếu thật” hay “thiếu giả” cần phải đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài.
Chiều 4-11, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công Thương… Nếu không có thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành ngày 11-11, những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật và đây cũng là một tháo gỡ tương đối tốt.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo cụ thể các ngân hàng thương mại xem xét giải quyết cụ thể đối với từng DN đang khó khăn trong tiếp cận vốn bảo lãnh và thanh khoản.
“Chúng ta đã có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn đảm bảo tới 70%-80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%. Vậy mà thời gian qua đã để xảy ra hiện tượng hết xăng tại một loạt cây xăng ở TP Hà Nội, TP.HCM” - bà Yên nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, ngoài nguyên nhân khách quan của thế giới là đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, giá dao động trong biên độ lớn, tỉ giá ngoại tệ thay đổi hằng giờ.
Nguyên nhân chủ quan là các DN kinh doanh xăng dầu rất khó tiếp cận với vốn và bảo lãnh tín dụng của ngân hàng, điều kiện vay thanh khoản lại khó khăn, tỉ giá ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu thay đổi liên tục, biên độ giá dao động lớn. Vì thế, rủi ro rất cao cho các DN.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh khan hàng, nhiều chi phí phát sinh nhiều định mức lỗi thời nhưng chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chưa được phản ánh trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu nên DN càng làm càng lỗ.
Cần thay đổi cách điều hành
Trong phiên chất vấn, các đại biểu cho rằng có lúng túng trong việc để xảy ra thiếu hụt xăng dầu cục bộ khiến cho người dân, DN bức xúc. Hiện tượng này vẫn xảy ra cục bộ ở một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm.
Từ đó, các đại biểu đề nghị cần thay đổi cách thức vận hành, điều hành thị trường về giá xăng dầu, trong đó là thống nhất đầu mối quản lý xăng dầu gồm cả việc điều hành giá, chi phí kinh doanh định mức.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhìn nhận thị trường xăng dầu bị đứt gãy chuỗi cung ứng một số nơi. “Về giá cả xăng dầu, thời gian tới có thể diễn biến phức tạp, Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhạy nhất” - ông Ngân đề nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết để kịp thời khắc phục tình trạng trên, bộ chỉ đạo, hướng dẫn các DN đầu mối, thương nhân phân phối, chia sẻ nguồn cung trong dự trữ thương mại của mình để kịp thời chi viện cho những địa bàn cần ứng cứu.
Bộ tiếp tục động viên, giao chỉ tiêu bổ sung cho các DN sản xuất, DN đầu mối để tăng sản lượng sản xuất và nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung ra thị trường trong mọi tình huống.
Sẽ khắc phục ngay hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, hiện nay xăng dầu Việt Nam sản xuất trong nước đạt khoảng 80% nhu cầu. Trong 80% này, một nửa, thậm chí hơn một nửa lượng dầu thô Việt Nam vẫn phải nhập từ thế giới. Vì vậy, thị trường thế giới biến động tác động trực tiếp tới thị trường trong nước. Còn 20% xăng dầu thành phẩm là nhập từ nước ngoài nên Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo số liệu Bộ Công Thương có được thì sản lượng sản xuất của các nhà máy trong nước cũng như nhập khẩu từ nước ngoài đã đạt 86% kế hoạch của cả năm.
“Mỗi năm chúng ta cần khoảng 18-19 triệu m3 xăng dầu, với sản lượng đạt 86% kế hoạch như trên có thể khẳng định nguồn xăng dầu trong các DN hoàn toàn có thể bảo đảm cho thị trường trong nước... Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kịch bản tăng sản lượng sản xuất và nhập khẩu xăng dầu thêm 20% sản lượng bình quân hằng năm. Cụ thể, sẽ có lượng xăng dầu trong nước khoảng 21 triệu tấn đủ để đáp ứng cho nhu cầu của cả nước” - ông Diên khẳng định.
Dẫn nhiều số liệu liên quan, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết việc thiếu xăng dầu chỉ là cục bộ.
Cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ tư chiều 5-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống.
Khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Nghiên cứu, thực hiện nâng tổng mức dự trữ quốc gia và tăng cường năng lực sản xuất trong nước.
Đã có nhiều ý kiến, kiến nghị, lãnh đạo các bộ, ngành cũng đã phân tích, đưa ra giải pháp tháo gỡ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề nghị cần đảm bảo xăng dầu trong mọi tình huống.
Vì vậy, người dân kỳ vọng không còn tình trạng xếp hàng chờ chỉ để mua được 30.000 đồng xăng.
Sắp xếp lại hệ thống phân phối xăng dầu
Sắp tới đây, bộ sẽ sắp xếp lại hệ thống phân phối xăng dầu. Bộ Công Thương đã thống nhất không cấp thêm (DN đầu mối và DN phân phối - PV) mà chỉ cấp đổi giấy phép. Việc cấp đổi này được thực hiện khi DN chứng minh đủ các điều kiện. Hiện hệ thống kinh doanh xăng dầu đa tầng nấc làm tăng chi phí.
Do vậy, trong hướng sửa chữa tới sẽ sắp xếp lại hệ thống DN đầu mối và không cần quá nhiều thương nhân phân phối. Các DN đầu mối sẽ đưa xăng dầu đến đại lý, cửa hàng bán lẻ, điều này sẽ giảm tầng nấc.
Bộ trưởng Bộ Công Thương NGUYỄN HỒNG DIÊN trả lời trong phiên chất vấn sáng 5-11
Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kịp thời tiếp cận nguồn vốn bảo lãnh tín dụng. Đây là điều kiện tiên quyết để các DN xăng dầu có thể tồn tại, phát huy vai trò quan trọng cung ứng cho xã hội mặt hàng đặc biệt này.
Ông PHẠM NGỌC HƯNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM
Tại TP.HCM, tình trạng hết xăng vẫn đang tiếp diễn. Hiện một ngày TP.HCM tiêu thụ trung bình 6.800 m3 xăng nhưng cung không đáp ứng được nhu cầu.
TP.HCM đỉnh điểm có đến 20% cửa hàng tạm hết xăng dầu tại các quận, huyện vùng ven. Đa phần các cửa hàng bán lẻ xăng dầu này thuộc sở hữu của DN nhỏ, không kinh doanh theo chuỗi.
Ông BÙI TÁ HOÀNG VŨ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM
Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-giai-phap-de-cham-dut-viec-thieu-xang-dau-cuc-bo-post706648.html