Nhiều giải pháp để phát triển điện ảnh gắn kết với quảng bá du lịch
Nhiều giải pháp, đề xuất đã được đưa ra để thúc đẩy việc quảng bá văn hóa, xây dựng thương hiệu du lịch cho các điểm đến của Việt Nam thông qua điện ảnh.
Cầu nối cho các nhà làm phim, doanh nghiệp, nhà quản lý
Chiều 16/6, tại Tp.Nha Trang, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức diễn đàn “Du lịch và điện ảnh Việt Nam – Liên kết vươn xa, tạo đà cất cánh”. Tham gia diễn đàn có các chuyên gia, các nhà quản lý trong nước và quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực như du lịch, điện ảnh, doanh nghiệp…
Phát biểu khai mạc, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thực tiễn nhiều quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam đã chứng minh điện ảnh là một kênh quảng bá vô cùng hữu hiệu cho các điểm đến du lịch. Sau mỗi thành công của các tác phẩm điện ảnh, thì những nơi từng là bối cảnh trong phim trở thành điểm tham quan thu hút đông đảo du khách.
“Diễn đàn này là nhịp cầu nối cho các nhà làm phim, doanh nghiệp, các nhà quản lý cùng gặp gỡ, trao đổi và đề xuất những giải pháp kết hợp hiệu quả hơn nữa giữa du lịch - điện ảnh trong công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh cho các điểm đến của Việt Nam tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế”, ông Đông nói.
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết với lợi thế của mình, tỉnh Khánh Hòa luôn được các nhà làm phim Việt Nam ưu ái dành nhiều tình cảm, tâm huyết trong sáng tạo. Vẻ đẹp của đất, trời, biển, cát và con người Khánh Hòa đã lưu dấu hình ảnh trong lòng nhiều thế hệ khán giả qua biết bao thước phim còn mãi với thời gian như Tự thú trước bình minh, Về nơi gió cát, Bãi biển đời người, Đẹp từng centimet, Những nụ hôn rực rỡ, Mỹ nhân kế, Chàng trai năm ấy…
“Những câu chuyện về đất và người Khánh Hòa được chuyển tải trong các tác phẩm điện ảnh Việt Nam tiếp nối qua bao thế hệ, luôn gợi nét lắng đọng mà hiện đại, nóng bỏng, quyến rũ với mọi thời gian, đủ sức chinh phục khán giả. Từ đó, góp phần quảng bá hiệu quả hình ảnh của tỉnh”, ông Hoàng nói.
Diễn đàn có 2 phiên trao đổi, thảo luận về các nội dung gồm: Chính sách của Việt Nam nhằm hỗ trợ phát triển điện ảnh, gắn kết quảng bá du lịch và kinh nghiệm của quốc tế; đẩy mạnh quảng bá du lịch qua các bộ phim được quay tại Việt Nam.
Phát triển điện ảnh, gắn kết quảng bá du lịch
Tại diễn đàn, các đại biểu cùng trao đổi, đưa ra những quan điểm, sáng kiến nhằm thúc đẩy việc quảng bá văn hóa, xây dựng thương hiệu du lịch cho các điểm đến của Việt Nam thông qua điện ảnh.
Theo bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục điện ảnh, trong thời gian tới cần hoàn thiện hệ thống chính sách thiết thực và có khả năng thực thi để xây dựng môi trường làm phim thu hút các nhà đầu tư, nhà sản xuất đến Việt Nam; hỗ trợ các tài năng, đầu tư xây dựng và sản xuất thành công các dự án phim có chất lượng tốt, mang bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo… Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển điện ảnh gắn kết với phát triển du lịch, bà Caroline Warin, Giám đốc phụ trách truyền thông, quảng bá quốc nội và quốc tế cho biết để phát triển điện ảnh ngoài cảnh đẹp, điều kiện thuận lợi của Pháp thì đội ngũ nhân sự rất quan trọng. Họ sẽ tìm kiếm cảnh quay, liên hệ với chính quyền, chuyên gia cố vấn phim trường.
Bên cạnh đó, công nghệ cũng là yếu tố quan trọng được ưu tiên hàng đầu trong việc sản xuất điện ảnh, do đó họ rất chú trọng đến nhà cung cấp công nghệ. Tất cả, đều hướng tới việc phục vụ tốt nhất cho các nhà sản xuất phim.
Bà Ruriko Sekine, Tổng thư ký Hội đồng phim Nhật Bản cho biết ở đất nước này có tổ chức hội chợ triển lãm điện ảnh hàng năm; đưa các đoàn phim đi tham quan, thực tế các địa điểm trong và ngoài nước để tìm cảm hứng sáng tạo cho các bộ phim. Đồng thời, tổ chức phát hành tem bưu chính về địa danh có trong phim sau khi phim thành công; có những trang web cung cấp dữ liệu về điện ảnh Nhật Bản…
Trong khi đó, bà Phan Cẩm Tú, Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ cho rằng: “Cảnh đẹp ở Việt Nam có rất nhiều, và con người cũng đầy tài năng. Tuy nhiên, chúng ta thiếu những lời mời cụ thể đối với các nhà làm phim nước ngoài.
Vì vậy, chúng ta cần giới thiệu rõ ràng về cảnh đẹp, cơ sở vật chất; các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khi họ đến làm phim ở Việt Nam… Có thể đưa lên website những lời mời, những thông tin cụ thể để các nhà làm phim tiếp cận, tìm hiểu dễ dàng hơn”.
Còn ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam chia sẻ tỉnh Khánh Hòa là một nơi lý tưởng để trở thành trường quay lớn của các thể loại phim. Tỉnh cần “Nhà nước - nhà đầu tư - nhà sản xuất phim kiêm các chuyên gia” để xây dựng ở đây thành hệ thống bối cảnh liên hoàn có biển đảo, núi rừng, đồng bằng, có khí hậu tốt. Vì vậy, tỉnh có đủ tiềm năng để trở thành một thành phố điện ảnh.
Muốn làm được như vậy thì Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, thậm chí về kinh phí để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư và mời gọi các nhà đầu tư, nhà làm phim nước ngoài đến… để nơi đây trở thành trường quay lớn.
Từ đó, những trang phục điện ảnh sẽ trở thành đồ vật được trưng bày tại bảo tàng điện ảnh. Sau đó, sẽ có một bộ sưu tập trang phục Việt Nam và thế giới, không chỉ dành riêng cho du khách tham quan mà còn trở thành mẫu mã để sản xuất trang phục cho các thể loại phim. Các đạo cụ làm phim có thể trở thành mẫu mã để sản xuất thành đồ lưu niệm cho khách du lịch.
Và, khi trở thành thành phố điện ảnh sẽ thu hút được nhiều nghệ sĩ từ các nước đến không chỉ để làm phim mà còn có thể làm liên hoan phim, giao lưu, dự hội… qua đó kích cầu du lịch.
Bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh cho rằng để thu hút du khách đến một địa phương nào thì trước hết phải đầu tư phải làm được bộ phim hay, chất lượng. Có sản phẩm hấp dẫn thì sẽ kéo theo du khách đến.
Đẩy mạnh quảng bá du lịch qua các bộ phim
Các đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh quảng bá du lịch qua các bộ phim được quay ở Việt Nam vì điều đó mang lại hiệu quả cao. Tại diễn đàn, ông Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết sau khi phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được chiếu đã tác động rất mạnh đến ngành du lịch Phú Yên.
“Trước đó, nhiều người không biết đến tỉnh Phú Yên, nhưng sau khi xem phim, rất nhiều du khách đã tìm đến để tìm hiểu, khám phá. Từ năm 2015 – 2019, lượng khách đến tỉnh tăng đột biến nên hạ tầng phục vụ du khách của tỉnh lúc đó chưa kịp để đáp ứng. Từ đó đến bây giờ, nhắc đến Phú Yên, mọi người đều nói là “xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh” và trở thành thương hiệu của tỉnh sau thành công của bộ phim”, ông Mỹ cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết trước kia khi tỉnh đi xúc tiến, quảng bá trong miền Nam hay ra thế giới thì hầu như không ai biết đến Hà Giang. Nhưng những năm gần đây, sau khi các bộ phim Chuyện của Pao, Lặng yên dưới vực sâu, Cha cõng con, Bầu trời đỏ… được lấy bối cảnh từ tỉnh thì danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa nơi đây đã được phản ánh rất trung thực đến bạn bè trong nước và quốc tế.
“Qua những bộ phim, nhiều người đã tò mò, muốn đến xem cao nguyên đá Đồng Văn; tìm hiểu đời sống của 19 dân tộc nơi đây với nhiều lễ hội độc đáo như nhảy lửa, kéo chày, lễ hội hoa tam giác mạch, lễ hội lồng tồng…
Vì vậy, công nghiệp văn hóa điện ảnh gắn với du lịch sẽ hỗ trợ nhau và phát triển rất cao. Chúng ta cần lấy điện ảnh để phát triển du lịch và lấy du lịch để tiếp tục phát triển điện ảnh”, ông Hải chia sẻ.
Bên cạnh đó, tại diễn đàn, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để đẩy mạnh quảng bá môi trường làm phim; chế độ ưu đãi đối với đoàn làm phim nước ngoài; giới thiệu hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam. Đồng thời, trao đổi, thảo luận về vai trò của truyền thông, kinh nghiệm quốc tế trong việc hỗ trợ phát triển điện ảnh, gắn kết với quảng bá du lịch…