Nhiều giải pháp 'giữ chân' bác sĩ

Những năm qua, khi phần lớn các bệnh viện trong cả nước nói chung, tại Thái Nguyên nói riêng, ngày càng mở rộng quy mô, cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng của các cơ sở y tế tư nhân thì sự dịch chuyển của nhân viên y tế từ công sang tư và từ đơn vị này sang đơn vị khác ngày càng tăng. Trước thực trạng này, các bệnh viện đã và đang có nhiều giải pháp nhằm 'giữ chân' nhân viên, nhất là bác sĩ, trong bối cảnh hầu hết các cơ sở y tế công lập đều thiếu bác sĩ.

Bác sĩ là nghề nhiều áp lực, trong khi thu nhập tại cơ sở y tế công không cao. Do đó, môi trường làm việc tốt sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để giữ chân bác sĩ.

Bác sĩ là nghề nhiều áp lực, trong khi thu nhập tại cơ sở y tế công không cao. Do đó, môi trường làm việc tốt sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để giữ chân bác sĩ.

Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Thái Nguyên, số lượng viên chức y tế thôi việc từ năm 2020 đến tháng 8-2024 là 116 người, trong đó có 53 bác sĩ. Trong số này, theo tìm hiểu của chúng tôi, chủ yếu là chuyển sang cơ sở y tế tư nhân. Ngoài ra còn có một lượng đáng kể nhân viên y tế công dịch chuyển sang đơn vị y tế công khác (chủ yếu để phù hợp với hoàn cảnh gia đình).

Theo lãnh đạo Sở Y tế: Việc bác sĩ xin thôi việc hay chuyển công tác sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động chuyên môn cũng như định hướng phát triển của bệnh viện. Nhiều trường hợp chuyển hoặc xin thôi việc sau khi vừa được cử đi đào tạo. Trong khi đó, các bệnh viện tạo điều kiện cho nhân viên đi học là để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cũng như nhằm đáp ứng cho kế hoạch phát triển chung của bệnh viện theo từng giai đoạn. Một bệnh viện muốn cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh cần phải có một quá trình hàng chục năm. Trong đó, chất lượng nguồn nhân lực giữ vai trò rất quan trọng.

Ngoài ra, đối với những trường hợp chuyển công tác, đặc biệt là xin thôi việc, do trước đó đã nhận được sự hỗ trợ về kinh phí của đơn vị và được đồng nghiệp gánh thay phần việc trong thời gian học nên khi chuyển đi, ít nhiều làm ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của những người trong cơ quan. Thậm chí còn tạo ra hiệu ứng dây chuyền. Chẳng thế mà có bệnh viện chỉ trong một thời gian không dài, có tới 4-5 y, bác sĩ cùng chuyển. Trong khi đó, phần lớn bệnh viện đều trong tình trạng thiếu bác sĩ. Chính vì vậy, việc giữ chân cán bộ có chuyên môn tốt, đặc biệt là bác sĩ, những năm nay gần đây đã được các bệnh viện quan tâm nhiều hơn.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Định Hóa: Một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện là có đội ngũ bác sĩ vững chuyên môn, nghiệp vụ. Nói cách khác, không có bác sĩ tốt, bệnh viện không thể thu hút được bệnh nhân. Khi không thu hút được người bệnh cũng đồng nghĩa với việc không có thu nhập, khi mà các bệnh viện đều đã thực hiện tự chủ trong chi thường xuyên. Chính vì thế, chúng tôi rất chú ý đến việc “giữ chân” bác sĩ, cùng với đó là có chính sách nhằm thu hút bác sĩ về làm việc.

Cụ thể, bác sĩ khi về công tác sẽ được Bệnh viện tính lương theo ngạch bậc; cuối năm được hưởng thu nhập tăng thêm như các bác sĩ lâu năm, trong khi các vị trí khác phải sau 9-12 tháng. Bệnh viện cũng sẽ hỗ trợ 10-20 triệu đồng/bác sĩ (tùy theo trình độ chuyên môn) khi về công tác.

Những bác sĩ chưa được học chuyên khoa, trên cơ sở nắm bắt tâm tư nguyện vọng kết hợp với nhu cầu của đơn vị, bệnh viện sẽ cử đi học. Cùng với đó, những người có năng lực sẽ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo phù hợp, để có chính sách hỗ trợ đào tạo… Đặc biệt, Bệnh viện cũng luôn nỗ lực tạo môi trường làm việc dân chủ, thoải mái; hàng năm đều tổ chức cho cán bộ, viên chức đi tham quan, nghỉ mát, tham gia các phong trào thể dục, thể thao nhằm tăng sự gắn kết giữa các thành viên.

Còn đối với Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ, theo tìm hiểu chúng tôi: Trước năm 2022, tại đơn vị này có một số bác sĩ “bỏ đi”, do môi trường làm việc căng thẳng, việc chi trả các khoản phụ cấp như trực, thủ thuật không đảm bảo… Tuy nhiên, từ tháng 1-2022, nhờ đơn vị đã khắc phục được những hạn chế đó, lương, phụ cấp… của nhân viên hệ khám chữa bệnh được chi trả đầy đủ. Đặc biệt, đơn vị còn tuyển thêm được 11 bác sĩ.

Bác sĩ Đồng Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình, cho rằng: Việc bác sĩ chuyển công tác có thể tạo ra một khoảng trống vào thời điểm đó. Vì thế, những năm qua, đơn vị luôn tính toán để có những phương án dự phòng, nhằm hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng của việc này. Đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để anh em được phát huy theo đúng năng lực, sở trường; tăng cường sự đoàn kết nội bộ; tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên được nâng cao trình độ; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, giúp họ cảm thấy tự hào về nơi mình đang cống hiến; có chế độ ưu đãi dành cho người nhà của bác sĩ khi nằm viện… Chính nhờ vậy, số lượng bác sĩ của bệnh viện những năm qua luôn giữ được sự ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.

Có thể nói, tuyển được bác sĩ về công tác đã khó, "giữ chân" bác sĩ có chuyên môn tốt còn khó hơn. Chính vì thế, việc tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, công bằng, nhân văn và hiệu quả sẽ là nhân tố quan trọng để các cán bộ, nhân viên muốn gắn bó và cống hiến. Bất cứ một ngành nghề nào cũng vậy, đơn vị, tổ chức đó chỉ có thể phát triển và thành công khi có sự ổn định về con người và có những người hết lòng vì công việc.

Thu Hằng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202409/nhieu-giai-phap-giu-chan-bac-si-989132f/