Nhiều giải pháp gỡ điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng ở Vĩnh Tường

Coi công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT- GPMB) là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công các công trình, dự án xây dựng cơ bản; đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích của người dân, nhất là các hộ dân phải di dời, tái định cư đúng quy định của pháp luật, 6 tháng đầu năm 2022, công tác BT- GPMB trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đạt được nhiều kết quả tích cực với tổng diện tích đã thực hiện GPMB gần 22 ha.

Nhờ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ dự án Đường vành đai 3, đoạn qua huyện Vĩnh Tường. Ảnh: Thế Hùng

Nhờ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ dự án Đường vành đai 3, đoạn qua huyện Vĩnh Tường. Ảnh: Thế Hùng

Năm 2022, Vĩnh Tường cần thực thực hiện GPMB 22 dự án với tổng diện tích 167,7 ha. Trong đó có 7 dự án còn tồn và 15 dự án triển khai mới năm 2022 (10 dự án đầu tư công và 5 dự án thu hút đầu tư).

Tuy nhiên, 2 dự án thu hút đầu tư: Khu công nghiệp Đồng Sóc giai đoạn 2 với diện tích cần GPMB năm 2022 trên 40 ha, đến nay chưa đủ thủ tục để triển khai công tác GPMB và Khu văn hóa Disneyland Vĩnh Thịnh với diện tích cần GPMB năm 2022 là 60 ha, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định tạm dừng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đến khi hoàn thiện các thủ tục triển khai dự án.

Cùng với đó, cơ chế, chính sách có sự thay đổi liên tục làm xung đột quyền lợi của các hộ dân có đất thu hồi trong cùng một dự án, gây bức xúc trong một bộ phận người dân. Việc chấp hành chính sách pháp luật của một bộ phận người dân có đất thu hồi chưa nghiêm, còn có hiện tượng cố tình chống đối, không hợp tác; các thủ tục pháp lý để chuẩn bị cho công tác thực hiện cưỡng chế mất nhiều thời gian.

Đặc biệt, quan hệ sử dụng đất của nhân dân phức tạp, không thống nhất được phương thức nhận tiền bồi thường giữa người thân trong gia đình, giữa những người đổi ruộng với nhau hay mua bán, trao đổi cho nhau thông qua chính quyền làm thủ tục theo quy định của pháp luật.

Một số công trình, dự án thu hồi có nhiều tài sản có giá trị, phức tạp của các tổ chức, cá nhân không có trong quy định, gây khó khăn trong công tác xác định mức bồi thường, hỗ trợ. Một số dự án đi qua các thửa đất trũng, ngập các hộ cho thầu đào ao thả cá nên hiện nay không còn bờ thửa, việc xác định mốc giới phần diện tích thu hồi gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian kiểm tra thực địa.

Đặc biệt là hệ thống bản đồ giải thửa 299 (bản đồ về ruộng đất được lập từ đầu những năm 80 của thế kỷ 20) không thể hiện rõ ràng, ranh giới thửa đất khi giao ruộng năm 1993; sổ mục kê, sổ địa chính không cập nhật chỉnh lý rõ ràng diện tích giao của từng hộ gia đình làm chậm tiến độ BT, GPMB của một số công trình như Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại Vĩnh Tường; đường nối từ QL2 (vị trí đường trục trung tâm huyện Vĩnh Tường, tại xã Đại Đồng) đến đường tỉnh 305 (vị trí Chợ Vàng, xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương) đường Thổ Tang - Vĩnh Sơn, tuyến đô thị phía Đông thị trấn Thổ Tang (ĐH.17) - CCN Vĩnh Sơn - Thượng Trưng (nối đường khu đô thị Phúc Sơn đi QL2C cũ); đường liên xã từ đường Thượng Trưng - Tuân Chính đi ngã ba cổng làng Tam Phúc…

Quyết tâm tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân trong công tác GPMB và xác định công tác GPMB là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để thực hiện thành công các công trình, dự án xây dựng cơ bản, Vĩnh Tường đã tập trung huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho nhân dân để người dân hiểu, đồng thuận, ủng hộ trong việc triển khai các dự án.

Bên cạnh đó, huyện gắn trách nhiệm của mỗi cá nhân, cán bộ đối với công tác GPMB, lấy kết quả của công tác GPMB là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hàng năm. Quán triệt việc thực hiện công tác GPMB đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường công tác thẩm định nội bộ và công tác phối hợp của các cơ quan chuyên môn. Xây dựng kế hoạch GPMB, triển khai các công việc cụ thể theo từng tháng, từng quý. Định kỳ tổ chức họp nghe báo cáo tiến độ và giải quyết các khó khăn vướng mắc trong công tác GPMB.

6 tháng đầu năm 2022, công tác BT- GPMB trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả tích cực, tổng diện tích đã thực hiện xong công tác kiểm kê, lập phương án bồi thường và được UBND huyện phê duyệt đạt 21,5 ha (trong đó có 4,5 ha đã phối hợp với chủ đầu tư chi trả tiền trước) với tổng số tiền phải chi trả là hơn 94 tỷ đồng.

Thời gian tới, Vĩnh Tường sẽ tiếp tục triển khai công tác BT- GPMB các dự án trọng điểm như đường Thổ Tang- Vĩnh Sơn, tuyến đô thị phía Đông thị trấn Thổ Tang (ĐH17) - CCN Vĩnh Sơn - Thượng Trưng (nối đường Khu đô thị Phúc Sơn đi QL2C cũ); cải tạo, nâng cấp đường Thổ Tang (TL304) đi Vĩnh Sơn (đường trục trung tâm huyện), huyện Vĩnh Tường (ĐH.15B); cải tạo nâng cấp đường giao thông huyện Vĩnh Tường, tuyến ĐH 18 (đoạn từ đê Tả sông Hồng đi Đê Bối); cải tạo, nâng cấp đường nối từ đường song song đường sắt (Chấn Hưng) đi ĐT.309 và các hạng mục khác.

Cải tạo đường liên huyện Vĩnh Tường – Yên Lạc (từ QL2C xã Bình Dương đi xã Yên Đồng); cải tạo, nâng cấp đường Tuân Chính - An Tường - Vĩnh Thịnh; khu trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn (giai đoạn 2); cải tạo, nâng cấp đường Thượng Trưng – Cao Đại, địa phận xã Thượng Trưng (phần đất thổ cư); đường Cụm kinh tế Tân Tiến – Thổ Tang kéo dài.

Đồng thời, phấn đấu hết năm 2022 bàn giao mặt bằng sạch 95% dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc; giải quyết vướng mắc liên quan đến BT-GPMB…

Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/80836/nhieu-giai-phap-go-diem-nghen-trong-giai-phong-mat-bang-o-vinh-tuong.html