Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh

Chiều 6-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang gồm các đại biểu: Tạ Minh Tâm, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Hoàng Mai, Nguyễn Thanh Cầm có buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) Chi nhánh Tiền Giang, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Theo báo cáo của NHNNVN Chi nhánh Tiền Giang, hiện trên địa bàn tỉnh có 30 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp 1, 11 chi nhánh loại 2 trực thuộc chi nhánh cấp 1; 101 phòng giao dịch, 16 Quỹ Tín dụng nhân dân; 2 chi nhánh Tổ chức Tài chính vi mô (CEP); 170 điểm giao dịch thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Trong 9 tháng năm 2023, các TCTD trên địa bàn đã bám sát lãnh đạo, chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo hoạt động hệ thống ngân hàng trên địa bàn tiếp tục có sự phát triển ổn định. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng nhằm giúp người dân và doanh nghiệp khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Giám đốc NHNNVN Chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm phát biểu tại buổi làm việc.

Giám đốc NHNNVN Chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm phát biểu tại buổi làm việc.

Cụ thể, đến cuối tháng 9-2023, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn thực hiện 93.973 tỷ đồng, đạt 107,11% kế hoạch, tăng 6.236 tỷ đồng với tỷ lệ tăng 7,11% so với cuối năm 2022. Mức tăng bình quân 0,77%/tháng, vốn huy động tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn huy động trên 12 tháng tăng 0,33% so với cuối năm 2022, chiếm 46,83% tổng nguồn vốn huy động. Huy động vốn chủ yếu ở khu vực dân cư, chiếm tỷ trọng 84,73% tổng nguồn vốn huy động.

Đồng thời, đến cuối tháng 9-2023, tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn tỉnh đạt 92.998 tỷ đồng với 243.102 khách hàng còn dư nợ, dư nợ tăng 6.977 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 8,11% so với cuối năm 2022 (cao hơn tốc độ tăng toàn quốc), bình quân tăng 0,88%/ tháng. Từ đầu năm đến nay, hệ thống TCTD trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng nhu cầu vốn cho 940.962 lượt khách hàng vay vốn, với doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đạt 118.359 tỷ đồng. Tăng trưởng dư nợ thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 14,26%).

Lãnh đạo một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh đóng góp ý kiến tại buổi làm việc.

Lãnh đạo một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh đóng góp ý kiến tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang và Ban Giám đốc NHNNVN Chi nhánh Tiền Giang, cùng các TCTD đã trao đổi, thảo luận và đề xuất kiến nghị nhiều vấn đề liên quan về các chương trình cho vay; lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp; kết quả triển khai chính sách tín dụng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị định 31 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…

Phát biểu tại buổi làm việc, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của Ban Giám đốc NHNNVN Chi nhánh Tiền Giang. Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang sẽ tổng hợp và tham gia thảo luận, báo cáo cơ quan soạn thảo, Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.

LÊ MINH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202310/nhieu-giai-phap-ho-tro-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-khoi-phuc-phat-trien-san-xuat-kinh-doanh-992312/