Nhiều giải pháp khắc phục kinh tế ảnh hưởng bởi đại dịch

ĐBP - Cũng giống nhiều địa phương khác trong cả nước, kinh tế Ðiện Biên chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh khiến nhiều ngành nghề bị tổn thất, an sinh xã hội gặp khó khăn. Chính vì vậy, những quyết sách mạnh mẽ lúc này của Chính phủ, của tỉnh vì người dân, vì doanh nghiệp mới có thể giúp họ cầm cự, từ đó mới có cơ hội bật nền kinh tế sau đại dịch.

Ðoàn kiểm tra liên ngành Sở Công Thương kiểm tra hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng chống dịch tại các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực vật tư, y tế.

Kinh tế khó khăn bởi dịch bệnh

Là tỉnh vùng sâu, vùng xa, song Ðiện Biên không nằm ngoài tác động và hiệu ứng của dịch bệnh đến đời sống, kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh. Thể hiện rõ ở một số ngành, lĩnh vực, như: du lịch, thương mại, vận tải, xuất nhập khẩu, tiêu dùng, ăn uống, lưu trú, giải trí... trong quý I/2020 đều giảm so với cùng kỳ năm 2019; hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có xu hướng chững lại. Dù hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh; song tác động của dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và các hộ gia đình trong quý I/2020, giảm từ 20 - 30% trở lên so với cùng kỳ năm 2019. Ðặc biệt là tháng 4/2020 hoạt động sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 140 tỷ đồng, bằng 60,43% so với cùng kỳ năm 2019. Tương tự, ngành thương mại của tỉnh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do dịch bệnh Covid-19, nhất là trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày (kể từ ngày 1/4) làm giảm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4/2020 còn khoảng 708 tỷ đồng (bằng 66,6% so với cùng kỳ năm 2019). Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến lượng khách đến Ðiện Biên trong quý I/2020 giảm 70,4%, còn 88.000 lượt người; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 137 tỷ đồng, giảm hơn 77% (so với cùng kỳ năm 2019).

Theo ông Vũ Hồng Sơn, Quyền Giám đốc Sở Công Thương, đến nay thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa, tuy nhiên sức mua trong những ngày vừa qua giảm. Nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các tỉnh khác bị tác động, ảnh hưởng nhiều nhất của dịch bệnh; song trên địa bàn tỉnh giá cả tương đối ổn định do nguồn cung tại các cửa hàng, các điểm bán các mặt hàng lương thực đảm bảo đủ nhu cầu cho nhân dân; duy chỉ giá lợn hơi trên địa bàn vẫn ở mức cao từ 80.000 - 84.000 đồng/kg.

Ðồng bộ nhiều giải pháp

Trước bối cảnh đó, cùng với thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19; tỉnh tập trung bàn thảo đưa ra những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, nỗ lực cao nhất trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Các kịch bản tăng trưởng kinh tế đã được UBND tỉnh xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, phân tích tình hình dịch bệnh tác động trực tiếp, gián tiếp tới các ngành, nghề của nền kinh tế và đưa ra 2 kịch bản giả định. Kịch bản 1 khi dịch bệnh kết thúc cuối quý II/2020 ước tính GRDP năm 2020 tăng 5,05%; kịch bản 2 là dịch bệnh kết thúc cuối quý III/2020 ước tính GRDP năm 2020 tăng 4,89% (so với năm 2019). Ðồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong trường hợp giữ nguyên tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,25% theo Nghị quyết số 131/NQ - HÐND, ngày 6/12/2019 của HÐND tỉnh khóa XIV, kỳ họp thứ 12 là thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Ðây là nhiệm vụ rất khó khăn. Ðể giảm thiểu tối đa tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã giao cần phải chủ động, tập trung, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành; sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, sự đồng thuận của nhân dân và sự hưởng ứng của toàn xã hội tới quyết tâm cao nhất. Trong đó nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, nỗ lực cao nhất cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được tỉnh đặt lên hàng đầu. Trên cơ sở các Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tỉnh triển khai thực hiện kịp thời nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống tối thiểu, tái sản xuất sức lao động cho người dân và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn. UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng. Kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi suất vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; triển khai kịp thời gói hỗ trợ tín dụng theo Chỉ thị số 11/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Với các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 thực hiện gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí theo quy định, chỉ đạo của Trung ương. Xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, khôi phục sản xuất, thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ðể đảm bảo mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt kế hoạch đề ra năm 2020 là 14.600 tỷ đồng; cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về dịch bệnh Covid-19 tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm ổn định các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại và dịch vụ, ngành Công Thương khuyến khích thương nhân tổ chức kinh doanh hình thức cửa hàng tiện ích với quy mô nhỏ gọn trong các khu dân cư để giảm tập trung đông người, giúp quản lý chặt chẽ chất lượng hàng hóa. Chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh thương mại phối hợp với các doanh nghiệp ngoài tỉnh tiếp nhận tiêu thụ sản phẩm hàng hóa (nhất là các mặt hàng thực phẩm nông sản) đảm bảo về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, cung ứng cho nhân dân trên địa bàn trong thời gian không xuất khẩu được.

Bài, ảnh: Minh Thùy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/177820/nhieu-giai-phap-khac-phuc-kinh-te-anh-huong-boi-dai-dich