Nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh
Quán triệt quan điểm 'Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa', trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, trong những năm qua, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 20-CTr/TU để thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; UBND tỉnh đã ban hành, triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó tập trung công tác cải cách hành chính (CCHC) theo hướng “một cửa”, “một cửa điện tử”; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp theo hướng chuyển dần từ “cơ chế xin cho” sang “cơ chế phục vụ” doanh nghiệp; tăng cường công tác cung cấp thông tin, thường xuyên đối thoại doanh nghiệp để tiếp nhận phản ánh và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động và trong thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) theo quy định; chủ động tiếp cận các nhà đầu tư để vận động đầu tư, có phân công đơn vị đầu mối theo dõi công tác thu hút và hỗ trợ đầu tư đối với từng dự án trọng điểm; lồng ghép các nguồn vốn cho thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp do Trung ương và HĐND tỉnh ban hành. Đặc biệt, tỉnh tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 và Phát động khởi nghiệp; đưa vào vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trong năm 2019, giúp doanh nghiệp, người dân thuận lợi hơn trong việc thực hiện các TTHC.
Nhiều công trình, dự án lớn đã và đang được đầu tư tại tỉnh. Ảnh: H.LAN
Với những nỗ lực trên, Sóc Trăng đã có những cải thiện đáng kể về môi trường đầu tư, kinh doanh; điểm số PCI của tỉnh đã tăng liên tiếp từ năm 2015; doanh nghiệp tăng khá nhanh về số lượng; tình hình thu hút đầu tư có bước khởi sắc, nhiều nhà đầu tư lớn, tiềm năng đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh. Trong nhiệm kỳ, tỉnh đã tiếp xúc, gặp gỡ và cung cấp thông tin, giới thiệu cơ hội đầu tư cho 635 nhà đầu tư; chấp thuận chủ trương đầu tư cho 141 dự án (tăng 50 dự án so với nhiệm kỳ trước) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 77.638,717 tỉ đồng (tăng 2,9 lần). Theo đó có nhiều dự án quy mô lớn, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đang triển khai và đi vào hoạt động như các dự án: điện gió, Bệnh viện Đa khoa Phương Châu, Dự án Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên, Dự án Trung tâm Thương mại, dịch vụ, kết hợp nhà ở thương mại Vincom, Dự án Tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo… đặc biệt trong tháng 6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho Dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Trần Đề với quy mô 160ha, tổng vốn đầu tư 1.230 tỉ đồng. Về phát triển doanh nghiệp, có 1.850 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 41% so với nhiệm kỳ trước; hiện số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh khoảng 3.100 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh vẫn còn chậm so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, thể hiện qua việc giảm vị trí xếp hạng liên tục qua các năm, cụ thể năm 2015 PCI của Sóc Trăng đạt 59,04 điểm, xếp thứ 22/63, đến năm 2019, PCI của tỉnh đạt 63,7 điểm nhưng xếp thứ 53/63. Nguyên nhân là do công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong việc xử lý các TTHC của doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan đến đầu tư kinh doanh, tuy đã có chuyển biến nhưng còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời và còn thiếu sự đồng bộ. Tuy các đơn vị đã chủ động và linh hoạt hơn trong việc vận dụng pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu mong đợi trong bối cảnh còn có sự chồng chéo giữa các luật, quy định pháp luật như hiện nay. Công tác xúc tiến đầu tư tuy đã dần đi vào chiều sâu theo hướng chủ động tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng và có phân công đơn vị phụ trách từng dự án trọng điểm nhưng vẫn còn hạn chế trong việc chuẩn bị sẵn sàng cơ sở pháp lý để các dự án có thể triển khai ngay khi có nhà đầu tư đăng ký, điển hình là đa số các dự án chậm triển khai là do công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc trong thực hiện các thủ tục theo quy định. Công tác triển khai các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như khởi sự doanh nghiệp; xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu; đào tạo nguồn nhân lực quản trị các doanh nghiệp; hỗ trợ thủ tục pháp lý; hỗ trợ huy động và tiếp cận vốn tín dụng... chưa thực sự mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp do chất lượng các dịch vụ chưa cao, thiếu tính chủ động, đổi mới, sáng tạo…
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để cải thiện chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian tới, Sóc Trăng cần tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chú trọng cải thiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, gia nhập thị trường... Hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các công trình, dự án. Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đầu tư, chính sách khuyến khích đầu tư để nhiều nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn lớn, có tiềm lực kinh tế, quản trị, công nghệ tiên tiến đến đầu tư phát triển trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch… trong đó, tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC để kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực không còn phù hợp; nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh. Các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, các đơn vị liên quan cần tập trung tuyên truyền, quán triệt về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao PCI đối với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Khẩn trương triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, UBND cấp huyện (gọi tắt là Bộ chỉ số DDCI) nhằm đánh giá, xếp hạng năng lực cạnh tranh của các đơn vị trong việc điều hành để nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, người dân. Tổ chức đối thoại, họp mặt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh (kể cả doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh) để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; cần nghiêm túc nhìn nhận các vấn đề còn tồn tại để kịp thời khắc phục; tích cực thực hiện các biện pháp cụ thể để xử lý, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Nâng cao chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động của chính quyền, thiết chế pháp lý, gia nhập thị trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, CCHC có tập trung vào các vấn đề còn bức xúc, dư luận xã hội quan tâm. Tập trung đẩy mạnh tiến độ, sớm hoàn tất công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để người sử dụng đất được thực hiện đầy đủ các quyền theo quy định pháp luật đất đai. Nêu cao tinh thần trách nhiệm cũng như xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức liên quan đến quản lý đất đai cố ý vi phạm, để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các nhiệm vụ ngành, nhằm đảm bảo tiến độ triển khai các dự án khi có nhà đầu tư đăng ký.
Với sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ các giải pháp, tin rằng môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh sẽ có những bước khởi sắc hơn nữa, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư của tỉnh, từ đó góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian tới và những năm tiếp theo.