Nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, nguy cơ dịch bệnh động vật tiếp tục phát sinh và lây lan trong cả nước, trong đó bệnh dại với 199 ổ dịch bệnh dại ở 35 tỉnh, thành. Tại Bình Thuận, đây cũng là thời gian cao điểm các địa phương triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, tránh lây lan dịch bệnh, điển hình tại TP. Phan Thiết.
Nguy cơ lây lan bệnh
Vào lúc 9h30 phút, ngày 12/11 Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp TP. Phan Thiết (Trung tâm) nhận được tin báo của UBND xã Tiến Thành, có 1 con chó thả rông nghi mắc bệnh dại, cắn 3 người trong hộ gia đình tại đội 4 - thôn Tiến Hải – xã Tiến Thành. Bước đầu xác định con chó đã chết. Đây là giống chó cỏ, màu lông vàng, nặng 10 kg, khoảng 1 năm tuổi. Trung tâm tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm tại Chi cục Thú y Vùng VI, TP. Hồ Chí Minh để xét nghiệm bệnh dại và tổ chức tiêu hủy xác chó theo quy định. Đồng thời, phối hợp UBND xã, Trạm y tế và Trưởng thôn Tiến Hải, xã Tiến Thành đến hộ dân bị chó trên cắn, vận động gia đình đi tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh dại trên người. Vào sáng 14/11 Chi cục Thú y Vùng VI đã có kết quả xét nghiệm, thông báo mẫu xét nghiệm con chó thả rông, cắn người tại xã Tiến Thành dương tính với virus dại (Rabies virus).
Theo bà Phạm Thị Bích Thơm – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp TP. Phan Thiết, ngoài trường hợp bệnh dại trên chó ở Tiến Thành, trước đó từ tháng 3 - 5/2024 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 8 trường hợp bệnh dại trên chó. Trong đó, phường Đức Thắng 4 trường hợp, xã Phong Nẫm 1 trường hợp, phường Đức Nghĩa 1 trường hợp, phường Phú Hài 1 trường hợp và phường Xuân An 1 trường hợp; tổng cộng có 18 người bị cào, cắn. Nhằm kịp thời kiểm soát tốt dịch bệnh dại trên đàn chó mèo, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, Trung tâm đã phối hợp với UBND xã Tiến Thành tổ chức phun xịt sát trùng và tiêm phòng bệnh dại cho các hộ có nuôi chó, mèo tại đội 4 - thôn Tiến Hải - xã Tiến Thành và những khu vực xung quanh nhằm khống chế dịch bệnh.
Tích cực các biện pháp tuyên truyền
Trước đó, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp đã hỗ trợ tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh dại miễn phí trên đàn chó, mèo đợt 2 năm 2024 tại các phường, xã. Qua đó, mục đích nhằm hạn chế lây lan bệnh dại trên động vật và từ động vật sang người. Song song, tiến hành tiêm phòng vắc xin phòng ngừa bệnh dại chó, mèo cho các hộ nuôi chó, mèo trên địa bàn thành phố. Cụ thể, Trung tâm tiến hành tiêm đồng loạt vắc xin dại Rabisin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn thành phố trong năm chưa được tiêm phòng hoặc tiêm bổ sung cho đàn chó mèo đã tiêm hết thời gian bảo hộ.
Cũng tại địa bàn TP. Phan Thiết, vừa qua UBND phường Phú Thủy đã ban hành công văn đến các khu phố đề nghị người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật và xử lý chó thả rông trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn xảy ra tình trạng động vật nuôi thả rông ngoài đường và tại những nơi công cộng, gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường. Do đó, mới đây UBND phường Phú Thủy tiếp tục có công văn, thông báo nghiêm cấm việc thả rông cho, mèo trong khu dân cư. Trong đó, người dân khi đưa chó, mèo ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người; chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Nếu để chó thả rông cắn người phải chi trả những chi phí liên quan theo quy định. Đặc biệt, tuyên truyền cho các hộ nuôi chó về các mức phạt cụ thể như: Đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng. Đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng… UBND phường Phú Thủy cũng đề nghị các khu phố tăng cường tuyên truyền về mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại cũng như các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống bệnh dại động vật trong cộng đồng dân cư. Cùng với đó, vận động nhân dân trên địa bàn quay clip chụp ảnh các hộ thả rông chó để gửi về UBND phường để xử lý theo quy định…
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số dịch bệnh động vật nguy hiểm, trong đó có bệnh dại trên chó tại TP. Phan Thiết, huyện Hàm Tân và Hàm Thuận Bắc. Trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh động vật tiếp tục phát sinh và lây lan là rất lớn, ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, sức khỏe người dân và môi trường. Do đó, UBND tỉnh đã có công văn đề nghị các sở, ngành liên quan và các địa phương thành lập đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng môi trường... Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hy vọng các địa phương sẽ chủ động ngăn chặn các loại dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan trên diện rộng.