Nhiều giải pháp sáng tạo dạy môn Giáo dục địa phương
Dù còn thiếu về CSVC, đội ngũ, nhưng các nhà trường tại Hải Phòng luôn chủ động, linh hoạt, đổi mới mạnh mẽ phương pháp và hình thức giảng dạy...

Cô trò lớp 12A3 Trường THPT Lê Quý Đôn, quận Hải An. Ảnh: Linh An
Chủ động tâm thế
Trường THPT Hải An, quận Hải An vừa thực hiện thành công chuyên đề cấp thành phố chủ đề “Các mô hình sản xuất kinh doanh ở Hải Phòng”, môn Giáo dục địa phương lớp 10. Đây là chủ đề thú vị gắn liền với nội dung môn học Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Thông qua việc sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học dự án, thuyết trình, trải nghiệm, đóng vai, cô Vũ Thị Bích Hằng đã giúp học trò tìm hiểu được một số mô hình sản xuất kinh doanh truyền thống, hiện đại ngay tại gia đình, địa phương các em sinh sống. Trong không gian lớp học mở rộng, học sinh không chỉ phát huy được năng lực của mình thông qua các dự án, các vai diễn mà còn được trang bị những kiến thức, hiểu biết cũng như các kỹ năng xử lý tình huống trong thực tiễn đời sống.
Thầy Vũ Văn Điền - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trong Chương trình GDPT 2018, hoạt động Giáo dục địa phương là môn học bắt buộc. Nội dung giáo dục địa phương cụ thể hóa được mục tiêu của Chương trình mới, xác định được yêu cầu về phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi, năng lực đặc thù mà học sinh cần đạt được, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lí của học sinh.
Tuy nhiên, trong quá trình dạy học, một số thầy cô giảng dạy môn này vẫn còn gặp khó khăn về phương pháp và cách thức tổ chức dạy học. Nguyên nhân bởi giáo viên môn học này chưa được đào tạo chuyên sâu, thiếu kinh nghiệm giảng dạy.
Bên cạnh đó, theo chia sẻ của cô Phó Hiệu trưởng Dương Thị Hải Yến, việc thiếu tài liệu giảng dạy, nhà trường hạn hẹp kinh phí cho các hoạt động thực địa, khó sắp xếp thời khóa biểu cho môn học để phù hợp với giáo viên đang kiêm nhiệm là những khó khăn đang gặp phải.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu môn học, Trường THPT Hải An đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đưa ra nhiều giải pháp phù hợp như tìm hiểu thêm nhiều nguồn tài liệu qua các kênh, bồi dưỡng chuyên sâu đội ngũ, linh hoạt trong các hoạt động bộ môn.
Cô Phạm Thị Hồng Hà - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT An Lão, huyện An Lão cho rằng, trong môn Giáo dục địa phương có nội dung Lịch sử rất hay. Bên cạnh kiến thức lịch sử chung, khi dạy cô đưa học trò về với những sự kiện của thành phố. Qua đó, giáo dục niềm tự hào, ý thức tự tôn dân tộc và khích lệ tinh thần học tập cho học trò. Ngoài ra, Trường THPT An Lão linh hoạt phương pháp và hình thức giáo dục, thầy cô giao dự án cho học trò, hoặc dạy học theo nhóm, theo chủ đề chung nên môn học đạt hiệu quả, mang lại hứng thú cho học sinh.
Giúp học trò phát triển toàn diện
Trong Chương trình GDPT 2018, Giáo dục địa phương có vị trí tương đương các môn học khác. Ở cấp THPT, Giáo dục địa phương được xây dựng cụ thể với thời lượng 35 tiết/năm học, nhằm trang bị học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương.
Chia sẻ về môn học này, cô Trần Thị Thanh Xuân - giáo viên Lịch sử, Trường THPT Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng cho hay, để mang lại hiệu quả môn học, tổ chuyên môn Giáo dục địa phương nghiên cứu kế hoạch dạy học, tài liệu để xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học của tổ, nhóm… thường xuyên báo cáo tình hình dạy học, thảo luận đổi mới phương pháp để nâng cao chất lượng.
Cô Đinh Thị Phương Thảo, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Lê Quý Đôn, quận Hải An chia sẻ, sự kết hợp liên môn từ Ngữ văn đến Giáo dục địa phương sẽ mang đến cho học sinh những cách nhìn hay, thực tế về mảnh đất con người quê hương, đất nước và địa phương. Tuy nhiên, để làm ra màu sắc môn Giáo dục địa phương cũng rất khó vì giáo viên phải dành thời gian tìm hiểu kĩ các kiến thức, áp dụng linh hoạt các phương pháp hiện đại. Vì thế, quá trình dạy học, thầy cô vừa làm, vừa cải tiến cho phù hợp.
Trường THPT Lê Quý Đôn có hơn 1.900 học sinh, vì thế sắp xếp thời khóa biểu bộ môn theo Chương trình mới cũng gặp phải không ít khó khăn. Cô Nguyễn Thị Thanh Diệp - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, nếu như năm học trước, nhà trường sắp xen kẽ 1 tuần 1 tiết Giáo dục địa phương vào buổi sáng thì cứ 4 tuần lại phải sắp lại lịch học. Rút kinh nghiệm, năm học này nhà trường linh hoạt hơn trong bố trí các tiết học Giáo dục địa phương, cụ thể, khối 12 học vào học kì I, còn lại các khối khác học vào học kì II.
Khó khăn của THPT Lê Quý Đôn là hiện còn thiếu giáo viên Lịch sử, Giáo dục quốc phòng an ninh nên việc sắp xếp giáo viên đứng lớp Giáo dục địa phương theo phân môn còn khó. Vì thế, nhà trường mong muốn nếu có hướng dẫn chuyên môn để thực hiện những chuyên đề chung cho cả khối, cả trường vào một buổi tập trung dưới sân trường thì sẽ giảm tải áp lực thiếu giáo viên cũng như sắp thời khóa biểu môn học.
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hải Phòng, thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với nội dung Giáo dục địa phương, sở kịp thời chỉ đạo công tác biên soạn và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương.
Sở cũng sớm tham mưu UBND thành phố về công tác biên soạn và thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương. Việc biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương được tiến hành chủ động, bài bản, công phu. Hải Phòng là một trong những địa phương được Bộ GD&ĐT đánh giá cao về công tác biên soạn kịp thời tài liệu vào đầu mỗi năm học.
Theo bà Phạm Thị Thu Hà - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hải Phòng, Giáo dục địa phương là hoạt động giáo dục bắt buộc trong chương trình, có số tiết quy định và nhà trường linh hoạt sắp xếp sao cho đủ số tiết trong năm học. Giáo viên dạy môn Giáo dục địa phương không phải dạy kiến thức mới, mà kiến thức đã được học trong chương trình tổng thể từ đó gắn với địa phương.
Tuy nhiên, có khó khăn là các trường hiện vẫn đang dùng bản sách điện tử, chưa có sách in. Sở đã có hướng dẫn giảng dạy bộ môn từ đầu năm học gửi tới các nhà trường. Các trường thực hiện theo hướng dẫn sẽ đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu cần đạt của bộ môn.