Nam sinh viên Ngoại giao học song bằng với GPA xuất sắc, khát vọng đóng góp những chính sách giúp ích cho xã hội
Nguyễn Đình Tài (sinh năm 2003), sinh viên Học viện Ngoại giao, đạt GPA 3.9 ngành Quan hệ quốc tế và 3.7 ngành Luật quốc tế, cùng học bổng khuyến khích học tập nhiều kỳ. Tài hoàn thành kỳ thực tập tại Bộ Tư pháp và Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao với kết quả xuất sắc, đồng thời xuất bản nghiên cứu khoa học tại hội thảo quốc tế. Bên cạnh đó, cậu còn tích cực tham gia công tác Đoàn - Hội, từng giữ vai trò Chủ nhiệm CLB và góp phần tổ chức nhiều hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc.
Ước muốn đóng góp, phát triển chính sách, luật pháp quốc tế của Việt Nam
Sinh ra và lớn lên ở vùng ngoại thành Hà Nội, Đình Tài thấu hiểu những vất vả của những người lao động chân tay, những người gắn bó cả đời với ruộng đồng, mưu sinh dưới nắng mưa. Tận mắt chứng kiến sự chật vật ấy, cậu sớm nhận ra rằng nỗ lực cá nhân thôi chưa đủ, mà cần có những chính sách thiết thực để tạo ra sự thay đổi bền vững.

Hình ảnh Tài trong buổi thực tập tại Bộ Tư pháp.
Chính suy nghĩ đó đã thôi thúc Tài lựa chọn theo đuổi ngành Quan hệ quốc tế và Luật quốc tế. Với cậu, chính sách và luật pháp không chỉ là những điều khoản khô khan, mà là chìa khóa để mở ra cơ hội, bảo vệ quyền lợi và mang đến tiếng nói cho những người vẫn ngày ngày lặng lẽ cống hiến. Hơn cả một định hướng nghề nghiệp, đó là cách Tài theo đuổi lý tưởng của mình: góp phần xây dựng một xã hội công bằng, nơi không ai bị bỏ lại phía sau. Trên hành trình chinh phục tri thức, cậu nuôi dưỡng khát vọng đóng góp vào sự phát triển chính sách đối ngoại và hệ thống luật pháp quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Ban đầu, Tài bị cuốn hút bởi chính trị, ngoại giao và cách các quốc gia vận hành trên bàn cờ thế giới. Nhưng càng đi sâu vào học tập và nghiên cứu, cậu nhận ra Luật quốc tế là một mảnh ghép không thể thiếu, một công cụ quan trọng trong thương mại, giải quyết tranh chấp và hợp tác đa phương. Chính vì vậy, việc theo đuổi song bằng không chỉ giúp mở rộng góc nhìn mà còn tạo cơ hội kết nối tư duy chiến lược ngoại giao với nền tảng pháp lý vững chắc.

Đình Tài tham gia dự tiệc tại Đại sứ quán Trung Quốc.
Hành trình chinh phục tri thức chưa bao giờ là con đường bằng phẳng. Cùng lúc đảm nhận nhiều vai trò, từ một sinh viên song bằng đam mê nghiên cứu khoa học đến một người hoạt động sôi nổi trong các tổ chức sinh viên, Tài luôn biến thử thách thành động lực để tiến về phía trước. Áp lực từ khối lượng kiến thức lớn và lịch trình học tập dày đặc không làm cậu chùn bước. Với thành tích học tập với GPA 3.9 ngành Quan hệ quốc tế và 3.7 ngành Luật quốc tế đã minh chứng cho sự nỗ lực cùng tinh thần bền bỉ của nam sinh Ngoại giao trên hành trình chinh phục tri thức.
Học hỏi từ môi trường nghiên cứu và thực tiễn ngoại giao
Không giới hạn bản thân trong khuôn khổ giảng đường, Đình Tài chủ động tìm kiếm cơ hội để tiếp xúc thực tế. Hai kỳ thực tập tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao và Bộ Tư pháp không chỉ giúp cậu tích lũy kiến thức chuyên môn mà còn mở ra những góc nhìn sâu sắc về cách chính sách đối ngoại được hoạch định và cơ chế vận hành của bộ máy nhà nước. Với Tài, lý thuyết chỉ thực sự có ý nghĩa khi được đặt trong bối cảnh thực tiễn, nơi từng quyết sách có thể tạo nên những thay đổi lớn cho xã hội.

Đình Tài trong vai trò đại biểu tại phiên mô phỏng, tập trung lắng nghe và đưa ra những lập luận, thể hiện tư duy phản biện và kỹ năng đối ngoại.
Tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Tài không chỉ học cách nghiên cứu mà còn hiểu rằng mỗi nhận định đều phải được xây dựng trên nền tảng dữ liệu thực tiễn, không đơn thuần là lý thuyết sách vở. Quá trình phân tích tài liệu, tham gia thảo luận cùng các chuyên gia giúp cậu nhận ra rằng một vấn đề đối ngoại tưởng chừng đơn giản lại ẩn chứa nhiều lớp ý nghĩa. “Không có câu trả lời tuyệt đối đúng hay sai, điều quan trọng là cách tiếp cận của mình có đủ chặt chẽ và sát với thực tế hay không”, Tài chia sẻ. Chính môi trường này đã giúp cậu rèn luyện tư duy phản biện và khả năng phân tích đa chiều, những yếu tố cốt lõi trong nghiên cứu chính sách và hoạch định chiến lược.
Trong khi đó, tại Bộ Tư pháp, Tài được tiếp xúc với những công việc mang tính thực tiễn cao hơn như hỗ trợ soạn thảo công hàm hợp tác và tham dự các buổi làm việc với đại diện Đại sứ quán. Cậu nhận ra rằng trong môi trường ngoại giao, sự chuẩn bị kỹ lưỡng và kỹ năng giao tiếp đóng vai trò quan trọng không kém gì nền tảng kiến thức. Những tình huống thực tế tại đây giúp Tài hiểu rõ hơn về quy trình làm việc của một cơ quan nhà nước trong bối cảnh hợp tác quốc tế, từ đó hoàn thiện kỹ năng ứng xử và xử lý vấn đề trong môi trường chuyên nghiệp.

Đình Tài và các bạn sinh viên tại Học viện Ngoại giao.
Không chỉ mang lại những trải nghiệm quý giá, hai kỳ thực tập còn giúp Tài củng cố niềm tin vào con đường mình đang theo đuổi trong lĩnh vực nghiên cứu chính sách và đối ngoại. “Điều mình học được không chỉ là kiến thức, mà còn là tư duy của những người làm nghiên cứu lâu năm – cách họ đặt câu hỏi, phân tích dữ liệu và tiếp cận một vấn đề từ nhiều góc độ”, Tài chia sẻ. Chính những bài học đó đã giúp cậu nhìn nhận rõ hơn về vai trò của nghiên cứu trong việc xây dựng chính sách thực tiễn và bền vững.
Hành trình trưởng thành qua những hội nghị mô phỏng ngoại giao
Với Đình Tài, đam mê đối ngoại không dừng lại ở lý thuyết mà phải được rèn giũa trong môi trường thực tiễn. Là thành viên Ban Nghiên cứu và Phát triển của CLB Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc DAVMUN, cậu không ngừng trau dồi tư duy chiến lược qua các phiên tranh luận sôi nổi và sự kiện học thuật quốc tế.

Đình Tài cùng đồng đội sau khi hoàn thành phiên mô phỏng.
Tham gia DAVMUN không đơn thuần chỉ là rèn luyện kỹ năng tranh luận mà còn giúp Tài thay đổi cách nhìn nhận các vấn đề toàn cầu. Nếu như ban đầu cậu chỉ nghĩ rằng những hội nghị này là sân chơi học thuật để nâng cao tư duy phản biện, thì càng tham gia, Tài càng nhận ra tầm quan trọng của tư duy đa chiều, kỹ năng thương lượng và nghệ thuật xây dựng giải pháp trong môi trường ngoại giao.
Điểm sáng trong hành trình của Đình Tài chính là những lần đảm nhận vai trò Chủ tọa – người giữ nhịp và dẫn dắt các phiên thảo luận. Không chỉ theo sát từng lập luận, đảm bảo sự công bằng giữa các bên, Tài còn học cách điều hướng tranh luận để tạo ra những đối thoại có chiều sâu. Trải qua gần 20 hội nghị mô phỏng trên khắp cả nước, cậu không chỉ rèn luyện kỹ năng lãnh đạo và xử lý tình huống mà còn mở rộng góc nhìn khi tiếp xúc với những cách tiếp cận đa dạng từ bạn trẻ ở nhiều vùng miền.
Với Tài, thành tích không nằm ở những danh hiệu như “Đại biểu xuất sắc nhất” mà ở giá trị thực tiễn mỗi hội nghị mang lại. Từ khả năng đàm phán, thuyết phục đến xây dựng mối quan hệ trong môi trường ngoại giao, tất cả đều là những viên gạch vững chắc trên hành trình theo đuổi sự nghiệp đối ngoại và hoạch định chính sách của cậu.
Bước ra thế giới với nghiên cứu khoa học
Trở thành một trong những diễn giả trẻ tuổi nhất tại Hội thảo Quốc tế về Nghiên cứu Burma/Myanmar (ICBMS4) tại Đại học Chiangmai, Thái Lan là một dấu mốc đáng nhớ trong hành trình học thuật của Đình Tài. Khi nhận được thông báo về việc được chọn trình bày bài nghiên cứu, Tài vừa hào hứng vừa không tránh khỏi cảm giác lo lắng. Đây là một hội thảo quy tụ nhiều học giả và chuyên gia quốc tế, nơi mỗi lập luận đều cần được xây dựng trên nền tảng khoa học vững chắc và có giá trị thực tiễn cao.

Đình Tài nhận danh hiệu Sinh viên 5 tốt, ghi dấu những nỗ lực.
“Những ngày chuẩn bị cho bài thuyết trình, mình không ngừng chỉnh sửa để đảm bảo nội dung chặt chẽ, dễ tiếp cận đối với khán giả đến từ nhiều quốc gia. Khoảnh khắc bước lên bục, thay vì căng thẳng, mình lại cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết. Đó không chỉ là một bài trình bày nghiên cứu mà còn là cơ hội để chia sẻ góc nhìn cá nhân về một vấn đề quan trọng”, nam sinh nhớ lại.
Sau phần thuyết trình, Tài nhận được nhiều câu hỏi chuyên sâu từ các học giả quốc tế. Mỗi câu hỏi là một thử thách, nhưng thay vì áp lực, cậu coi đó là cơ hội học hỏi từ những người đi trước. Điều đáng giá nhất không chỉ là việc hoàn thành phần trình bày mà chính là những cuộc trao đổi sau đó – nơi những quan điểm đa chiều gặp nhau, mở ra những góc nhìn mới mẻ về vấn đề nghiên cứu.
Trải nghiệm này không chỉ giúp Tài rèn luyện khả năng diễn thuyết trước đám đông mà còn thay đổi cách cậu tiếp cận tri thức. “Điều quan trọng không phải là biết bao nhiêu, mà là cách mình chia sẻ kiến thức đó như thế nào", Tài chia sẻ.
“Sinh viên 5 tốt” – Hành trình không dừng lại ở một danh hiệu
Hành trình chinh phục danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” đối với Đình Tài không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực trong học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện thể chất, tình nguyện và hội nhập, mà còn là minh chứng cho tinh thần không ngừng vươn lên của tuổi trẻ. Với Tài, danh hiệu này không đơn thuần là một cột mốc, mà còn là động lực để tiếp tục học hỏi, cống hiến và khám phá những giới hạn mới của bản thân.

Đình Tài chủ tọa phiên họp trong hội nghị mô phỏng.
Trên hành trình phát triển, Tài không bó buộc mình trong một lộ trình cố định mà lựa chọn sự linh hoạt, sẵn sàng đón nhận thử thách trong nhiều lĩnh vực, từ nghiên cứu chính sách đến môi trường ngoại giao hay bất kỳ cơ hội nào giúp bản thân trưởng thành hơn. Với Tài, thành công không chỉ nằm ở việc đi đúng một con đường, mà quan trọng hơn, đó là quá trình bền bỉ tích lũy, khám phá và hoàn thiện mình qua từng trải nghiệm.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Tài mong muốn gửi đến thế hệ trẻ một thông điệp: “Cứ đi rồi sẽ đến”. Dám dấn thân, dám sai và dám học hỏi, đó chính là chìa khóa để mỗi người tìm thấy hướng đi phù hợp với mình. Thành công không chỉ dành cho những ai xuất sắc nhất, mà thuộc về những người luôn giữ vững đam mê, kiên trì tiến về phía trước và không ngừng nỗ lực để tạo ra giá trị cho bản thân và cộng đồng.