Nhiều giải pháp thiết thực giúp đỡ hộ nghèo ở Mai Sơn

Với phương châm 'không để ai bị bỏ lại phía sau', huyện Mai Sơn đã tập trung triển khai hỗ trợ những hộ có hoàn cảnh khó khăn xóa nhà tạm, nhà dột nát, tạo việc làm để các hộ nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Lãnh đạo huyện Mai Sơn chuyển trao kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm của Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex cho các hộ nghèo.

Lãnh đạo huyện Mai Sơn chuyển trao kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm của Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex cho các hộ nghèo.

An cư để lạc nghiệp

Anh Tòng Văn Chung, bản Buốt Văn, xã Chiềng Kheo là hộ nghèo, bị khuyết tật, 2 con còn nhỏ, vợ là lao động chính trong gia đình. Nhiều năm qua, gia đình anh sống trong căn nhà dột nát, mỗi khi mưa gió, lại nơm nớp lo sợ nhà bị sập, đổ. Năm 2024, niềm vui đến, khi gia đình anh được huyện Mai Sơn hỗ trợ 50 triệu đồng, cùng sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh em họ hàng, dân bản, anh xây được ngôi nhà cấp 4, diện tích 54 m2.

Trong ngày bàn giao ngôi nhà mới, anh Tòng Văn Chung xúc động: Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ xây được nhà kiên cố như hiện nay. Được cấp ủy, chính quyền các cấp và bà con trong bản hỗ trợ tiền, công sức làm cho ngôi nhà mới, tôi rất cảm ơn.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Chiềng Kheo, cho biết: Thực hiện phong trào “Mai Sơn chung tay xóa nhà tạm”, qua rà soát, xã có 18 nhà tạm cần được hỗ trợ. Ngay từ đầu năm, Đảng ủy xã ban hành nghị quyết giao UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội phân công nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch cụ thể từng tháng, từng hộ. Thực hiện bình xét chế độ ưu tiên hộ thực sự khó khăn, người già neo đơn, người khuyết tật, công khai dân chủ. Từ đầu năm đến nay, xã đã hỗ trợ xóa được 12 nhà tạm cho hộ nghèo.

Còn tại xã Chiềng Chăn, năm 2024, xã đã xóa được 7 nhà tạm. Ông Lò Văn Hưởng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, cho biết: Cùng với kinh phí hỗ trợ, xã vận động nhân dân đóng góp vật liệu xây dựng, ngày công lao động, vì vậy, kinh phí làm một căn nhà theo tiêu chí “3 cứng” đã giảm xuống, với mức 50 -100 triệu đồng, các hộ nghèo đã có điều kiện xây được nhà ở kiên cố.

Lãnh đạo huyện Mai Sơn trao nhà "Đại đoàn kết" cho hộ nghèo xã Chiềng Kheo.

Lãnh đạo huyện Mai Sơn trao nhà "Đại đoàn kết" cho hộ nghèo xã Chiềng Kheo.

Quá trình thực hiện, các xã trên địa bàn huyện Mai Sơn làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp rà soát đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, hiện trạng nhà ở, nhu cầu của hộ dân, đảm bảo đúng quy trình hướng dẫn. Các tổ công tác của huyện phối hợp với các xã kiểm tra thực tế, đến từng nhà tổng hợp phương án làm nhà, phân công cán bộ phụ trách. Các hộ xây dựng nhà ở mới đảm bảo diện tích sử dụng với tiêu chuẩn “3 cứng”.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mai Sơn, cho biết: Với quy trình chặt chẽ, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công bằng, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, tiêu cực, thất thoát lãng phí. Từ năm 2022 đến nay, huyện đã huy động được 57,36 tỷ đồng, xóa được 566 nhà. Phấn đấu đến hết nhiệm kỳ hoàn thành công tác xóa nhà tạm cho hộ nghèo, đảm bảo điều kiện về đất đai.

Doanh nghiệp đồng hành giúp các xã vùng III

“Doanh nghiệp chung tay cùng cấp ủy, chính quyền giúp đỡ các xã vùng III vươn lên thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn” là một trong 12 chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy Mai Sơn về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Huyện ủy đã thành lập Tổ công tác; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, quán triệt đến cơ sở. Chỉ đạo 10 xã vùng III, vùng đặc biệt khó khăn rà soát, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và đề xuất, kiến nghị phương án hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế của từng xã.

Nông dân xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, chăm sóc vườn thanh long.

Nông dân xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, chăm sóc vườn thanh long.

Đồng chí Hà Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Tổ trưởng Tổ công tác, cho biết: Trên cơ sở kết quả rà soát, đề xuất của các xã, Tổ công tác đã làm việc với từng xã, kiểm tra thực địa, khâu nối với các doanh nghiệp, HTX để huy động kinh phí hỗ trợ nhân dân. Tập trung hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng; áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân; giới thiệu việc làm cho các hộ thiếu đất sản xuất; hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ, nuôi nhốt chuồng theo hướng hiệu quả, bền vững.

Từ năm 2022 đến nay, huyện kết nối Công ty cổ phần Chế biến nông sản BHL Sơn La và Công ty cổ phần Mía đường Sơn La xây dựng vùng nguyên liệu mía, sắn, có phương án hỗ trợ, có cam kết bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân. Đến nay, 10 xã vùng III của huyện trồng 1.880 ha sắn và 2.100 ha mía.

Ông Lò Văn Nam, xã Chiềng Lương, cho biết: Gia đình tôi trồng gần 1 ha mía. Từ ngày ký kết hợp đồng với Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, gia đình tôi chỉ phải bỏ công trồng và chăm sóc. Giống, vật tư phân bón, thuốc trừ sâu đều được Công ty cho ứng trước, đến vụ thu hoạch mía, người dân mới phải trả tiền đầu tư cho công ty.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, bộ mặt nông thôn ở các xã trên địa bàn huyện Mai Sơn có nhiều khởi sắc. Tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn có bước phát triển, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được triển khai, nhân rộng. Đời sống nhân dân ngày càng nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 6,29%/xã, đạt 125,8% kế hoạch; có 3 xã Chiềng Mai, Chiềng Dong, Chiềng Lương cơ bản thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn.

Bằng những hoạt động thiết thực, phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn huyện Mai Sơn đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/nhieu-giai-phap-thiet-thuc-giup-do-ho-ngheo-o-mai-son-rGzopd4HR.html