Nhiều giải pháp thúc đẩy giảm nghèo bền vững

ĐTO - Nhằm đánh giá khách quan, toàn diện kết quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (GNBV) trên địa bàn, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức Hội thảo công tác GNBV giai đoạn 2021 - 2025. Hội thảo đã tiếp thu nhiều kinh nghiệm, cách làm hay từ đại diện các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cũng như một số gợi ý về giải pháp từ Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH). Đây là những cứ liệu quan trọng giúp tỉnh Đồng Tháp định hướng các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hiệu quả công tác GNBV những năm tiếp theo...

Đồng chí Phạm Việt Công - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp thông tin kết quả thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh

Đồng chí Phạm Việt Công - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp thông tin kết quả thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh

Chia sẻ nhiều cách làm hay

Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả trong công tác giảm nghèo như: mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững; xây dựng mô hình liên kết giữa các đơn vị trong giải quyết việc làm; xác định giải pháp hỗ trợ sinh kế là nhiệm vụ then chốt trong GNBV...

Trong những năm qua, TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm gắn kết giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế giúp GNBV cho người dân địa phương. Ngay từ đầu giai đoạn 2021 - 2025, Thành ủy Cần Thơ ban hành các nghị quyết về chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; chương trình giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm. UBND TP Cần Thơ trình Hội đồng nhân dân TP Cần Thơ ban hành các chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, việc làm, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

Trên cơ sở đó, UBND TP Cần Thơ chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp gắn kết giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế giúp GNBV, nhất là phát huy hiệu quả hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn trong đào tạo nghề cho người dân. Hiện nay, TP Cần Thơ có 69 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quy mô đào tạo khoảng 50.000 người/năm với 84 nghề trình độ cao đẳng, trung cấp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động xây dựng, điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh, đào tạo theo hướng mở và đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo; đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để bảo đảm việc làm cho người học. Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ tham mưu, đề xuất xây dựng mô hình liên kết 3 bên: cơ sở giáo dục nghề nghiệp - doanh nghiệp - trung tâm dịch vụ việc làm nhằm tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các đơn vị trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Theo đồng chí Phan Quỳnh Dao - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, từ năm 2021 đến nay, TP Cần Thơ đã đào tạo nghề cho 174.242 người, có việc làm sau đào tạo bình quân đạt 75 - 80% tổng số người tốt nghiệp. Đặc biệt, một số nghề ở trình độ cao đẳng có tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường đạt trên 90%, từ đó đã tác động rất lớn trong công tác GNBV trên địa bàn. Đầu giai đoạn 2021 - 2025, TP Cần Thơ có 2.913 hộ nghèo (chiếm 0,8%), 9.143 hộ cận nghèo (chiếm 2,5%). Đến cuối năm 2023, hộ nghèo giảm còn 764 hộ (chiếm 0,21%), hộ cận nghèo giảm còn 5.888 hộ (chiếm 1,59%), vượt chỉ tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân TP Cần Thơ giao hàng năm và hầu như không có hộ tái nghèo.

Đối với tỉnh Cà Mau, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia GNBV giai đoạn 2021 - 2025, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo. Đặc biệt, địa phương có cách làm hay là xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp, tạo sinh kế và thu nhập ổn định cho người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh đầu tư xây dựng trên 200 mô hình, dự án giảm nghèo cho khoảng 2.443 hộ dân tham gia, tổng kinh phí hơn 58 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ và vốn đối ứng ngân sách tỉnh).

Đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau chia sẻ giải pháp hỗ trợ sinh kế trong công tác giảm nghèo bền vững

Đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau chia sẻ giải pháp hỗ trợ sinh kế trong công tác giảm nghèo bền vững

Đồng chí Nguyễn Thu Tư - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, cho biết: “Việc hỗ trợ các mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn được sự chỉ đạo tâm huyết của các cấp ủy, chính quyền và sự hưởng ứng tích cực của người dân. Nhiều hộ đã tập trung xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập khá, có ý chí quyết tâm, chăm chỉ làm ăn để vươn lên thoát nghèo bền vững. Một số mô hình mang lại hiệu quả như: nuôi heo, nuôi bò, nuôi chồn hương, sò huyết... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, cận nghèo của địa phương. Giai đoạn 2021 đến nay, tỉnh Cà Mau giúp 4.669 hộ thoát nghèo (bình quân giảm 0,38% hộ nghèo/năm); thu nhập bình quân đầu người đạt 68,4 triệu đồng/người/năm, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh tăng trưởng bình quân từ 6,5 - 7%/năm...”.

Giải pháp thúc đẩy giảm nghèo bền vững

Cùng với các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Đồng Tháp triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia GNBV giai đoạn 2021 - 2025 đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo đồng chí Phạm Việt Công - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp, đầu giai đoạn 2022 - 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều của tỉnh là 8,22%, với 13.971 hộ nghèo (chiếm 3,13%) và 22.767 hộ cận nghèo (chiếm 5,09%). Đến cuối năm 2023 còn 1,51% và ước đến cuối năm 2025 còn dưới 1%. Theo chuẩn Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân giai đoạn 2021 - 2024 ước đạt 0,65%/năm và cả giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 0,56%/năm (vượt chỉ tiêu Chính phủ giao giảm 0,4%/năm và vượt chỉ tiêu Kết luận số 250 Tỉnh ủy còn dưới 3,0%). Thu nhập bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2023 tăng 1,41 lần so với năm 2020 (tương đương 24,24 triệu đồng/người/năm), dự kiến đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020, đạt chỉ tiêu đề ra (tương đương 30,9 triệu đồng/người/năm)...

Bên cạnh những mặt tích cực, việc triển khai công tác GNBV tại các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Nhất là tỷ lệ giải ngân vốn cho các dự án, tiểu dự án gặp vướng mắc về cơ chế, quy định; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn chưa đạt yêu cầu đề ra... Với mục tiêu giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, góp phần nâng cao hiệu quả nhiệm vụ giảm nghèo, các đại biểu dự hội thảo tập trung thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát huy kết quả đạt được, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế và khó khăn. Trong đó, cụ thể như: cần xác định rõ, chính xác nguyên nhân nghèo, xác định đúng hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong công tác giảm nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về Chương trình mục tiêu Quốc gia GNBV; khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo, không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Cùng với đó, tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo và những người tham gia thực hiện các nội dung của chương trình, dự án để hỗ trợ người nghèo; cung cấp kiến thức, giúp hộ nghèo, cận nghèo biết cách làm ăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và làm dịch vụ để phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo...

Đồng chí Phạm Hồng Đào - Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, chia sẻ một số định hướng nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn tới

Đồng chí Phạm Hồng Đào - Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, chia sẻ một số định hướng nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn tới

Chia sẻ một số định hướng nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo giai đoạn tới, đồng chí Phạm Hồng Đào - Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH), đề nghị các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn phân bổ từ Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia GNBV giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh ngân sách được hỗ trợ, các địa phương cần huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện chương trình, góp phần đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời phối hợp hiệu quả việc lồng ghép thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia GNBV giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn. Đặc biệt, quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong công tác GNBV...

Lê Thanh

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/nhieu-giai-phap-thuc-day-giam-ngheo-ben-vung-125643.aspx