Nhiều giải pháp thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra
Sáng 25-12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia chủ đề 'Giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ'.
Hội thảo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức.
Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương; Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản; Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm thảo luận, tổng kết những kết quả đạt được sau nửa nhiệm kỳ, đề ra những giải pháp nhất là trong tổ chức thực hiện để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII trong giai đoạn từ nay đến hết nhiệm kỳ. Đặc biệt, hội thảo còn góp phần tham gia việc tiến hành tổng kết 40 năm đổi mới và xây dựng dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Điểm nhấn nổi bật của nhiệm kỳ XIII là việc ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Đây là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ về phát triển vùng – một vấn đề có ý nghĩa chiến lược và mang tư duy đổi mới cả về lý luận và thực tiễn, đã được nêu ra từ nhiều năm trước nhưng chưa thực hiện được bao nhiêu.
Trong thời kỳ khó khăn của nền kinh tế và dịch Covid-19, chúng ta đã đảm bảo được an sinh xã hội, an ninh và an toàn cho nhân dân. Các chính sách xã hội đã được quyết liệt triển khai với tinh thần tất cả vì nhân dân; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Nhờ đó, đời sống của nhân dân được bảo đảm và tiếp tục cải thiện.
“Một điểm nổi bật trong nửa đầu nhiệm kỳ là Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được tổ chức rất thành công, tạo nền tảng vững chắc để chấn hưng văn hóa quốc gia - để văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực quan trọng và nguồn lực nội sinh để phát triển nhanh, bền vững đất nước” - đồng chí Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các trong hệ thống chính trị. Ban Tổ chức hội thảo nhận được hơn 50 tham luận của các nhà khoa học, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương. Hội thảo có 2 phiên gồm phiên tham luận, phát biểu và phiên thảo luận bàn tròn.
Các tham luận và nhiều ý kiến trình bày tại hội thảo có những đánh giá khách quan, toàn diện, tác động nhiều chiều đối với kết quả đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ, trong đó có minh chứng sinh động từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tại các địa phương, ngành.
Các đại biểu đề cập những nguyên nhân, hạn chế, điểm nghẽn trong thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm nửa nhiệm kỳ vừa qua. Các quan điểm, chủ trương của Đảng vẫn chậm được cụ thể hóa và thể chế hóa đồng bộ thành các chương trình và kế hoạch hành động. Công tác xây dựng, hoàn thiện luật pháp, chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa có đột phá trong khâu triển khai thực hiện. Trong đó, có khó khăn, vướng mắc trong huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế và thực hiện các chính sách xã hội; chậm triển khai thực hiện một số chính sách phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội…
Từ nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, các đại biểu tập trung đề xuất, lý giải những giải pháp quan trọng, cơ bản để trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ sẽ thực hiện thành công 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra trong các lĩnh vực.
Đó là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ; thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; tăng cường quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu cũng nêu ý kiến, thảo luận bàn tròn về tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh mục tiêu phát triển bền vững; thúc đẩy phát triển kinh tế số; các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, đưa ra một số giải pháp kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh.
Nội dung của hội thảo khoa học quốc gia “Giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ” là hoạt động thiết thực, gợi mở một số vấn đề lý luận và kết quả tổng kết thực tiễn, đóng góp cho việc xây dựng Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.