Nhiều giải pháp xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp

Trong những năm gần đây, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp trong việc bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Nhờ những chủ trương đúng đắn, cách làm linh hoạt và sự chung tay của cộng đồng, diện mạo của huyện đã có những thay đổi tích cực.

CHỈ ĐẠO QUYẾT LIỆT CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TU ngày 7-7-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang về tiếp tục lãnh đạo thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Gò Công Tây ban hành Kế hoạch 90-KH/HU ngày 28-7-2023 về thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TU. UBND huyện ban hành Kế hoạch 237/KH-UBND ngày 25-10-2023 về tiếp tục lãnh đạo thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Gò Công Tây.

Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo UBND huyện phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện ban hành Kế hoạch 102/KH-UBND-MTTQ ngày 7-6-2022 về thực hiện phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025 (gọi tắt Kế hoạch 102) và đã tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch này đến Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn nhằm đưa hoạt động này dần đi vào nền nếp. Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo tổ chức công tác phân loại, xử lý rác tại cơ quan mình và vận động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại đơn vị nghiêm túc thực hiện tốt việc phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình nơi mình sinh sống...

Trục vớt lục bình khơi thông dòng chảy các tuyến kinh, rạch.

Trục vớt lục bình khơi thông dòng chảy các tuyến kinh, rạch.

Trưởng Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Gò Công Tây Châu Anh Vũ cho biết, để tập trung triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, UBND huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường xây dựng các kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và chăn nuôi; kiểm tra tiếng ồn, vệ sinh môi trường đối với các cơ sở nuôi chim yến; các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và kiểm tra hoạt động khai thác đất để san lấp, xây dựng các công trình trên địa bàn huyện.

Phòng Tài Nguyên và Môi trường còn phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền trực quan lắp đặt 36 bảng pa nô tuyên truyền về bảo vệ môi trường với các nội dung: Không vứt, thải bỏ rác thải nơi công cộng; không xả chất thải xuống sông, kinh, rạch; trồng và chăm sóc cây xanh trên các tuyến đường giao thông… Qua tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân đối với việc chung tay bảo vệ môi trường.

Công trình thanh niên huyện Gò Công Tây thực hiện Chiến dịch "Khát vọng xanh - Vì dòng sông sạch" lần II năm 2024.

Công trình thanh niên huyện Gò Công Tây thực hiện Chiến dịch "Khát vọng xanh - Vì dòng sông sạch" lần II năm 2024.

Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo các ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát, thống kê các kinh, rạch có dấu hiệu ô nhiễm trên địa bàn quản lý, có kế hoạch nạo vét để cải thiện chất lượng môi trường nguồn nước; thu gom rác thải trên các tuyến kinh, rạch bị ô nhiễm, tuyên truyền đến người dân không xả chất thải chưa đảm bảo quy chuẩn ra môi trường. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý môi trường theo thẩm quyền trên địa bàn quản lý, đặc biệt là kiểm tra, xử lý việc các hộ chăn nuôi xả thải ra kinh, rạch.

Tăng cường dọn rác, nạo vét khơi thông dòng chảy các tuyến kinh.

Tăng cường dọn rác, nạo vét khơi thông dòng chảy các tuyến kinh.

UBND huyện cũng đã đầu tư xây dựng và nâng cấp hầm xử lý nước thải của 7 chợ: Vĩnh Bình, Long Bình, Quới An, Thạnh An, Long Vĩnh, Thành Công và Bình Nhì; nạo vét hệ thống cống thoát nước của 9 chợ (Vĩnh Bình, Đồng Sơn, Bình Phú, Quới An, Thành Công, Bình Tân, Xóm Thủ, Bình Đông và Thạnh Lạc Đông) và 8 tuyến đường: Nguyễn Văn Côn, Trần Quốc Toản, Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng, Đặng Khánh Tình, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu và huyện lộ 12 nằm trước chợ Bình Tây)... bảo đảm khơi thông dòng chảy, không ô nhiễm môi trường, nguồn nước, đáp ứng nguyện vọng của người dân địa phương.

TĂNG CƯỜNG THU GOM, PHÂN LOẠI VÀ XỬ LÝ RÁC THẢI

Đối với việc thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, UBND huyện Gò Công Tây cùng các cơ sở, tổ chức đảng lãnh, chỉ đạo các đoàn thể, chính quyền huyện, xã đẩy mạnh tuyên truyền vận động và tổ chức đăng ký tới từng hộ gia đình; đồng thời, phân công cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên phụ trách để tham gia vận động và tổ chức thực hiện thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh huyện thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của huyện và các xã, thị trấn về thực hiện Kế hoạch 102… Qua đó, làm cho người dân hình thành thói quen xử lý rác tại nguồn, bỏ rác đúng ngày, đúng loại, đúng nơi quy định, không vứt rác ra đường, nhất là người dân biết tận dụng nguồn lợi từ các loại rác tái chế, tái sử dụng.

Theo số liệu báo cáo của UBND huyện Gò Công Tây, đến nay, số hộ dân trên đại bàn huyện đã ký cam kết thực hiện đúng quy trình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình là 35.243/35.243 hộ, đạt 100%; tỷ lệ phân loại rác thải và xử lý tại nguồn đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý đạt 100%; tỷ lệ thu gom rác thải nông thôn tại hộ gia đình đạt 99,5%. Khối lượng thu gom, trung bình 01 ngày thu gom khoảng 45 tấn rác sinh hoạt (bao gồm 23 tấn rác vô cơ và 22 tấn rác hữu cơ). Về tần suất thu gom: 4 lần/tuần (2 lần hữu cơ và 2 lần vô cơ).

Bên cạnh đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường và các xã, thị trấn của huyện tập trung hướng dẫn tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; trong đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đạt chuẩn môi trường, quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng phải lập hồ sơ môi trường theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10-1-2022 của Chính phủ trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 674 cơ sở đăng ký hồ sơ môi trường.

UBND huyện giao Phòng Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom rác vô cơ không tái chế để thu gom, mang đi xử lý đúng quy định. Đến nay, thu gom được 12 đợt với tổng khối lượng là 136.261 tấn rác vô cơ. Đồng thời, triển khai thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Bố trí từ năm 2018 đến nay được 647 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các xã, thị trấn và đơn vị xử lý chất thải nguy hại tiến hành thu gom được 15 đợt với khối lượng là 63,437 tấn và đem đi xử lý đúng quy định; đảm bảo thu gom 100% lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật phát sinh trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, nhằm tăng cường công tác vệ sinh và xây dựng cảnh quan môi trường đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp, UBND huyện đã phối hợp MTTQ huyện tiếp tục thực hiện mô hình “Chung tay xây dựng môi trường cơ quan, công sở, khu dân cư xanh - sạch - đẹp - an toàn” xây dựng huyện nông thôn mới. Vào 15 giờ mỗi buổi chiều thứ sáu hằng tuần, tất cả cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện ra quân dọn dẹp rác thải xung quanh, tham gia hưởng ứng mô hình. Riêng UBND các xã, thị trấn, ngoài vệ sinh ở cơ quan, hằng tuần còn chọn một con đường ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường ở hai bên các trục đường chính, xây dựng các tuyến đường trở thành tuyến đường văn hóa xanh, sạch.

Duy trì kiểm tra hằng tuần vệ sinh môi trường các tuyến đường hoa, ánh sáng quang, dòng kinh thông thoáng, thu gom, phân loại, xử lý rác thải; kiểm tra vệ sinh môi trường bên trong và bên ngoài các trường học, trạm y tế, chợ, trụ sở, nhà văn hóa ấp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và chăn nuôi có ảnh hưởng đến môi trường... Qua đó, nhắc nhở, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện vệ sinh môi trường nơi làm việc và cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Huyện Gò Công Tây triển khai nhiều mô hình trong thực hiện bảo vệ môi trường xanh - sạch -đẹp.

Huyện Gò Công Tây triển khai nhiều mô hình trong thực hiện bảo vệ môi trường xanh - sạch -đẹp.

Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Gò Công Tây luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhất là bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đồng thời, việc xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp được UBND huyện tập trung chỉ đạo thực hiện thường xuyên; có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn huyện, tạo cho Gò Công Tây một diện mạo sáng - xanh - sạch - đẹp, xứng tầm huyện nông thôn mới.

QUẾ ANH - KIM LAN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202410/chuyen-trang-giam-ngheo-ve-thong-tin-huyen-go-cong-tay-nhieu-giai-phap-xay-dung-moi-truong-xanh-sach-dep-1024080/