Nhiều giáo viên chưa bao giờ có một kì nghỉ hè trọn vẹn
Cuối tháng 5 hằng năm, trường tổng kết năm học, học sinh được nghỉ hè nhưng giáo viên vẫn phải làm rất nhiều việc.
Nhắc đến nghề giáo, nhiều người cho rằng nghề này khá nhàn nhã vì được nghỉ hè một thời gian khá dài (hiện nay là 2 tháng). Tuy vậy, là giáo viên dạy bậc trung học phổ thông công lập, chúng tôi chưa bao giờ có một kì nghỉ hè trọn vẹn dù chỉ là một tháng.
Giáo viên được nghỉ hè mấy tháng?
Ngày 21/10/2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông.
Theo đó, Điều 5 quy định thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên như sau:
Thời gian làm việc của giáo viên tiểu học trong năm học là 42 tuần, trong đó: 35 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học; 05 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới; 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.
Thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học là 42 tuần, trong đó: 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học; 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới; 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.
Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:
Thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm là 02 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có); Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động.
Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.
Như vậy, thời gian nghỉ hè của giáo viên là 02 tháng. Hiện không có quy định bắt buộc phải nghỉ hè từ 01 tháng 6 đến hết ngày 31 tháng 7.
Giáo viên đang phải làm việc xuyên hè
Là giáo viên bậc trung học phổ thông ở một tỉnh phía Nam, hàng chục năm nay, tôi và các đồng nghiệp phải làm việc xuyên hè, không được nghỉ hè theo quy định của pháp luật.
Cuối tháng 5 hằng năm, trường tổng kết năm học, học sinh được nghỉ hè nhưng giáo viên vẫn phải làm rất nhiều việc, thậm chí thời gian làm việc có khi kéo dài đến tận năm học mới.
Thứ nhất, đầu tháng 6, giáo viên bộ môn vào điểm ở sổ gọi tên và ghi điểm, vào điểm học bạ, riêng giáo viên chủ nhiệm còn phải tổng hợp học lực, hạnh kiểm, nhận xét học bạ.
Nếu trường nào số hóa hồ sơ thì giáo viên đỡ khổ, còn làm thủ công thì thầy cô phải mất khoảng 3-4 ngày, chưa kể sai sót phải chỉnh sửa, rất mất công.
Nếu có học sinh kiểm tra lại, khoảng giữa hoặc cuối tháng 6, giáo viên phải dạy ôn tập (miễn phí), sau đó ra đề, chấm bài kiểm tra, vô điểm, hoàn thiện hồ sơ, mất khoảng 2 tuần.
Thứ hai, đầu tháng 7, giáo viên coi thi tuyển sinh vào 10 mất 3 ngày, sau đó làm một số công việc khác liên quan đến kì thi.
Chẳng hạn, giáo viên tham gia đánh phách, ráp phách, so dò điểm khoảng 3 ngày. Giám khảo các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ chấm bài khoảng 1 tuần. Sau đó thầy cô có thể được cử chấm phúc khảo từ 1-2 ngày.
Thứ ba, giáo viên dạy khối 12 trên địa bàn tỉnh hầu như đều dạy ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh trong tháng 6, có khi kéo dài đến gần ngày thi đầu tháng 7.
Trường nào thỏa thuận được với phụ huynh thì giáo viên dạy có thù lao, còn không thầy cô cũng phải dạy nghĩa vụ, phụ đạo cho nhóm học sinh yếu. Hè năm học 2020-2021, giáo viên ở trường tôi dạy online hoàn toàn miễn phí cho học sinh lớp 12 đến hết tháng 6.
Thứ tư, đầu tháng 7, giáo viên phải làm nhiệm vụ coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông 3 ngày, thanh tra kì thi 4 ngày.
Tương tự như kì thi tuyển sinh 10, thầy cô có thể được điều động hỗ trợ công tác chấm thi, ví như đánh phách, ráp phách, so dò điểm, nhập điểm.
Riêng giáo viên môn Ngữ văn, sau kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông đa số thầy cô được điều động làm giám khảo, phúc khảo. Thầy cô dạy các môn thi trắc nghiệm thì được nghỉ dài ngày hơn.
Giám khảo chấm phúc khảo kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ mất 1-2 ngày, nhưng việc chấm bài thi tự luận môn Ngữ văn thì mất khoảng trên dưới 1 tuần - tầm 20/7 mới hoàn tất công việc.
Thứ năm, giáo viên tham gia học chính trị hè tập trung hết 3 ngày, sau đó làm bài thu hoạch. Chưa kể, thầy cô còn họp chi bộ, đảng bộ nếu là đảng viên. Ngoài ra, giáo viên còn phải tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.
Năm học 2022-2023 tới đây, lớp 10 học Chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy cô vừa bồi dưỡng các module, vừa tập huấn thay sách giáo khoa, thời gian kéo dài khoảng 2 tuần.
Thay lời kết
Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).
Và tại tại Bộ luật Lao động năm 2019 và Luật Giáo dục đều có quy định này. Trong thời gian nghỉ hè giáo viên được hưởng nguyên lương và phụ cấp nếu có.
Dĩ nhiên, giáo viên được điều động đi làm một số nhiệm vụ như coi thi, chấm thi thì được nhận thù lao nhưng nhiều nơi chi trả rất thấp khiến thầy cô không khỏi chạnh lòng.
Rất nhiều giáo viên, nhất là những thầy cô lớn tuổi muốn được nghỉ hè sau 9 tháng giảng dạy vất vả. Nhiều thầy cô cũng có nhu cầu về thăm quê, đi du lịch hay làm việc riêng trong thời gian hè nhưng rất khó.
Có thể nhận thấy, quy định hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hè hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý xem ra khó khả thi. Vậy nên, quy định thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm là 02 tháng rất khó thực hiện đúng.