Nhiều giáo viên Trường quốc tế Mỹ vẫn chưa nhận đủ lương nên nghỉ dạy
Sau khi 542 phụ huynh học sinh (PHHS) chuyển vào số tài khoản 3 bên (gồm Sở GD&ĐT, nhà trường và phụ huynh) 21,7 tỷ đồng (tính đến chiều 2/4) để trả lương cho giáo viên Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN), nhưng một số giáo viên vẫn chưa nhận đủ lương nên nghỉ dạy.
Tại cuộc họp giữa đại diện Sở GD&ĐT với Trường AISVN và 4 PHHS vào chiều 5/4, ông Hồ Quang Trung, Thành viên Hội đồng trường AISVN cho biết, tình hình tài chính của nhà trường gặp nhiều khó khăn, nhà trường đã nêu ra nhiều phương án để mời gọi nhà đầu tư vào hợp tác nhằm mục đích duy trì hoạt động của trường. Nhà trường đã cam kết về số tiền hỗ trợ, đối với số tiền phụ huynh đã đóng, đang có hướng phát hành cổ phiếu đến phụ huynh.
Ông Trung cũng cho hay, nhà trường đang thực hiện chấm công tháng 3 cho đội ngũ nhân sự. Nhà trường đã thực hiện duyệt lệnh trả lương cho đội ngũ (15h ngày 4/4/2024) nhưng do ngân hàng báo là lỗi hệ thống nên nhân sự chưa nhận được.
Về việc giáo viên nghỉ ngày 5/4/2024, tất cả nhân sự nghỉ là bộ phận phục vụ, một số chưa nhận lương do lỗi của hệ thống. Sáng cùng ngày, một số giáo viên gửi email yêu cầu nhà trường trả lương tháng 3/2024.
Hiệu trưởng nhà trường là bà Chandra McGowan cho biết, 2 - 3 giáo viên từ chối quay lại trường cho đến khi nhận hết lương tháng 3/2024. Hiện có 2 giáo viên chưa thực hiện hồ sơ nghỉ việc nên nhà trường chưa thực hiện phân bổ cụ thể. Các lớp thiếu giáo viên, nhà trường chuyển học sinh xuống phòng thư viện và tự học theo sự giám sát của quản thư (chỉ được học môn toán). Có 5 giáo viên đã ngừng công tác, nhà trường sẽ rà soát lại đội ngũ giáo viên sau kỳ trả lương tháng 3/2024. Có khoảng 15 giáo viên nghỉ với nhiều lý do khác nhau.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, một PHHS cho hay: “Tôi có con đang học lớp 9 tại trường. Tôi có theo dõi việc đóng góp từ phụ huynh cho nhà trường, theo cảm nhận của tôi thì phụ huynh sẵn sàng đóng góp. Tuy nhiên, một số giáo viên chưa nhận được đầy đủ tiền lương, tôi đề nghị nhà trường thực hiện đầy đủ tiền lương cho giáo viên trong tuần này. Đề nghị nhà trường đưa ra phương án tái cấu trúc cụ thể (trong 2 tuần hoặc 1 tháng) cho tất cả phụ huynh học sinh, từ đó phụ huynh mới tin tưởng để tham gia đóng góp cho nhà trường. Việc đóng tiền các dịch vụ của nhà trường, tôi nhận thấy còn rất lỏng lẻo nên việc yêu cầu đóng tiền, nhà trường không thực hiện được”.
Còn bà Lê Nhật Yến (PHHS) cho biết: “Trong phương án nhà trường trình là 4 tỷ đồng vào tài khoản của tổ công tác nhưng tôi chưa thấy. Nhà trường cần có biện pháp để thông tin đến phụ huynh. Các bảng về tài chính, số học sinh tôi thấy chưa có cụ thể theo thực tế”.
Về số tiền bà Yến nói, bà Nguyễn Thị Kiều Tiên, kế toán của Trường AISVN cho biết đang chốt thời gian với bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường để thực hiện việc chuyển khoản 4 tỷ đồng. Khi phụ huynh tham gia đóng góp để nhà trường hoạt động và tài khoản (tổ giám sát) đã có một số tiền thì nhà trường lại chậm trễ trong công việc, từ đó một số phụ huynh không còn tin tưởng nhà trường và không tiếp tục đóng góp.
Bà Trần Phương Anh, đại diện phụ huynh giám sát hoạt động trường cho biết: “Nhà trường bị mất lòng tin từ phụ huynh là do nhà trường không đưa ra được phương hướng hoạt động lâu dài đối với phụ huynh. Tôi cảm thấy việc kêu gọi đóng tiền từ phía phụ huynh là rất khó. Phụ huynh không thể nào đóng tiền (đến hạn hợp đồng) vì họ không nhìn thấy rõ phương hướng hoạt động của nhà trường. Nhà trường đã lập phương án dự phòng chưa? Đề nghị nhà trường đưa ra kế hoạch của chương trình học IB và các phương án dự phòng đến tất cả phụ huynh. Nhà trường phải thực hiện gấp bảng chấm công cho đội ngũ nhân sự để tổ giám sát thực hiện được thuận lợi và đúng quy định...”.
Theo bà Tạ Thị Minh Thư, Trưởng phòng Quản lý chất lượng giáo dục ngoài công lập, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, Sở tiếp nhận danh sách 28 phụ huynh đồng ý đóng tiền nhưng còn băn khoăn, nhà trường có tái cấu trúc không, có cơ quan giám sát thu chi không, mọi thứ minh bạch như thế nào...?
Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố cho biết, mọi thứ cần phải được công khai để phụ huynh được nắm. Đề nghị nhà đầu tư sớm có phương án cụ thể về việc tái cấu trúc trước ngày 15/5.
“Vai trò của Sở chỉ giám sát, quan trọng là nhân sự phải chi đúng người, công bố xin ý kiến phụ huynh. Tháng 3, tháng 4 phải chi trên số liệu thực tế, tiết kiệm, thật sự thiết yếu. Mong muốn của Sở GD&ĐT là đảm bảo cho các em học sinh được học. Góc độ cơ quan quản lý Nhà nước sẽ cùng đồng hành, giám sát, hướng dẫn nhà trường để cùng nhau đảm bảo việc học tập của các em học sinh. Đề nghị nhà trường có lộ trình hàng tuần, cụ thể, chi tiết để phụ huynh đồng lòng, chung tay trong giai đoạn hiện nay”, bà Lê Thụy Mỵ Châu nhấn mạnh.