Nhiều gợi ý hữu ích để hoàn thiện pháp luật về phát triển năng lượng
Tại Hội thảo do Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021' vừa tổ chức, các ý kiến đều cho rằng, nước ta đã bước đầu hình thành hệ thống chính sách, pháp luật khá đồng bộ, thống nhất đối với lĩnh vực phát triển năng lượng, nhưng cũng có một số 'lỗ hổng', chưa đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Quy định pháp luật chưa thực sự hoàn thiện
Năng lượng vừa là ngành sản xuất, vừa là cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế, tạo động lực cho quá trình phát triển đất nước. Do tầm quan trọng của ngành năng lượng, Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng đã đề ra yêu cầu phát triển năng lượng đi trước một bước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn năng lượng quốc gia. Nhiều năm qua, Đảng ta đã có các chủ trương, chính sách và sự quan tâm chỉ đạo ngành năng lượng về nhiều mặt, bám sát phương châm, yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ IX.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước đã kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng về phát triển năng lượng. Hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đã khá đồng bộ, thống nhất, đã có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các phân ngành năng lượng và các nhóm quan hệ lớn trong từng phân ngành.
Tuy nhiên, năng lượng là một ngành rộng và chuyên sâu, công tác quản lý nhà nước liên quan đến nhiều bộ, ngành và được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Do vậy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng chỉ rõ, các quy định pháp luật điều chỉnh lĩnh vực năng lượng nói chung và từng phân ngành nói riêng chưa thật toàn diện, đồng bộ, thể hiện cụ thể ở ngành điện hay phân ngành dầu khí. Cùng với đó, còn có sự chồng chéo, thiếu đồng bộ trong văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh một số phân ngành năng lượng; tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, nghị định còn xảy ra nhiều; một số văn bản chưa tương thích với công ước quốc tế mà nước ta tham gia…
Ngay với Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - đạo luật được đánh giá đã để lại dấu ấn tích cực với toàn xã hội và quá trình thực hiện đã mang lại một số kết quả cụ thể - nhưng Chủ tịch Hiệp hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm Nguyễn Đình Hiệp đánh giá vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn một số bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện Luật. Ví dụ, các cơ sở sử dụng năng lượng chưa tuân thủ nghiêm quy định pháp luật, thực hiện còn hình thức, mang tính đối phó trong công tác lập kế hoạch, báo cáo kiểm toán năng lượng; số lượng đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm thuộc điều chỉnh của Luật này còn quá ít so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.
Liên quan đến Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Luật đã có quy định khuyến khích các hình thức dịch vụ năng lượng, nhưng đến nay vẫn chưa có khung pháp lý cho mô hình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất tiết kiệm năng lượng. Giới thiệu mô hình công ty dịch vụ năng lượng áp dụng phổ biến trên thế giới, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm cho biết, tại nước ta chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện dịch vụ này, trong khi ở nhiều nước trên thế giới có hàng trăm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ năng lượng. Do vậy, chuyên gia cho rằng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho mô hình công ty dịch vụ năng lượng phát triển, từ đó tạo kênh huy động hữu hiệu, thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này.
Cần chính sách đủ dài và tương đối ổn định
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu, nên hiện đã và đang có những hành động để đóng góp vào nỗ lực giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu. Gần đây nhất là cam kết tại Hội nghị COP26 với mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ngành năng lượng đóng góp phần lớn vào phát thải quốc gia nhưng lại là một ngành không thể thiếu cho phát triển kinh tế. Làm thế nào để có thể đạt được mục tiêu kép phát triển năng lượng đi đôi với bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính với chi phí tốt nhất là vấn đề hiện đang đặt ra không chỉ cho ngành năng lượng Việt Nam mà còn cho tất cả các quốc gia trên thế giới. TS. Nguyễn Hoàng Lan, Viện Kinh tế và Quản lý Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, để giải bài toán này cần có các giải pháp kỹ thuật, công nghệ cũng như các giải pháp về mặt thị trường, trong đó phát triển thị trường các bon là cần thiết giúp cho việc giảm phát thải khí nhà kính.
Nhìn ở góc rộng hơn, TS. Phạm Cảnh Huy, Viện Kinh tế và Quản lý Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, vấn đề tạo động lực cho phát triển năng lượng tái tạo đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của các quốc gia trên thế giới. Dù nước ta đã có nhiều chính sách, pháp luật để khuyến khích và phát triển năng lượng tái tạo, song thị trường năng lượng tái tạo cần có các chính sách đủ dài và tương đối ổn định, với thủ tục pháp lý rõ ràng để thu hút nhà đầu tư. Đối chiếu với các yêu cầu này, TS. Phạm Cảnh Huy nhận thấy, cơ chế khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo của nước ta chưa có định hướng lâu dài, còn nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau; cơ chế giá điện FIT đã cho thấy rõ một số bất cập trong quá trình thực thi… “Phương án tối ưu nhất là xây dựng luật điều chỉnh với năng lượng tái tạo trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia, rà soát thực tế áp dụng pháp luật của nước ta”, TS. Phạm Cảnh Huy đề nghị.
Hội thảo “Hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021,Giải pháp hoàn thiện” được Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về việc thực hiện hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành có liên quan đến lĩnh vực này. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nhận thấy, các ý kiến tại Hội thảo đã đưa ra bức tranh tương đối toàn diện và đầy đủ về hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực phát triển năng lượng. Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ là căn cứ quan trọng và sẽ được tổng hợp để Đoàn giám sát nghiên cứu trong đợt giám sát chuyên đề sắp tới.