Nhiều góp ý sát thực tế cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Chiều 6-3, Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại hội nghị, đa số các đại biểu đều cho rằng, Luật Đất đai là một trong số các luật có tác động to lớn đến sự phát triển của đất nước về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cũng như đối với đời sống của người dân. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã kế thừa Luật Đất đai trước đây, đồng thời có giảm bớt và bổ sung một số điều khoản quan trọng, phù hợp với điều kiện thực tế.

Từ nội dung dự thảo luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các quy định về thu hồi, trưng dụng đất để đảm bảo công khai, minh bạch, giảm khiếu nại tại Chương VI dự thảo; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (Chương IX); đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính về đất đai, giá đất; chế độ sử dụng các loại đất; giám sát; thanh tra, kiểm tra; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai...

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, PGS.TS Phạm Hữu Tiến, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường quan tâm đến các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng - an ninh và để phát triển kinh tế - xã hội. PGS.TS Phạm Hữu Tiến đề nghị cần thực hiện nghiêm việc công khai, công bố quy hoạch, kế hoạch (trừ trường hợp đặc biệt vì an ninh quốc phòng) sử dụng đất và thu hồi đất, đồng thời, có cơ chế xử lý nghiêm không chỉ đối với người dân không tuân thủ các quy định pháp luật, mà còn đối với những cá nhân và cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện đúng các quy định trong luật.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Liên quan đến chế độ sử dụng đất đa mục đích, đất xây dựng công trình ngầm, trên không, PGS.TS Vũ Hào Quang, nguyên giảng viên Khoa Triết - Đại học Tổng hợp Hà Nội kiến nghị, tại Điều 83 quy định về thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, tại khoản 3 cần sửa “Người có đất thu hồi” thành “Người có đất bị thu hồi”. Đồng thời, về chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số, tại khoản 3 Điều 17 quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số cũng cần nói rõ “chính sách khung về hỗ trợ diện tích đất đai” mà không chỉ là “chính sách khung về hỗ trợ đất đai”.

Đề cập đến việc thu hồi đất, đặc biệt là với đất nông nghiệp, GS Trần Đình Long, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường đề nghị, nội dung này cần được quy định trong dự thảo Luật theo hướng bảo đảm người nông dân không phải chịu thiệt thòi khi bị thu hồi đất.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng nhấn mạnh, phân tích sâu về nguyên tắc công khai, minh bạch trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cơ chế để người dân giám sát kết quả xử lý vi phạm về đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất nói chung, trong đó có các quy định đối với quyền và nghĩa vụ của từng nhóm chủ thể sử dụng đất...

Tiếp thu những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu tham dự hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài nhấn mạnh, các ý kiến sẽ được tiếp thu đầy đủ và thể hiện trong báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Báo cáo sẽ được Ban Thường trực gửi đến Chính phủ và các cơ quan có liên quan nhằm điều chỉnh nội dung dự luật cho phù hợp với tình hình thực tế.

Hiền Phương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1057454/nhieu-gop-y-sat-thuc-te-cho-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi