Nhiều hạn chế, tồn tại trong quản lý, sử dụng đất đai tại TP Cần Thơ

Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra số 138/KL-TTCP (KLTT) ngày 17/4/2025 về thanh tra công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng đất đai tại TP. Cần Thơ.

Nhiều dự án giao cho UBND cấp huyện làm chủ đầu tư chưa phù hợp

Theo KLTT, trong thời kỳ thanh tra (từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/12/2022), UBND TP. Cần Thơ đã phê duyệt 155 đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị các loai.

Trên cơ sở quy định của pháp luật, UBND TP. Cần Thơ và các sở đã ban hành nhiều văn bản về cơ chế, chính sách, hướng dẫn liên quan đến công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng cũng như tổ chức về lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; có sự phân cấp trong quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng.

Độ phủ quy hoạch chung đạt tỷ lệ phủ 100% quy hoạch chung đô thị và quy hoạch chung xã; tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được cải thiện và ngày càng tăng. Công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm liên quan đến quy hoạch xây dựng được quan tâm thực hiện.

Một góc TP. Cần Thơ

Một góc TP. Cần Thơ

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, Thanh tra chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong thời kỳ thanh tra tại TP. Cần Thơ.

Cụ thể, UBND TP. Cần Thơ chậm ban hành quy định, cơ chế, chính sách, hướng dẫn, tổ chức về lập quy hoạch, quản lý, thực hiện quy hoạch xây dựng; thiếu kiểm tra. chậm trễ trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị…

Hệ quả là có 3 khu vực chưa lập quy hoạch phân khu theo định hướng quy hoạch chung; 5/9 đồ án quy hoạch chi tiết được thanh tra thiếu thành phần hồ sơ; 9/9 đồ án quy hoạch chưa thực hiện rà soát quy hoạch theo định kỳ; chậm thực hiện việc rà soát, xử lý 97 đồ án quy hoạch, (vi phạm quy định tại Điều 46 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Điều 15 Luật Xây dựng năm 2024).

Về công tác quản lý đầu tư xây dựng, trong thời kỳ thanh tra, TP. Cần Thơ thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công chậm; nhiều dự án được UBND TP. Cần Thơ giao cho UBND cấp huyện làm chủ đầu tư chưa phù hợp.

Công tác lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế- dự toán xây dựng chưa đúng quy định; kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại một số dự án còn hạn chế, chưa phù hợp với quy định; có trường hợp chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu trước khi được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Chủ đầu tư đã ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh đơn giá nhân công, máy thi công không đúng quy định tại 21 gói thầu xây lắp thuộc 18 dự án đầu tư xây dựng. Chủ đầu tư các dự án chậm nộp 131 báo cáo quyết toán trên 24 tháng so với quy định; 55 dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt quyết toán nhưng chưa tất toán tài khoản…

Nhiều vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương

Thanh tra đã chỉ việc lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) của TP. Cần Thơ và các đơn vị hành chính cấp huyện chưa kịp thời; chất lượng quy hoạch chưa sát thực tế.

UBND TP. Cần Thơ không triển khai thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với một số dự án đầu tư có sử dụng đất (vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ); quyết định chủ trương đầu tư chậm so với quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2014.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ chậm kiểm tra, đôn đốc 7 chủ đầu tư nộp tiền ký quỹ đảm bảo đầu tư theo quy định với số tiền trên 193 tỷ đồng, (vi phạm quy định tại Điều 42 Luật Đầu tư và khoản 3 Điều 27 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ).

UBND TP. Cần Thơ chậm ban hành văn bản quy định mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định tại Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ, dẫn đến các dự án đã được UBND thành phố giao đất, cho thuê đất, cho chuyển mục đích sử dụng từ đất chuyên trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp trước ngày 09/9/2016 không được thu tiền bảo vệ, phát triển đất chuyên trồng lúa nước với số tiền trên 86,6 tỷ đồng.

UBND TP. Cần Thơ phân bổ nguồn thu từ tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa giai đoạn 2015-2022 không đúng quy định; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp 2.051 GCNQSDĐ cho 23 tổ chức kinh tế để thực hiện 26 dự án với thời hạn sử dụng lâu dài là vi phạm quy định tại Điều 126 Luật Đất đai năm 2013.

Thanh tra xác định, Cục Thuế TP. Cần Thơ miễn tiền sử dụng đất trong thời gian xây dựng cơ bản đối với dự án tổ hợp Đại học FPT và Công viên Phần mềm FPT Cần Thơ do Công ty cổ phần FPT làm chủ đầu tư là vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 46 Thông tư số 156/2013/TT-BTC, khoản 2 Điều 5 Thông tư số 333/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính và khoản 7 Điều 3 Nghị định số 123/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Việc Cục Thuế TP. Cần Thơ chưa thực hiện thủ tục chuyển từ thuê đất nộp tiền thuê đất hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần đối với diện tích mà chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng tại 4 khu công nghiệp (KCN) đã cho 29 nhà đầu tư thứ cấp thuê đất theo hình thức trả tiền một lần là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 149 Luật Đất đai năm 2013; tổng số tiền thuê đất trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê, tiền phạt chậm nộp tạm tính trên 123,5 tỷ đồng cần phải thu về ngân sách nhà nước theo quy định.

Chuyển vi phạm tại KCN Thốt Nốt (giai đoạn 3) sang cơ quan công an

Thanh tra đã chỉ ra hàng loạt hạn chế, tồn tại, vi phạm của chủ đầu tư hạ tầng KCN trên địa bàn trong thời kỳ thanh tra.

Cụ thể, Công ty Cổ phần KCN Sài Gòn-Cần Thơ là chủ đầu tư KCN Hưng Phú được nhà nước cho thuê đất 50 năm kể từ ngày 28/11/2008, nhưng trước đó chủ đầu tư đã cho Công ty Cổ phần Xây dựng Sài Gòn thuê đất là vi phạm quy định tại Khoản 7 Điều 2 Nghị định 17/2006/NĐ-CP.

Việc Trung tâm xây dựng hạ tầng KCN Thốt Nốt chưa được UBND TP. Cần Thơ cho thuê đất tại KCN Thốt Nốt (giai đoạn 3), chưa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhưng đã ký hợp đồng cho thuê lại đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, với diện tích 7,01ha là vi phạm quy định tại Điều 90 Luật Đất đai năm 2003, Điều 149 Luật Đất đai năm 2013, khoản 7 Điều 2 Nghị định 17/2006/NĐ-CP, khoản 2 Điều 51 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Mặt khác, đơn giá tại 3/4 hợp đồng cho thuê lại đất nêu trên chưa được UBND thành phố, Sở Tài chính TP. Cần Thơ phê duyệt, là vi phạm quy định tại Điều 6 Nghị định số 142/2005/NĐ-CP và Điều 4 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Các vi phạm này cần chuyển thông tin sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Thanh tra còn chỉ ra những hạn chế của UBND TP. Cần Thơ trong việc chậm triển khai thực hiện chủ trương, chính sách về sắp xếp, đổi mới và phát triển đối với Nông trường Sông Hậu và Nông trường Cờ Đỏ; công tác hỗ trợ, bồi thường tái định cư khi nhà nước thu hồi đất tại dự án Khu tái định cư quận Ninh Kiều.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại trong quản lý, sử dụng đất đai tại TP. Cần Thơ

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại trong quản lý, sử dụng đất đai tại TP. Cần Thơ

Theo Thanh tra, những vi phạm trên, nếu không được kịp thời phát hiện có nguy cơ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền trên 213 tỷ đồng (tạm tính) gồm: chưa nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa của giai đoạn từ năm 2016-2022 số tiền trên 86,6 tỷ đồng; miễn giảm tiền sử dụng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản không đúng quy định là 2,2 tỷ đồng; chưa thực hiện chuyển hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang trả tiền một lần tại 4 KCN là trên 123 tỷ đồng;

Bồi thường không đúng quy định đất tại dự án Khu tái định cư quận Ninh Kiều hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, số tiền phải thu nộp ngân sách nhà nước do các tổ chức nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tính đến ngày 31/12/2022 là hơn 208 tỷ đồng và tiền ký quỹ bảo đảm đầu tư trên 193 tỷ đồng.

Trên cơ sở KLTT, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ các thời kỳ có liên quan đến những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm nêu trên.

Kiến nghị UBND TP. Cần Thơ, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Kết luận thanh tra; tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân được phân công để xảy ra tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm,

Về xử lý kinh tế, Thanh tra kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền hơn 463 tỷ đồng và giảm trừ khi quyết toán dự án với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng.

Thanh tra đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp nhận thông tin đối với sai phạm của Trung tâm xây dựng hạ tầng KCN Thốt Nốt tại KCN Thốt Nốt (giai đoạn 3) đối với 03 hợp đồng cho thuê đất của 02 doanh nghiệp (Công ty TNHH Wilmar Agro Việt Nam ký 02 hợp đồng trong các năm 2010, năm 2014 và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải ký hợp đồng năm 2016) để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Minh Quang

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nhieu-han-che-ton-tai-trong-quan-ly-su-dung-dat-dai-tai-tp-can-tho-477852.html