Nhiều hạn chế, vướng mắc cần sớm tháo gỡ
Trước nhiều hạn chế trong thực hiện các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bình Phước kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, tổng hợp những hạn chế, bất cập để kịp thời tháo gỡ và đề xuất các giải pháp thực hiện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả của các dự án, mô hình đã được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ. UBND các huyện, thị, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ trên địa bàn…
Cách thức, nội dung triển khai còn hạn chế
Theo đánh giá của Đoàn giám sát, nhìn chung, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước theo Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 5.7.2019 của HĐND tỉnh đã được UBND tỉnh, các ngành, các cấp triển khai thực hiện theo đúng quy định và bước đầu đạt được kết quả nhất định. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn sự nghiệp của địa phương được phân bổ hàng năm đã hỗ trợ các hợp tác xã, chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp về công tác khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm, qua đó góp phần nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cách thức, nội dung triển khai các chính sách hỗ trợ đến người dân còn hạn chế, chưa sâu sát và thu hút sự đồng thuận tham gia của người dân. Việc triển khai thực hiện nghị quyết của UBND một số huyện chưa được chú trọng và không thể hiện được kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ trên địa bàn (các huyện: Hớn Quản, Đồng Phú, Lộc Ninh, Bù Đốp); thiếu quan tâm trong tổng hợp danh mục các dự án, kế hoạch để đề xuất đến cấp tỉnh hoặc phê duyệt thực hiện theo phân cấp. Công tác hướng dẫn các trình tự, thủ tục, hồ sơ đề xuất hỗ trợ chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đến người dân còn hạn chế; số dự án, kế hoạch chưa bảo đảm về hồ sơ theo quy định phải điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện nhiều lần.
Kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ còn nhiều hạn chế, như: một số nội dung chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND chưa được thực hiện (hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết); số dự án, kế hoạch được hỗ trợ từ nguồn ngân sách cấp tỉnh rất ít (5 dự án); các dự án, kế hoạch liên kết sản xuất nông nghiệp có số vốn đầu tư rất lớn song nguồn vốn được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo nội dung Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND rất hạn chế (trung bình mỗi dự án được hỗ trợ hơn 300 triệu đồng).
Qua khảo sát thực tế một số dự án nông nghiệp được hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Riềng và Bù Gia Mập, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhận thấy việc hỗ trợ nguồn vốn để các dự án, kế hoạch nông nghiệp đầu tư vật tư, bao bì và nhãn mác sản phẩm còn thấp, hiệu quả đầu tư chưa tương xứng với nội dung của các dự án, kế hoạch đã đề xuất. Công tác hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhiều sản phẩm chế biến từ nông sản của tỉnh chưa bảo đảm các tiêu chuẩn về mẫu mã, giấy chứng nhận và chất lượng; việc xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn, bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, việc hợp tác, liên kết, kiểm soát chất lượng sản phẩm còn nhiều bất cập.
Khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ
Từ thực trạng trên, Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bình Phước đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường tuyên truyền; rà soát, tổng hợp những hạn chế, bất cập trong thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để kịp thời tháo gỡ và đề xuất các giải pháp thực hiện; thường xuyên tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ và đề xuất UBND tỉnh các giải pháp, phương hướng thực hiện hiệu quả chính sách; quan tâm, kịp thời bố trí các nguồn vốn để bảo đảm thực hiện các nội dung chính sách đã đề ra.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiến nghị kịp thời giải quyết hoặc tham mưu UBND tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách. Thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả của các dự án, mô hình đã được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ chính sách, làm cơ sở định hướng để tham mưu trong công tác thẩm định, phê duyệt các dự án, kế hoạch có nhu cầu đề xuất hỗ trợ trong thời gian tiếp theo. Định kỳ hàng năm, tổ chức tập huấn, hướng dẫn về trình tự, thủ tục, đề xuất và thực hiện các nội dung hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đến cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực nông nghiệp của cấp huyện, đại diện của các hợp tác xã, dự án liên kết nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi đa giá trị bền vững.
Đoàn giám sát cũng kiến nghị UBND các huyện, thị, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; quan tâm bố trí nguồn kinh phí thuộc phân cấp quản lý để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi, nắm bắt nhu cầu, phối hợp giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị của các hợp tác xã, chuỗi liên kết sản xuất trên địa bàn huyện, thị, thành phố.