Nhiều hạng mục công trình khu dân cư ở Cà Mau bị bỏ hoang sau khi hoàn thành
Nhiều hạng mục của tổ hợp công trình xây dựng khu dân cư Kinh Tư (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) dù đã hoàn thành gần 10 năm nay nhưng chưa một lần sử dụng, hiện đang bị bỏ hoang.
Theo tìm hiểu của PV Một Thế Giới, công trình khu dân cư Kinh Tư (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) do Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư, có quy mô thiết kế với diện tích 13,4 ha, tạo nơi ở cho khoảng 280 hộ dân. Sau khi hoàn thành, công trình được giao cho huyện Trần Văn Thời là đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng.
Chợ Kinh Tư xây xong không hoạt động gây lãng phí
Dự án xây dựng khu dân cư Kinh Tư là nhằm đảm bảo nơi ở cho những hộ dân nghèo tại khu vực rừng phòng hộ ven biển Tây, trước đây làm nghề đánh bắt hải sản ven bờ ở xã Khánh Hải. Khi triển khai, dự án này đã được người dân đồng tình ủng hộ.
Ông Đào Văn Bắc, người dân ở khu dân cư Kinh Tư nói: “Dân nghèo thì khó khăn tìm không ra nhà để ở, trong khi hàng loạt công trình ở khu dân cư này xây xong rồi bỏ đó. Xót xa quá!”.
Lau sậy mọc um tùm quanh các hạng mục công trình
Người dân sống trong khu vực cho biết nơi đây quanh năm bao phủ bởi cỏ sậy và thường bị ngập úng vào mùa mưa. Chỉ đến khi mùa hạn thì đường mới khô ráo, đi lại thuận tiện. Những con đường bê tông nơi đây cũng đã xuống cấp, không còn giữ được mặt đường bằng phẳng, thay vào đó là lởm chởm những cái hố trông rất nham nhở. Chỗ nào bê tông vỡ lớn thì tạo điều kiện cho lau sậy đâm chồi...
Nói về sậy, hầu hết người dân ở khu vực trên cho biết, cỏ sậy mọc thuộc đất nhà nào thì nhà đó tự phát hoang cho thông thoáng. Nhưng do nền nhiều, lượng người vào ở còn ít nên ở các nền trống, sậy đua nhau mọc, sức người làm quanh năm không xuể. Theo người dân, có lúc địa phương đưa xe cuốc vào chạy càn cho sậy nằm bẹp xuống nhưng qua rồi vẫn um tùm.
Mặc dù đưa người dân vào sinh sống, hạ tầng xây dựng đầy đủ, có nơi cấp nước hẳn hoi nhưng người dân ở đây không có nước sinh hoạt. Hộ nào muốn có nước thì tự bỏ tiền ra khoan giếng.
“Nước không có, đường thì ngập lõm bõm, cỏ sậy mọc um tùm mần không xuể”, một hộ dân nói.
Đài nước xây dựng theo kiểu ''tượng trưng'' khiến người dân bức xúc
Vào khu tái định cư mà không có nước sạch để sử dụng - chuyện tưởng chừng như vô lý nhưng đang tồn tại ở khu dân cư Kinh Tư này. Trong khi đó, trước mắt là công trình cấp nước bề thế nằm trong khuôn viên khoảng 1.000 m2, được bao quanh bởi hệ thống hàng rào bê tông cốt thép với 2 lối ra vào nhưng bị cỏ sậy phủ quanh.
“Hầu như nhà nào cũng tự khoan giếng nước ngầm để sử dụng khi vào định cư, chi phí mỗi giếng tầm 5 triệu đồng. Còn đài nước chỉ xây để vậy chứ không ai xài được”, bà Lê Thị Liên, người đã sinh sống ở khu tái định cư Kinh Tư hơn 5 năm qua cho hay.
Cạnh đó còn có 2 công trình nhà cấp 4 được xây dựng cơ bản, trong đó một căn được xây dựng để Tổ Y tế cộng đồng hoạt động, căn còn lại là Tổ tự quản. Giữa 2 căn nhà là đài nước cao hàng chục mét, xung quanh được bảo vệ bởi hàng rào bê tông, sân cũng được lót bằng loại đan bê tông.
Dẫn chúng tôi vào khu vực 2 căn nhà và đài nước, ông Bắc phải vòng ra mé lộ rồi vén sậy chỉ hướng, khi đó chúng tôi mới phát hiện ra hàng rào sắt đã bị hoen gỉ theo thời gian và bong rộp lớp sơn. “Vậy đó, xây xong rồi bỏ cả chục năm nay, nhìn mà xót ruột”, giọng ông Bắc đầy nuối tiếc.
“Đó là còn chưa kể đến mùa mưa, nước không thoát được tràn ngập lộ, ngập tận nền nhà. Phía đường trong khu dân cư dù có mắc hệ thống đèn chiếu sáng nhưng chưa một lần sáng đèn vào ban đêm”, ông Bắc chua chát nói.
Hệ thống đèn chiếu sáng được lắp đặt nhưng chưa một lần... sáng đèn
Cách nhà ông Bắc khoảng 10 trụ điện là khu nhà lồng chợ Kinh Tư. Khu chợ rộng vài trăm mét vuông được đổ sàn bê tông, mái lợp tôn, trụ khung bằng sắt. Sau 10 năm xây dựng chợ vẫn chưa một lần hoạt động. Theo thời gian, mái lợp và khung nhà của chợ đã rỉ sét sậm màu. Dân cư trong khu khực nhìn những công trình bạc tỷ bỏ hoang mà ai cũng xót xa cùng cực.
Một lãnh đạo xã Khánh Hải cho biết, việc khu dân cư Kinh Tư xuống cấp thì đơn vị đã nhiều lần báo cáo lên trên. Cấp trên cũng đã xuống và ghi nhận. Tuy nhiên, do thời gian xây dựng đã lâu nên hiện chưa có nguồn kinh phí mới để sửa chữa, nâng cấp. Vị này cũng thừa nhận rằng việc công trình này xây dựng nhiều hạng mục nhưng không sử dụng là lãng phí.
Để làm rõ những khúc mắc của người dân, chúng tôi đã liên hệ với ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, nhưng ông này không nghe máy. Khi chúng tôi nhắn tin thì chỉ nhận được câu trả lời: “Đang chỉ đạo kiểm tra, khi có kết quả sẽ thông tin”.