Nhiều hiện vật giá trị thuộc Di sản Huế: Bao giờ hết cảnh… 'ăn nhờ, ở đậu'?
Thừa Thiên Huế hiện còn lưu giữ hàng vạn hiện vật, cổ vật, trong đó có nhiều cổ vật đặc biệt quý hiếm được xếp hạng bảo vật quốc gia. Thế nhưng, hiện nhiều bảo tàng công lập ở Huế vẫn đang trong tình trạng 'ăn nhờ ở đậu', thiếu chỗ trưng bày hiện vật xứng tầm.
Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 5 bảo tàng công lập, gồm: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung. Thế nhưng hiện chỉ có Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 7 Lê Lợi, TP Huế) được đầu tư xây dựng (cách đây hơn 20 năm), các bảo tàng còn lại đều đang… “ở nhờ”.
Một số nhà văn hóa tại Huế cho rằng, hiện, một số bảo tàng phải tận dụng không gian không phù hợp, thậm chí không an toàn để hoạt động dẫn đến nhiều khó khăn, trở ngại trong phát huy giá trị của hiện vật, cổ vật.
Điển hình là Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế với gần 32.000 hiện vật nhưng đang “ở nhờ” tại Di tích Quốc Tử Giám (hệ thống di tích cung đình triều Nguyễn) nằm trên đường 23 Tháng 8, TP Huế. Đa số các hiện vật được lưu giữ trong kho đang bị xuống cấp, hư hỏng.
Dù đã có kế hoạch di dời nhưng đến thời điểm này chỉ dừng lại ở việc di chuyển một số hiện vật như: các chiếc xe tăng, máy bay từng trưng bày ở ngoài trời đến một địa điểm trên đường Điện Biên Phủ, TP Huế. Đáng chú ý, vào tháng 8/2022, một ngôi nhà bên trong không gian di tích Quốc Tử Giám đã bị cháy khiến một phần mái khu nhà này bị sụp xuống…
Không chỉ có Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đang “ở nhờ” mà Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cũng chung số phận. Theo bà Huỳnh Thị Anh Vân, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, bảo tàng này hiện còn lưu giữ hơn 11.000 hiện vật gắn liền với triều Nguyễn xưa. Trong đó, có nhiều cổ vật trên 100 năm tuổi và rất quý hiếm, có giá trị…
Hiện vật của bảo tàng không chỉ trưng bày ở Di tích điện Long An mà còn trưng bày ở toàn bộ các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Trước thực trạng này, bảo tàng đã nhiều lần đề xuất việc sắp xếp hoặc xây mới một trụ sở để thoát cảnh “ở nhờ” trong điện Long An. Nguyên do là ngôi điện này hiện không còn đủ chuẩn để thực hiện các công năng của một bảo tàng, đặc biệt là việc trưng bày và bảo quản cổ vật.
Tương tự, nằm ở bờ Nam sông Hương, Bảo tàng Mỹ thuật Huế được thành lập năm 2018 với 3 không gian: không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật; không gian trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng và không gian trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị. Hiện, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đều tận dụng các biệt thự cũ của Pháp để làm nhà trưng bày. Nhiều tác phẩm không có chỗ để trưng bày đành phải cất kho.
Còn Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung, 10 năm trước được phê duyệt quy hoạch xây dựng với diện tích 99,36ha tại phường An Tây và xã Thủy Bằng, TP Huế nhưng đến nay do chưa có kinh phí xây dựng nên bảo tàng này vẫn đang “ăn nhờ, ở đậu” tại trụ sở của Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng Thừa Thiên Huế đóng ở phường Vỹ Dạ (TP Huế).
Sau 10 năm hoạt động, Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung được nhiều người biết đến thông qua các hoạt động tuyên truyền và giáo dục cộng đồng, hợp tác nghiên cứu khoa học, sưu tầm và chế tác mẫu vật...
Năm 2020, bảo tàng này đã xây dựng và trình UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt Đề án “Thu thập mẫu vật cho Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung đến năm 2030”. Đây là bước ngoặt lớn đối với hoạt động thu thập mẫu vật nhằm khắc phục sự manh mún, nhỏ lẻ và tự phát, đồng thời chỉ ra định hướng phát triển lâu dài, có kế hoạch rõ ràng, khoa học, có phân kì giai đoạn thu thập mẫu vật nhằm đáp ứng những yêu cầu về đa dạng chủng loại đối với một bảo tàng thiên nhiên cấp khu vực đặt tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thế nhưng, nhiều năm nay, do không có chỗ trưng bày mẫu vật, bảo tàng này đành cải tạo một số phòng và hành lang nơi làm việc tại tầng 2 và tầng 3 của tòa nhà Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng để thiết kế và tổ chức không gian trưng bày phục vụ đón tiếp các em học sinh, sinh viên đến nghiên cứu, học tập, tham quan và tham gia các hoạt động trải nghiệm tại bảo tàng…
Theo TS Lê Vũ Trường Giang (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế), các bảo tàng của tỉnh Thừa Thiên Huế có số lượng hiện vật, tư liệu hết sức đồ sộ, phong phú, độc đáo và giàu bản sắc. Điều này không phải địa phương nào cũng có được.
Tiếc thay, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa đồng bộ, còn lúng túng trong việc bố trí, di dời một số bảo tàng sang địa điểm mới như: Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. TS Lê Vũ Trường Giang cho rằng việc này cần giải quyết nhanh chóng, rốt ráo. “Một khi bảo tàng “an cư” thì mới có thể tính đến chuyện “lạc nghiệp” được”, TS Lê Vũ Trường Giang chia sẻ.