'Nhiều hiểu lầm về đường riêng cho xe buýt'

Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM, nguyên Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở Giao thông Vận tải TP HCM - khẳng định như trên, đồng thời lý giải thêm một số vấn đề

Phóng viên: Dư luận đã không ít lần nhắc đến việc TP từng có làn đường riêng dành cho xe buýt, cụ thể là một đoạn trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 nhưng chỉ áp dụng một thời gian rồi ngừng, giai đoạn này ông đang ở cương vị là Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP, ông lý giải thế nào?

- Ông LÊ TRUNG TÍNH: Đúng là "làn đường dành riêng cho xe buýt" ở TP HCM đã triển khai từ năm 2003 do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cùng Sở GTVT TP thực hiện và không như ai đó đánh giá là không có hiệu quả nên phải bỏ đi! Ngược lại, giải pháp này có hiệu quả rõ rệt nên sau đó Sở GTVT TP đã triển khai mở rộng thêm các đoạn tuyến khác như Xô Viết Nghệ Tĩnh - đoạn trước Công viên Tao Đàn; đoạn Trần Cao Vân - quận 3; đoạn Nguyễn Kiệm - Gò Vấp;…

Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM, nguyên Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở Giao thông Vận tải TP HCM

Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM, nguyên Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở Giao thông Vận tải TP HCM

Sao lại dừng mà không tiếp tục triển khai, thưa ông?

- Ai cũng biết thời điểm đó TP đang tiến hành thi công hàng loạt dự án giao thông, môi trường... Điều này đồng nghĩa các "lô cốt" chắn đường xuất hiện khá nhiều và tình hình kẹt xe ở TP HCM ngày càng nhiều nên Sở GTVT lúc bấy giờ đành chọn giải pháp tạm ngưng cho xe buýt ưu tiên (xe buýt được phép lưu thông 2 chiều trên đường trên các tuyến đường 1 chiều) đã chọn.

Riêng tuyến đường Trần Hưng Đạo (quận 5) do áp lực của các hộ kinh doanh trên tuyến (vì lợi ích cục bộ) và nhiều "nhận thức" chủ quan nên phải ngưng.

Sở GTVT TP đang nghiên cứu làm đường dành riêng cho xe buýt trên 2 tuyến Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ (quận 3), ông và các thành viên trong Hội đồng Tư vấn GTVT TP đánh giá thế nào?

- Mấy năm gần đây, trước sự sa sút của ngành vận tải hành khách công cộng, sản lượng xe buýt năm sau thấp hơn năm trước, bản thân ngành GTVT TP cũng thấy việc này, do đó đã tiếp tục đề xuất phục hồi lại tuyến đường ưu tiên hoặc dành riêng cho xe buýt, mà trước mắt là đoạn Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ là điều hoàn toàn đúng đắn.

Xe buýt ở TP HCM đang bị bao vây bởi xe máy khiến thời gian di chuyển chậm kéo theo sản lượng hành khách giảm Ảnh: TẤN THẠNH

Xe buýt ở TP HCM đang bị bao vây bởi xe máy khiến thời gian di chuyển chậm kéo theo sản lượng hành khách giảm Ảnh: TẤN THẠNH

Tôi khẳng định rằng hầu hết các thành viên Hội đồng Tư vấn GTVT TP hôm thông qua chủ trương này đều tán thành ưu tiên hoặc dành riêng cho xe buýt.

Thực ra, làn đường dành riêng cho xe buýt không mới, nhiều nước trên thế giới đã triển khai hiệu quả nhưng tại sao nước ta bàn nhiều lại chưa làm được bao nhiêu, đến khi làm lại thất bại như TP Hà Nội?

- Đúng vậy, câu chuyện làn đường "ưu tiên" hoặc "dành riêng" cho xe buýt, thực ra chỉ là một giải pháp kỹ thuật nhằm tăng tốc độ vận doanh, tiết giảm chi phí và thời gian đi lại cho hành khách, qua đó thu hút hành khách sử dụng phương tiện công cộng để đi lại.

Ở các nước, do văn hóa đi lại của họ cao, tôi thấy họ chỉ cần vẽ làn sơn trên đường, với ghi chú: Bus Priority hoặc Bus Only là sử dụng được, không cần đến giải phân cách cứng.

Ở ta thì ngược lại, người tham gia giao thông hễ thấy làn ưu tiên hoặc dành riêng cho xe buýt nhưng khi cần là họ cứ chạy vào nên các thử nghiệm thường bị phá sản là vậy.

Để làn đường riêng thực sự chỉ dành cho xe buýt, phát huy hiệu quả "đúng giờ", góp phần kéo khách lên xe buýt, TP HCM cần thực hiện như thế nào?

- Kinh nghiệm tổ chức làn đường ưu tiên hoặc "dành riêng" cho xe buýt ở TP HCM đã có kết quả rất tốt như tôi nói ở trên vì ở tuyến đầu tiên trên đường Trần Hưng Đạo B là tuyến đường hẹp nhất, khó nhất mà chưa để lại hệ quả gì nên theo tôi việc tổ chức các đường trục có lưu lượng hành khách đi lại lớn là cần thiết và nên làm ngay.

Vấn đề còn lại là, do văn hóa đi lại của ta còn nhiều bất cập nên để dễ thuyết phục sự đồng tình của người dân trong bối cảnh kẹt xe khá phổ biến hiện nay, chúng ta cần chọn thử nghiệm trên các tuyến trục, có lưu lượng khách và tần suất đi lại lớn, tuy khó nhưng lại có hiệu quả rõ rệt, dễ thuyết phục sự đồng tình của người dân TP hơn. Trước mắt, làn ưu tiên hoặc dành riêng cho xe buýt, vào từng thời điểm hoặc thời kỳ nhất định chúng ta nên cho cả các loại xe cần ưu tiên khác như: cứu hỏa, công vụ, chở khách du lịch trên 9 chỗ ngồi, taxi, xe hợp đồng vận tải công cộng chở trên 9 chỗ ngồi… nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả làn ưu tiên hoặc dành riêng. Về lâu dài, cần nghiên cứu bổ sung các biện pháp chế tài thích đáng cho các loại xe khác khi không được phép nhưng vẫn lưu thông trong đường ưu tiên hoặc dành riêng cho xe buýt. Sở GTVT, Công an TP và các ban ngành TP phải liên tục theo dõi và kịp thời điều chỉnh những bất cập phát sinh để sử dụng hiệu quả nhất làn đường ưu tiên hoặc dành riêng cho xe buýt.

Ngoài ra, phải có quyết tâm chính trị cao của chính quyền TP, không lùi bước trước những yêu cầu vì lợi ích nhóm thay vì lợi ích cộng đồng!

Vì sao chọn đường Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ?

Báo cáo tại buổi giám sát về tình hình hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn của HĐND TP HCM vừa qua, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (gọi tắt là Trung tâm), tiếp tục kiến nghị HĐND TP quan tâm, ủng hộ để thực hiện dự án thí điểm làn ưu tiên xe buýt trên đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu.

Trước băn khoăn của bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP - về tính khả thi khi triển khai làn ưu tiên trên 2 tuyến đường vốn có chiều ngang hẹp, thường xuyên ùn ứ giao thông và có nhiều điểm "nghẽn", ông Trung cho rằng để thực hiện được làn ưu tiên, chủ đầu tư, Trung tâm, hội đồng tư vấn phải thực hiện rất nhiều bước, tìm hiểu kỹ, một trong những lý do chọn 2 tuyến đường này vì có nhiều tuyến xe buýt chủ đạo đi qua, với số lượt khách lên đến hàng trăm ngàn lượt/ngày. Tuy nhiên, các đơn vị vẫn tiến hành các bước tiếp theo, trình các cơ quan chức năng có ý kiến.

Thu Hồng - Gia Minh thực hiện

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nhieu-hieu-lam-ve-duong-rieng-cho-xe-buyt-20191117214551955.htm