Nhiều Hiệu trưởng tiết lộ phụ huynh phải è cổ gánh...sách giáo khoa
Sự thiếu minh bạch trong việc lựa chọn nhà cung ứng sách giáo khoa là mảnh đất báu bở cho nhiều cá nhân trục lợi. Phụ huynh 'è cổ' làm giàu cho nhiều người.
Những ngày gần đây dư luận xã hội nhiều lần lên tiếng về vấn đề sách giáo khoa quá cao, thậm chí có bộ sách có giá gấp 4 lần so với sách giáo khoa hiện hành.
Thực tế với giá sách giáo khoa hiện nay có thể nói đắt cũng đúng mà rẻ cũng đúng.
Bởi vì, sách giáo khoa thông qua nhiều cầu trung gian sẽ có mức giá khác nhau. Nhưng khi đến tay phụ huynh, học sinh đó là mức giá cuối cùng.
Học sinh nghèo năm nào cũng phải mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập mới
Bài viết xin chia sẻ một số quan điểm, câu chuyện của những hiệu trưởng “dũng cảm” tại một số địa phương lên tiếng tố cáo về sự thiếu minh bạch trong việc lựa chọn nhà cung ứng sách giáo khoa, đồ dùng học tập.
Có thể nói đây vẫn là mảnh đất màu mỡ “hốt ra bạc” khiến nhiều cửa hàng không tiếc tiền chi đậm hoa hồng.
Theo cô T.H.T, một hiệu trưởng có thâm niên tại tỉnh Lào Cai, người trực tiếp tham gia lựa chọn nhà cung ứng sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho biết: Đây là một mảnh đất cạnh tranh khốc liệt và thường là sân sau của những vị quan chức.
Cô T. phân tích: “Thị trường cung ứng sách giáo khoa là mảnh đất mà ai cũng muốn nhảy vào. Lấy ví dụ như toàn huyện của tôi có khoảng vài vạn học sinh.
Mỗi học sinh chỉ cần mua một bộ sách giáo khoa thì tổng số tiền đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Cho nên đây là mảnh đất cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Trên thực tế giá sách giáo khoa từ nhà xuất bản cho khi đến tay phụ huynh là hai mức giá hoàn toàn khác nhau.
Vì giá sách giáo khoa đến tay phụ huynh đã phải trải qua nhiều cầu trung gian trong đó có các đại lý, nhà cung ứng sách, thiết bị đồ dùng học tập.
Thêm nữa giá sách còn tính cả công vận chuyển và tiền hoa hồng cho các cơ quan chuyên môn hoặc nhà trường”.
Để dễ hình dung cô T. ví von việc cung ứng sách giáo khoa cũng giống như việc lựa chọn đơn vị cung ứng thực phẩm cho nhà trường.
Nếu trong trường có thể xảy ra tình trạng thực phẩm bẩn thì chất lượng sách giáo khoa hoặc đồ dùng học tập hoàn toàn có thể kém chất lượng.
Cô T. cho biết: “Việc cung ứng sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho các trường đem lại nguồn lợi nhuận rất lớn.
Cho nên các cửa hàng sách, đơn vị cung ứng không ngại lo lót cho lãnh đạo Phòng và các trường. Thông thường ở các địa phương sẽ có 2 cách lựa chọn nhà cung ứng.
Một là, nhà cung ứng sẽ do Phòng giáo dục chỉ định. Hai là, các trường được phép lựa chọn nhà cung ứng sách.
Với cách làm thứ nhất, nhà trường hoàn toàn không có vai trò và quyền hạn trong việc lựa chọn nhà cung ứng, cửa hàng bán sách”.
Theo cô T. để có thể trở thành nhà cung ứng sách giáo khoa và đồ dùng học tập tại các địa phương thì tiền hoa hồng thôi là chưa đủ.
Đôi khi các nhà cung ứng đều là “sân sau” của lãnh đạo huyện. Đó có thể là người nhà, bạn bè hoặc các mối quan hệ thân quen.
Một trong những vấn đề khiến các trường bức xúc đó là chất lượng sách giáo khoa và đồ dùng học tập của nhiều nhà cung ứng không được đảm bảo.
Cô T. nói: “Nhiều khi họ chở sách giáo khoa và đồ dùng học tập đến các trường theo danh sách đăng ký. Khi thì thiếu cái này, khi thì thiếu cái khác. Có lần nhà cung ứng mang đến cho chúng tôi 1 lô bút bi thăng long.
Nhưng khi mở ra thì trong ruột toàn bút Trung Quốc. Việc lựa chọn nhà cung ứng và cửa hàng sách theo quy định do các trường và phụ huynh lựa chọn. Nhưng thực tế tại nhiều địa phương thì đây là đặc quyền của phòng giáo dục”.
Giá sách giáo khoa của chương trình mới đắt hay rẻ?
Tại huyện Xín Mần (Hà Giang), nhiều hiệu trưởng bức xúc vì các nhà cung ứng sách giáo khoa, đồ dùng học tập đều do Phòng giáo dục lựa chọn.
Một vị hiệu trưởng cho biết: “Nhà trường không được chủ động một cái gì, mình muốn đặt mua ở những nhà xuất bản chất lượng, tiện nhưng họ cứ bắt đặt mua ở các cửa hàng vớ vẩn.
Sách thì toàn sách lậu còn tội đâu các trường chịu vì nhà trường ký hợp đồng họ chỉ đứng ở đằng sau họ giật dây.
Các trường chỉ biết đăng ký số lượng học sinh nghèo theo Nghị định 86, đăng ký về phòng giáo dục, chẳng hạn như 200 học sinh thì họ khắc tự làm một cái menu trong đó có sách giáo khoa, đồ dùng học tập, vở viết gồm những cái gì đủ 400.000 đồng.
Nhà cung cấp sách giáo khoa và đồ dùng học tập là cửa hàng H.A làm ăn rất cẩu thả vì có quan hệ chặt chẽ.
Chẳng hạn có quyển sách mỹ thuật in lậu khi chúng tôi kiểm tra giá trên mạng mới biết sách bị bán đắt thêm 5000 đồng/ quyển”.
Vị hiệu trưởng này cho hay: Trong vấn đề lựa chọn nhà cung ứng và cửa hàng sách giáo khoa nhà trường và phụ huynh hoàn toàn không có tiếng nói.
Bên cạnh đó ngoài việc bán sách giáo khoa cũng xảy ra tình trạng “bia kèm lạc” đặc biệt là đối với sách tham khảo, sách bổ trợ.
Vị hiệu trưởng này nói: “Sách tham khảo và đặc biệt là sách bổ trợ buổi chiều trước đây là do Sở giáo dục biên soạn và bán cho các trường. Nhưng vài năm nay, Phòng giáo dục trực tiếp xuống Hà Nội đặt và in ấn.
Tôi cho rằng việc bán sách giáo khoa và đồ dùng học tập như hiện nay rất lãng phí.
Chẳng hạn như các cháu lớp 1 phải mua đến 14 quyển vở thì làm sao các em viết hết được. Hay loại bảng viết năm nào cũng bắt phải mua mới”.
Thực hư câu chuyện “hoa hồng” trong việc mua bán sách giáo khoa đã được chính các hiệu trưởng xác nhận. Có 2 vấn đề được đặt ra ở đây:
Thứ nhất, giá sách giáo khoa trên thực tế từ tay nhà xuất bản đến tay phụ huynh đã thông qua rất nhiều cầu với mức chi phí khác nhau. Phụ huynh bỏ tiền ra mua sách cho con mà không biết rằng số tiền đó đã chảy vào túi nhiều người. Nghịch lý là người bỏ tiền ra mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập lại không được quyền quyết định và lựa chọn mua ở đơn vị, cửa hàng nào?
Thứ hai, nhiều hiệu trưởng phản ánh chất lượng sách giáo khoa và đồ dùng học tập do các nhà cung ứng, cửa hàng sách không được đảm bảo. Vì là “sân sau” của những người có thẩm quyền cho nên nhiều đơn vị mặc sức tự tung, tự tác cung cấp các sản phẩm kém chất lượng.
Cuối cùng, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là phụ huynh và học sinh. Tương tự như thị trường thực phẩm trong các nhà trường, mảnh đất cung ứng sách và thiết bị, đồ dùng học tập cũng là cuộc chơi của những “liên minh ma quỷ”.
Đến đây chắc hẳn phụ huynh sẽ có câu trả lời: Vì sao năm nào các trường cũng vận động học sinh mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập mới?