Nhiều hình ảnh, tư liệu quý
Triển lãm chuyên đề 'Hồ Chí Minh- đẹp nhất tên Người' khai mạc hôm 10.5, do Bảo tàng tỉnh phối hợp Bảo tàng Hồ Chí Minh- chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Đến tham quan triển lãm, người xem sẽ được hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ kính yêu qua hơn 110 hình ảnh, tư liệu được trưng bày nơi đây.
Tại triển lãm, người xem bắt gặp bức chân dung Nguyễn Ái Quốc do họa sĩ Erich Johanson (Thụy Điển) vẽ cách đây gần... 98 năm. Người gặp họa sĩ này ở cuộc triển lãm nghệ thuật tạo hình của Đức tại Moscow năm 1924.
Trong buổi gặp gỡ, họa sĩ ký họa chân dung Người và Người đã ghi bằng chữ Hán phía dưới bức họa: “Nguyễn Ái Quốc - Ngày 15.9.1924”. Hình ảnh của Nguyễn Ái Quốc đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho họa sĩ. Hơn bốn mươi năm sau, nhớ lại, Erich Johanson viết: “Cử chỉ văn hóa và thân mật của Người gây một ấn tượng là người có uy tín. Người có thể trở thành lãnh tụ không phải bằng một cái gì bề ngoài mà bằng học thức, bằng trí tuệ của Người”.
Một tư liệu khác là ảnh chụp tấm biển đồng, do Đảng Cộng sản Pháp gắn tại ngôi nhà số 9, ngõ Compoint- nơi Nguyễn Ái Quốc đã ở và làm việc từ năm 1921-1923. Điều này cho thấy Đảng Cộng sản Pháp rất trân trọng với di tích lịch sử, nơi Bác từng sinh sống, làm việc.
Đồng bào Tây Nguyên thể hiện lòng kính yêu với Bác bằng cách khắc lại bản di chúc của Bác trên một tấm gỗ quý. Tấm gỗ khắc chân thực, sinh động những dòng chữ nghiêng của Bác và cả nội dung Bác gạch bỏ, viết lại như bản di chúc Bác viết trên giấy.
Bên cạnh đó, tại triển lãm còn trưng bày Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua ngày 3.2.1930; Báo “Le Paria” (Người Cùng Khổ)- cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, số 5, ngày 1.8.1922; nguyên văn Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 19.12.1946 của Hồ Chí Minh; tác phẩm Đường kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc, xuất bản năm 1927, tại Quảng Châu, Trung Quốc.
Người xem còn được chiêm ngưỡng những tấm ảnh trắng đen, ghi lại khoảnh khắc đời thường của Người, như tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở nhà sàn tại chiến khu Việt Bắc, bên chiếc bàn, ghế làm bằng gỗ đơn sơ trong căn nhà sàn mộc mạc.
Trước bàn làm việc có một cây xanh đang vươn lên. Bên hông nhà là hàng rào được làm bằng những thân gỗ nhỏ; hay ảnh chụp cảnh Bác Hồ trên đường đi công tác ở ATK Định Hóa, Thái Nguyên năm 1947. Trong ảnh, Bác đội nón cối, khăn vải vắt trên vai, tay chống gậy, quần xắn đến đầu gối đi qua suối Quảng Nạp.
Ngoài ra, còn cả trăm tấm ảnh khác gây nhiều cảm xúc, như ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi nhân dân Việt Nam quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, ngày 7.7.1966; Chủ tịch Hồ Chí Minh bón cơm cho cháu bé ở nhà trẻ tại chiến khu Việt Bắc, năm 1951; Bữa cơm dọc đường kháng chiến của Bác; Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà máy xe lửa Gia Lâm, Hà Nội, năm 1958; Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, ngày 12.3.1969…
Triển lãm được tổ chức thành 2 phần: Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cách mạng giành thắng lợi, giải phóng dân tộc, góp phần vào sự nghiệp thế giới và Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới.
Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày nhiều bài viết, hình ảnh về những gương cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Tây Ninh tiêu biểu trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, như bà Lâm Thị Tợi- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu: Người cán bộ mẫu mực vì sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân; gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi Nguyễn Văn Sáu- hội viên Chi hội Nông dân ấp Bình Hòa, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng; anh Võ Tấn Lộc- Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, huyện Gò Dầu: Đảng viên trẻ sống đẹp, tiêu biểu trong thi đua của tuổi trẻ; Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần dệt Hiệp Thành- Khu công nghiệp Trảng Bàng Nguyễn Quy Hoàng: Luôn quan tâm, chăm lo chế độ chính sách cho người lao động…
Tại triển lãm còn có 48 ảnh nghệ thuật giới thiệu về văn hóa, xã hội và con người Tây Ninh, như nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng; lễ hội Kỳ yên đình Gia Lộc; đờn ca tài tử Nam bộ của tỉnh Tây Ninh; học sinh tham quan Bức tranh hoành tráng Trung ương Cục miền Nam; tháp cổ Bình Thạnh (thị xã Trảng Bàng); đình Hiệp Ninh (TP.Tây Ninh); nghi thức múa tứ linh của đạo Cao Đài; làng nghề truyền thống mây tre lá…
Triển lãm được tổ chức từ ngày 10.5 đến ngày 20.6, nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19.5.1890 - 19.5.2022). Đến xem triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh- đẹp nhất tên Người” sẽ giúp cho mỗi người hiểu rõ hơn về cuộc đời của vị lãnh tụ vĩ đại, tận tụy, quên mình, kiên trung bất khuất vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc nhưng giàu lòng bác ái, thanh bạch, dung dị trong cuộc sống đời thường. Nhân cách cao đẹp của Người đã tạo ra những giá trị nhân văn mà mỗi cá nhân có thể học tập làm cho mình trở nên tốt hơn.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nhieu-hinh-anh-tu-lieu-quy-a145232.html