Nhiều hộ dân ở Gia Lai thấp thỏm với nguy cơ núi lở, sông lấn

Nhiều điểm nguy cơ sạt lở nhưng chưa có giải pháp khắc phục ở Gia Lai khiến người dân luôn sống trong lo âu.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Bình, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, cho biết trên địa bàn tỉnh này có rất nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao, chủ yếu ở các khu vực bờ sông, suối.

Tuy nhiên, công tác khắc phục, giảm thiểu nguy cơ rất chậm triển khai do nguồn vốn cần có vượt khả năng của địa phương.

Sống thấp thỏm bên vách núi

Cuối tháng 9-2024, tại hẻm 58 Phạm Văn Đồng, phường Hoa Lư, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai bị sạt lở đất kéo dài hơn 50 m. UBND phường Hoa Lư phải sơ tán khẩn cấp hai hộ gia đình với chín người ngay trong đêm.

Sự việc khiến 32 hộ, với gần 100 người sống trong dãy nhà dưới "núi đất" do Công ty Xây lắp 1 xây dựng cách đây 38 năm thêm lo lắng. Dãy nhà này vốn là khu tập thể bố trí cho các hộ công nhân sinh sống. Sau khi công ty giải thể, các hộ dân vẫn bám trụ, sinh sống cho đến nay.

 Điểm sạt lở gần dãy nhà tập thể 32 hộ gia đình ở hẻm 58 Phạm Văn Đồng, phường Hoa Lư, TP Pleiku. Ảnh: LK

Điểm sạt lở gần dãy nhà tập thể 32 hộ gia đình ở hẻm 58 Phạm Văn Đồng, phường Hoa Lư, TP Pleiku. Ảnh: LK

Hiện dãy nhà tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng. Phía sau là một vách núi đất dựng đứng, cao hơn 30 m. Chính quyền địa phương xác định đây là khu vực nguy cơ sạt lở cao, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân.

Ông Lê Văn An (67 tuổi, ngụ hẻm 58), phản ánh: Mùa mưa năm nào cũng vậy, cán bộ phường đến khuyến cáo người dân cảnh giác sạt lở rồi về, chứ chưa có phương án giải quyết triệt để cho dân. Người dân rất nhiều lần kiến nghị nhưng chưa có kết quả.

Ông An từng là công nhân Công ty Xây lắp 1, được giao căn nhà ở tạm. Đến nay đã gần 40 năm, gia đình ông có 17 người đều sống trong căn nhà này.

“Nhà do công ty giao nên người dân không được phép tháo dỡ, xây dựng mới dù đã xuống cấp, chật chội. Chúng tôi mong chờ nhà nước tạo điều kiện, bố trí tái định cư. Ở nơi này rất nguy hiểm, đã hai lần sạt lở rồi”- ông An lo lắng.

 Ông Lê Văn An (67 tuổi, ngụ hẻm 58) lo lắng nguy cơ sạt lở đất từ vách núi sau nhà. Ảnh LK.

Ông Lê Văn An (67 tuổi, ngụ hẻm 58) lo lắng nguy cơ sạt lở đất từ vách núi sau nhà. Ảnh LK.

Chỉ tay về phía sau núi đất, chị Lê Thị Thanh Thủy (32 tuổi, ngụ phường Hoa Lư), nói thêm: “Mỗi khi mưa to, ban đêm không dám ngủ. Có khi phải bồng con ra trước nhà ngủ, thấp thỏm lo sợ đất sạt lở, không tránh kịp”.

Theo ông Đỗ Tiến Giang, Phó Chủ tịch UBND phường Hoa Lư, năm 2020, UBND tỉnh Gia Lai quyết định thu hồi hơn 4.400 m2 đất của Công ty Xây lắp 1 giao cho địa phương quản lý; đồng thời yêu cầu lập phương án di dời các hộ dân trong khu vực nguy cơ sạt lở.

UBND phường Hoa Lư đã tổ chức họp lấy ý kiến, phần lớn các hộ dân có nguyện vọng được định cư tại chỗ; nếu di dời thì nhà nước hỗ trợ do hoàn cảnh phần lớn các hộ dân khó khăn.

“Hiện chính quyền địa phương vẫn chưa có phương án di dời người dân khỏi vùng nguy cơ sạt lở. Việc này vượt quá thẩm quyền của phường, trước mắt chỉ dừng ở mức khuyến cáo người dân cảnh giác nguy cơ sạt lở”- ông Giang nói.

 UBND TP Pleiku vẫn chưa có giải pháp di dời, bố trí định cư cho 32 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở. Ảnh: LK.

UBND TP Pleiku vẫn chưa có giải pháp di dời, bố trí định cư cho 32 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở. Ảnh: LK.

Trao đổi với PV, ông Đỗ Việt Hưng, Chủ tịch UBND TP Pleiku, nói 32 hộ trên không đủ điều kiện tái định cư, giao đất không qua đấu giá. Diện tích đất mà các hộ dân đang ở đã được tỉnh thu hồi.

Theo ông Hưng, hướng giải quyết là hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội nhưng hiện nay dự án nhà ở xã hội chưa triển khai, vẫn còn vướng.

Nỗi lo sông Ba “nuốt” đất, phá quốc lộ

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, tình trạng sạt lở ven sông Ba đoạn qua tỉnh này ngày càng nghiêm trọng. Mỗi năm, nước sông nhấn chìm hàng chục ha đất sản xuất của người dân, đe dọa trực tiếp nhiều khu dân cư.

Theo UBND huyện Krông Pa, tình hình xói lở bờ sông đoạn qua xã Chư Rcăm hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hơn 800 hộ với gần 3.500 người.

 Bờ sông Ba đoạn qua xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: LK.

Bờ sông Ba đoạn qua xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: LK.

Ông Vũ Ngọc Quỳnh (69 tuổi, ngụ thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm) cho biết gia đình ông bị sông cuốn mất hơn năm sào đất. Trước đây, nhà ông cách bờ sông hơn 100 m, nay chỉ còn cách sông 30 m và tiếp tục bị sông lấn.

“Về mùa mưa, đêm ngủ không yên giấc, thỉnh thoảng nghe đất sạt lở xuống sông kêu uỳnh uỳnh”- ông Quỳnh nói.

Nhìn bờ đất nứt nẻ, ông Quỳnh than thở: “Với đà này, nếu không có giải pháp kịp thời, đất ở đây sẽ bị sông nuốt hết. Nhiều gia đình lo sợ đã bỏ nhà đi nơi khác, còn lại nhà hoang”.

 Nhiều điểm sạt lở lấn dần ra hành lang an toàn quốc lộ 25. Ảnh: LK.

Nhiều điểm sạt lở lấn dần ra hành lang an toàn quốc lộ 25. Ảnh: LK.

Theo ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, sông Ba đoạn qua huyện này dài hơn 40 km có rất nhiều điểm sạt lở nguy hiểm.

Tình hình sạt lở sông Ba ngày càng phức tạp, trong khi kinh phí địa phương rất hạn hẹp, không thể khắc phục nổi.

Hàng chục điểm sạt lở nguy hiểm

Theo UBND tỉnh Gia Lai, tỉnh này có 10 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần 1.379 tỉ đồng để khắc phục; 26 điểm sạt lở nguy hiểm, cần 4.028 tỉ đồng khắc phục; 12 điểm sạt lở bình thường, cần 1.349 tỉ đồng để khắc phục.

LÊ KIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-ho-dan-o-gia-lai-thap-thom-voi-nguy-co-nui-lo-song-lan-post814316.html