Nhiều hộ dân vùng hạ du hồ chứa nước bản Mòng trắng tay sau lũ
Trận lũ lịch sử đổ về thành phố Sơn La khiến nhiều hộ dân ven suối Nậm La- vùng hạ du hồ chứa nước bản Mòng tại xã Hua La lâm vào cảnh trắng tay. Nhìn tài sản, ruộng vườn bị nước cuốn trôi, bùn đất vùi lấp họ không khỏi xót xa, lo lắng cho cuộc sống những ngày sắp tới.
Từ Hà Nội lên bản Kham, xã Hua La, thành phố Sơn La hơn 7 năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn đã thuê 1 ha đất, đầu tư trên 700 triệu đồng để trồng hoa. Nợ chưa trả hết, vậy mà chỉ trong một ngày bùn đất và nước xả lũ từ hồ chứa nước bản Mòng đã biến cả cánh đồng hoa thành bãi đất bùn lầy.
Ông Tuấn than thở: "Thiên tai đột xuất quá, mà hiện nay gia đình rất khó khăn, mong sao chính quyền, các cấp ngành hỗ trợ gia đình tôi để có ít vốn xây dựng lại mô hình mới, còn mô hình này thì không thể làm được nữa rồi".
Cũng là hộ dân thuê đất trồng hoa ở bản Kham, với 1,2 ha đất, ông Nguyễn Kim Tuấn đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng hệ thống nhà vườn, hệ thống tưới nước tự động, thuê nhân công. Những năm trước, mưa lũ bình thường không ảnh hưởng đến ruộng hoa của gia đình, còn năm nay lũ từ đầu nguồn chảy về dồn dập, vùi lấp cả vườn. Để khôi phục lại để tái sản xuất còn rất nhiều gian nan.
"Mưa lũ không ai mong muốn, cho nên chúng tôi mong các cấp, các ban ngành ở trên quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ dân khắc phục hậu quả sau bão lũ trong lúc khó khăn này. Còn bây giờ thì không còn gì để đầu tư nữa rồi", ông Tuấn nói.
Theo phản ánh của người dân, những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu vừa do nước lũ của suối Nậm La vừa từ xả lũ của hồ chứa nước bản Mòng, tại xã Hua La, thành phố Sơn La.
Tìm hiểu về vấn đề này, ông Bùi Nam Hưng, Phó trưởng chi nhánh Công ty TNHHMTV quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La khẳng định, việc xả lũ hồ chứa nước bản Mòng vào ngày 24/7 đã thực hiện theo đúng quy trình xả lũ, vận hành hồ chứa để đảm bảo an toàn cho công trình, vùng hạ du và thực hiện điều tiết hồ. Trước khi xả lũ, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La đã có thông báo rộng rãi tới các địa phương và nhân dân khu vực hạ lưu hồ chứa.
"Chúng tôi vận hành theo đúng quy trình, vận hành từng nấc từng nấc một có mốc thời gian. Trước khi vận hành có hiệu lệnh còi, giảm cũng có hiệu lệnh còi. Hôm qua với mực nước cùng kỳ theo quy trình vận hành, ban hành mà không có sự tính toán, cảnh báo thì mực nước chắc chắn vượt qua mặt đập, không thể điều tiết nổi. Cùng với đó, là chúng tôi đã có thông báo, cảnh báo về tình hình khí tượng thủy văn và cũng đã đi khảo sát ở phía dưới hồ có ngập ở đâu hay không thì mới điều tiết để xả dần dần. Tại vì hôm qua lưu lượng nước đến quá lớn, nhưng mới chỉ xả bằng một nửa theo thông báo", ông Hưng cho biết.
Ông Quàng Văn Biu, Chủ tịch UBND xã Hua La, thành phố Sơn La cho biết, trận lũ vừa qua xã có trên 40 hộ dân bị ảnh hưởng về nhà cửa; trên 50 ha lúa; hơn 22 ha hoa màu, cà phê bị hư hỏng, thiệt hại; hàng chục con gia súc bị lũ cuốn trôi.Tổng thiệt hại ước tính khoảng 9 tỷ đồng:
Ông Biu nói: "Trước mắt theo chỉ đạo của thành phố xã đã thực hiện thống kê thiệt hại về sản xuất, nhà ở và các hạ tầng giao thông, thủy lợi. Đồng thời chỉ đạo khắc phục 4 tại chỗ như đảm bảo giao thông cho nhân dân đi lại. Thứ 2 về nhà ở dân cư tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro sạt lở tiến hành sơ tán người dân đến nơi an toàn. Hiện tại xa cũng đang chỉ đạo các đoàn thể thăm hỏi động viên các gia đình bị ảnh hưởng về nhu yếu phẩm để giúp bà con trong những lúc khó khăn này".
Hiện nay, ngoài sự nỗ lực của các hộ dân bị thiệt hại, bà con vùng lũ Hua La rất cần sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền địa phương để sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.