Nhiều hồ đập mất an toàn trong mùa mưa lũ

Tại Hà Tĩnh, có nhiều hồ đập đã xuống cấp, không đủ điều kiện tích nước, mất an toàn khi mùa mưa lũ đến.

Đến mùa mưa lũ, nhiều hộ dân thôn Thượng Hải, xã Gia Phố (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) lại sống trong cảnh bất an khi hồ Cha Chạm bị xuống cấp nghiêm trọng. Hồ Cha Chạm được xây dựng từ năm 1977, có nhiệm vụ tưới tiêu cho trên 30 hecta lúa và giảm lũ cho vùng hạ du. Do vận hành lâu năm, phần thân đập xuất hiện hàng loạt vết nứt, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân trong mùa mưa lũ.

Lo ngại tình trạng mất an toàn của hồ Cha Chạm, trước đó ngành chức năng đã lên phương án gia kè lại bằng cách phủ bạt, đắp bao vây quanh chân đập, nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời.

Hồ Cha Chạm xuống cấp.

Hồ Cha Chạm xuống cấp.

“Là hộ dân sống dưới chân hồ, chúng tôi rất lo khi mùa mưa lũ đến. Mong thời gian tới chính quyền địa phương sẽ có phương án tu sửa lại thân hồ để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như phục vụ tưới tiêu”, ông Nguyễn Hùng (trú xã Gia Phố) cho hay.

Hồ chứa nước Khe Cọi tại xã Hà Linh (huyện Hương Khê) cũng trong tình trạng xuống cấp, khi xuất hiện nhiều điểm xói lở, hở khoét hàm ếch. Hồ chứa này được xây dựng vào hàng chục năm trước, phục vụ tưới tiêu cho nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân địa phương.

Để tránh ảnh hưởng đến nguy cơ vỡ đập, chính quyền xã Hà Linh đã trích kinh phí từ nguồn dự phòng để triển khai xử lý khắc phục khẩn cấp thân đập bằng cách đắp bao, đóng cọc tre bảo vệ.

Chung tình trạng trên, sau nhiều năm khai thác, đập Trạng ở xã Hương Thủy đã bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ và tích nước phục vụ sản xuất. Hiện tại, hai bên mang tràn xả lũ bị xói lở, nhiều vị trí ở thân đập bị thấm nước, nguy cơ mất an toàn luôn tiềm ẩn.

Hồ chứa nước Khe Cọi tại xã Hà Lĩnh xuống cấp, chính quyền địa phương đã gia cố bằng cách đóng cọc nhồi, đắp bờ bao.

Hồ chứa nước Khe Cọi tại xã Hà Lĩnh xuống cấp, chính quyền địa phương đã gia cố bằng cách đóng cọc nhồi, đắp bờ bao.

Theo thống kê, tại huyện Hương Khê có 157 hồ đập lớn nhỏ. Trong đó nhiều hồ đập được xây dựng đã lâu và đang bị sạt lở, nứt thân đập, sạt trượt mái thượng lưu, hạ lưu, hư hỏng cống đóng mở, tràn xả lũ…

Ông Phan Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, trong quá trình kiểm tra, những hồ đập không đảm bảo an toàn địa huyện đã yêu cầu các địa phương, đơn vị không tích nước hoặc hạn chế tích nước để đảm bảo an toàn khi mùa mưa lũ đến. Đặc biệt, địa phương thực hiện phương án “4 tại chỗ”, huy động lực lượng, phương tiện tu sửa, gia cố hồ đập và lồng ghép các nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng công trình.

Trong ảnh tại đập Quát (huyện Hương Sơn) hư hỏng, ngành chức năng đóng cọc tre để bảo vệ.

Trong ảnh tại đập Quát (huyện Hương Sơn) hư hỏng, ngành chức năng đóng cọc tre để bảo vệ.

Tình trạng hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp không chỉ ở huyện Hương Khê mà còn ở nhiều huyện khác như Hương Sơn, Vũ Quang, Kỳ Anh… Đơn cử như đập Đình Đẹ ở thôn Cây Thị (xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn) thân đập bị thấm và sạt lở, hạn chế tích trữ nước và không đảm bảo an toàn khi có mưa lũ. Đập Cao Thắng, đập Quát (xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn) cũng xuống cấp, phần thân, chân đập có dấu hiệu thấm nước, nứt toác.

Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 130/348 đập, hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp cần được nâng cấp sửa chữa, trong đó 47 đập, hồ chứa bị hư hỏng nặng, 27 hồ chứa không đủ điều kiện tích nước và hạn chế tích nước.

Hoài Nam

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhieu-ho-dap-mat-an-toan-trong-mua-mua-lu-post1670911.tpo